TP.HCM lên kế hoạch tu bổ, bảo tồn cầu đường sắt Bình Lợi cũ

UBND TP.HCM yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp nhận, quản lý và có phương án tu bổ, bảo tồn cầu đường sắt Bình Lợi cũ (nhịp số 1 và 2) và Tháp canh phía Thủ Đức.

Mới đây, UBND TP.HCM đã có văn bản gửi Sở Giao thông công chánh TP.HCM (Sở GTCC TP.HCM), Sở Văn hóa và Thể thao, UBND TP Thủ Đức về việc tiếp nhận, quản lý tài sản cầu đường sắt Bình Lợi cũ (nhịp số 1 và 2) và Tháp canh phía Thủ Đức.

Cụ thể, UBND TP.HCM giao UBND TP Thủ Đức là cơ quan tiếp nhận, quản lý 2 nhịp cầu số 1 và 2 cầu đường sắt Bình Lợi cũ từ cơ quan đường sắt theo văn bản của Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) và quyết định của Bộ Tài chính trước đó.

 Cầu Bình Lợi cũ là công trình có giá trị về lịch sử, văn hóa gắn với quá trình hình thành, phát triển của Sài Gòn - TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Tiến

Cầu Bình Lợi cũ là công trình có giá trị về lịch sử, văn hóa gắn với quá trình hình thành, phát triển của Sài Gòn - TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Tiến

Đồng thời, UBND TP.HCM giao UBND TP Thủ Đức phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, Công ty cổ phần Đường sắt Sài Gòn (thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) đề xuất tổ chức quản lý, bảo tồn hạng mục Tháp canh phía TP Thủ Đức theo hiện trạng cùng với việc tiếp nhận 2 nhịp cầu trên.

Cạnh đó, hai đơn vị này phải phối hợp, trình phương án quản lý, tu bổ và bảo tồn trước ngày 31-3, thực hiện kế hoạch tu bổ trong quý 2-2025.

Còn Sở GTCC TP.HCM được giao chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, UBND TP Thủ Đức và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Cục Đường sắt tổ chức bàn giao, tiếp nhận công trình theo hiện trạng.

Hồi tháng 9-2024, Bộ Tài chính vừa quyết định điều chuyển cầu đường sắt Bình Lợi từ Bộ GTVT về UBND TP.HCM quản lý.

Từ cuối tháng 9-2024, TP.HCM có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện việc quản lý, bảo tồn cầu theo quy định.

Theo UBND TP.HCM, cầu Bình Lợi cũ là cầu sắt vượt sông Sài Gòn đầu tiên được xây dựng và hoàn thành năm 1902. Cầu được kết cấu vòm thép, mặt gỗ và có đường ray xe lửa nối Sài Gòn với Biên Hòa (Đồng Nai).

Sau gần 120 năm khai thác, cầu xuống cấp nghiêm trọng, chiều cao thông thuyền hiện tại của cầu chỉ 1,8 m nên khi thủy triều lên nhiều tàu thuyền bị mắc kẹt dưới gầm cầu. Trước tình trạng đó, tháng 4-2015, dự án xây cầu Bình Lợi mới được khởi công.

Song, cầu Bình Lợi cũ là công trình có giá trị về lịch sử, văn hóa gắn với quá trình hình thành, phát triển của Sài Gòn - TP.HCM và của ngành đường sắt Việt Nam. Vì vậy, TP.HCM muốn giữ để bảo tồn nguyên trạng công trình cầu đường sắt Bình Lợi cũ (kết cấu nhịp số 1, nhịp số 2 và tháp canh phía Thủ Đức).

Mục đích là nhằm giữ lại dấu tích của cầu đường sắt Bình Lợi gắn với không gian sông nước để phục vụ cho việc tìm hiểu nghiên cứu khoa học về ngành đường sắt và phát triển ngành du lịch.

NHƯ NGỌC

Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-len-ke-hoach-tu-bo-bao-ton-cau-duong-sat-binh-loi-cu-post840957.html
Zalo