TP HCM lên kế hoạch phòng, chống thiên tai

Trận động đất từ Myanmar vừa qua đã ảnh hưởng đến Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng. Một chung cư ở quận 8 ghi nhận có 400 căn hộ bị nứt tường

UBND TP HCM vừa ban hành kế hoạch về công tác phòng, chống thiên tai năm 2025 trên địa bàn thành phố.

UBND TP HCM yêu cầu luôn quán triệt và thực hiện có hiệu quả phương châm "bốn tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và nguyên tắc "phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả".

Nâng cao năng lực xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy, điều hành tại chỗ để ứng phó thiên tai đạt hiệu quả của các cấp, các ngành; tăng cường thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng, tránh ứng phó thiên tai kịp thời đến cộng đồng dân cư.

Chung cư Diamond Riverside ở phường 6, quận 8 ghi nhận 400 căn hộ bị nứt tường gạch

Chung cư Diamond Riverside ở phường 6, quận 8 ghi nhận 400 căn hộ bị nứt tường gạch

Theo đó, hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp được thành phố lên kế hoạch.

Cụ thể, tiếp tục triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai; chủ động sẵn sàng triển khai ngay các phương án phòng chống, ứng phó thiên tai của thành phố đã ban hành.

Thiên tai: bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh trên biển, lốc, sét, mưa lớn, lũ, ngập lụt; sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy; nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, cháy rừng do tự nhiên, mưa đá, sương mù, động đất, sóng thần và các loại thiên tai khác.

Đồng thời tiếp tục cập nhật số liệu các vị trí xung yếu, địa điểm an toàn di dời dân (trụ sở cơ quan nhà nước, trường học, bệnh viện…), cập nhật bổ sung bản đồ di dời, sơ tán dân ứng với các cấp độ rủi ro thiên tai.

Thường xuyên kiểm tra, rà soát các vị trí có nguy cơ sạt lở bờ sông, kênh, rạch và triển khai xây dựng kế hoạch, giải pháp phòng chống sạt lở đảm bảo an toàn cho dân cư.

Nâng cao chất lượng truyền tin, dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai; đồng thời nâng cao năng lực ứng phó, xử lý khi xảy ra thiên tai. Ứng dụng khoa học công nghệ, viễn thám, GIS và đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số trong phòng, chống thiên tai.

Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ để theo dõi, thực hiện công tác cảnh báo và tham mưu kịp thời các biện pháp phòng chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai xảy ra trên địa bàn.

Từng khu vực được UBND TP HCM lên giải pháp.

Khu vực Cần Giờ: trọng tâm là phòng chống bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh trên biển, sạt lở bờ sông, kênh, rạch và bờ biển, lốc xoáy, giông sét, sóng thần và thiên tai khác theo phương châm "chủ động phòng, tránh, thích nghi để phát triển".

Khu vực trên biển: trọng tâm là đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền đánh bắt hải sản theo phương châm "chủ động phòng, tránh". Khu vực ngoại thành và vùng ven: trọng tâm là phòng, chống bão, áp thấp nhiệt đới, triều cường, mưa lớn, xả lũ, sạt lở, lốc xoáy, giông sét và các loại hình thiên tai khác. Khu vực nội thành: trọng tâm là phòng, chống ngập nước nội thị (mưa lớn kéo dài, triều cường), lốc xoáy và các loại hình thiên tai khác.

Trận động đất từ Myanmar vừa qua đã ảnh hưởng đến Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng.

Theo UBND quận 8, qua rà soát, quận 8 ghi nhận tại chung cư Pegasuite (Phương Việt 1), trong quá trình xảy ra hiện tượng rung chấn có 1 cư dân sinh sống tại tầng 34 (thuê căn hộ) khi di chuyển theo lối thoát hiểm xuống tầng 21 thì ngất xỉu. Cư dân nơi đây báo cấp cứu. Tuy nhiên, khi xe cấp cứu đến thì người này đã qua đời.

Trong khi đó, chung cư Mỹ Phúc ghi nhận có 1 căn hộ bị nứt kính cửa sổ. Chung cư Diamond Riverside ghi nhận có 400 căn hộ bị nứt tường gạch tại 4 lô (A, B, C, D).

PHAN ANH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tp-hcm-len-ke-hoach-phong-chong-thien-tai-196250407154815471.htm
Zalo