TP HCM: Lễ Giỗ 83 năm ngày hy sinh của các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng

Lễ Giỗ nhằm ôn lại truyền thống lịch sử anh hùng cách mạng, lòng tự hào dân tộc, đạo lý 'uống nước nhớ nguồn' của toàn thể cán bộ, đảng viên, công viên chức và nhân dân trên địa bàn huyện Hóc Môn.

Sáng 28-8, tại Khu di tích lịch sử Ngã Ba Giồng (huyện Hóc Môn, TP HCM), UBND huyện Hóc Môn long trọng tổ chức Lễ giỗ 83 năm (28/8/1941 – 28/8/2024) ngày hy sinh của các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng: Đồng chí Hà Huy Tập, đồng chí Nguyễn Văn Cừ, đồng chí Võ Văn Tần, đồng chí Phan Đăng Lưu, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai và đồng bào, chiến sĩ hy sinh ngày 28-8-1941.

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Trương Tấn Sang thắp hương tại Khu tưởng niệm Di tích lịch sử Ngã Ba Giồng

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Trương Tấn Sang thắp hương tại Khu tưởng niệm Di tích lịch sử Ngã Ba Giồng

Đến dự Lễ giỗ có sự tham dự của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên lãnh đạo UBND TP HCM cùng đại diện một số tỉnh, thành.

Phút mặc niệm tưởng nhớ các vị lãnh đạo Đảng, chiến sĩ, đồng bào đã hy sinh ngày 28-8-1941

Phút mặc niệm tưởng nhớ các vị lãnh đạo Đảng, chiến sĩ, đồng bào đã hy sinh ngày 28-8-1941

Phát biểu tại Lễ Giỗ, ông Trần Văn Khuyên, Bí thư Huyện ủy huyện Hóc Môn, cho biết Lễ Giỗ nhằm ôn lại truyền thống lịch sử anh hùng cách mạng, lòng tự hào dân tộc, đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của toàn thể cán bộ, đảng viên, công viên chức và nhân dân trên địa bàn huyện Hóc Môn.

Ông Trần Văn Khuyên - Bí thư huyện ủy huyện Hóc Môn - phát biểu tại Lễ giỗ

Ông Trần Văn Khuyên - Bí thư huyện ủy huyện Hóc Môn - phát biểu tại Lễ giỗ

"Đây là dịp chúng ta bày tỏ lòng tri ân đối với nhân dân Hóc Môn kiên cường, đồng cam cộng khổ trong những năm tháng khởi đầu của Đảng trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp đã bảo vệ, đùm bọc, che chở thành công 05 kỳ Hội nghị Ban chấp hành Trung ương; các kỳ họp của Xứ ủy Nam kỳ quyết định vận mệnh của đất nước Việt Nam. Người dân Hóc Môn luôn tự hào, ghi nhớ các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, anh hùng liệt sĩ tiêu biểu đã từng sinh sống, chiến đấu, hy sinh trên quê hương Hóc Môn – 18 thôn Vườn Trầu" - ông Trần Văn Khuyên nhấn mạnh.

Sáng cùng ngày, các đại biểu đã làm lễ dâng hương, dâng hoa tại Khu di tích Dinh quận Hóc Môn, đài tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh tại Nhà thương Giếng nước, Khu tưởng niệm Di tích lịch sử Ngã Ba Giồng.

Các đại biểu dâng hương tại đài tưởng niệm Khu di tích lịch sử Ngã Ba Giồng

Các đại biểu dâng hương tại đài tưởng niệm Khu di tích lịch sử Ngã Ba Giồng

Sau cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ (tháng 11-1940), thực dân Pháp đã tăng cường ruồng bắt và dựng lên 3 trường bắn tại Hóc Môn.

Ngày 28-8-1941, tại trường bắn Nhà thương Giếng nước (nay là Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn), thực dân Pháp đã giết hại các đồng chí lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương: đồng chí Hà Huy Tập -Tổng Bí thư, đồng chí Võ Văn Tần - Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai - Ủy viên Xứ ủy, Bí thư Thành ủy Sài Gòn-Chợ Lớn và đồng chí Nguyễn Hữu Tiến - Thành ủy viên Sài Gòn - Chợ Lớn.

Lễ Giỗ nhằm ôn lại truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của nhân dân Hóc Môn

Lễ Giỗ nhằm ôn lại truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của nhân dân Hóc Môn

Tại trường bắn Ngã Ba Giồng Bằng lăng (nay là Khu Di tích lịch sử cấp Quốc gia Ngã Ba Giồng), thực dân Pháp đã giết hại đồng chí Nguyễn Văn Cừ - Tổng bí thư, đồng chí Phan Đăng Lưu-Ủy viên thường vụ Trung ương Đảng và nhiều chiến sĩ cộng sản, đồng bào yêu nước.

Khởi nghĩa Nam Kỳ là cuộc khởi nghĩa vũ trang có phạm vi rộng nhất và mức độ quyết liệt nhất kể từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta.

Mặc dù bị kẻ thù dìm cuộc khởi nghĩa trong bể máu, nhưng cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ đã để lại một trang sử hào hùng, đã nêu cao tấm gương đấu tranh anh dũng; ý chí quật cường, tinh thần cách mạng tiến công, để lại cho chúng ta hôm nay và các thế hệ mai sau tinh thần bất khuất, kiên cường và lòng yêu nước mãnh liệt.

THU HỒNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tp-hcm-le-gio-83-nam-ngay-hy-sinh-cua-cac-dong-chi-nguyen-lanh-dao-dang-196240828134314757.htm
Zalo