TP HCM: Kỳ vọng hoàn thành 10 tuyến metro vào năm 2045
TP HCM đặt mục tiêu hoàn thành 10 tuyến metro vào năm 2045, kỳ vọng trở thành trụ cột giao thông hiện đại, bền vững và thân thiện môi trường.
TP HCM tăng tốc cuộc đua metro với tham vọng có 10 tuyến vào năm 2045. Không chỉ là hạ tầng, đây còn là cú hích thay đổi bộ mặt đô thị và đời sống người dân.
Thời điểm bứt phá cho metro TP HCM
Sáng 18-4, hội nghị quốc tế về "Thông tin công tác tư vấn thực hiện các dự án đường sắt đô thị tại TP HCM và TP Hà Nội" được tổ chức tại TP HCM. Sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết 188/2025/QH15, mở ra hành lang pháp lý cho việc tăng tốc phát triển hạ tầng giao thông đô thị.

Ông Phan Công Bằng, Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP HCM phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Công Bằng, Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP HCM (MAUR), nhấn mạnh đây là thời điểm lịch sử để TP Hà Nội và TP HCM đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống đường sắt đô thị, góp phần giải quyết vấn đề giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Phát triển mạng lưới đường sắt đô thị không chỉ là kết nối hạ tầng, mà còn là kết nối những ước mơ, khát vọng của người dân thành phố về một cuộc sống hiện đại và tiện nghi.
Ban Quản lý Đường sắt đô thị cho biết theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060, thành phố đặt mục tiêu xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 510 km. Đây là định hướng quan trọng nhằm xây dựng một hệ thống giao thông bền vững, hiện đại và thân thiện với môi trường.
Theo đó, TP HCM sẽ triển khai theo lộ trình gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn 2025-2027 tập trung hoàn tất công tác chuẩn bị đầu tư, lập và phê duyệt các dự án thành phần. Giai đoạn 2026-2028 là thời điểm thực hiện giải phóng mặt bằng, và từ năm 2027 đến 2035 sẽ tiến hành thi công đồng loạt các tuyến metro trên toàn thành phố. Mục tiêu đến năm 2035, TP HCM sẽ cơ bản hoàn thành hệ thống đường sắt đô thị.
Phân kỳ đầu tư metro: Bài bản và dài hạn
Chia sẻ tại hội nghị, ông Bùi Anh Huấn, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Đường sắt đô thị, cho biết TP HCM sẽ ưu tiên chia quá trình đầu tư thành hai giai đoạn:

Bản đồ 10 tuyến metro TP HCM đến 2040 tầm nhìn 2060 - Ảnh: MAUR
Giai đoạn 1 (đến năm 2035): Thành phố sẽ hoàn thành 7 tuyến metro đầu tiên (tuyến số 1 đến 7), với tổng chiều dài 355 km, tổng cộng 258 nhà ga, 12 depot và 885 toa xe. Diện tích đất sử dụng khoảng 796 ha. Dự kiến các tuyến này sẽ đáp ứng 40-50% nhu cầu đi lại của người dân và có tổng mức đầu tư khoảng 40,21 tỉ USD.
Trong số này, tuyến có vốn đầu tư lớn nhất là tuyến số 6 (Vành đai trong) với hơn 8,4 tỉ USD. Tổng cộng, 7 tuyến metro ở giai đoạn 1 sẽ cần khoảng 961.916 tỉ đồng (tương đương 38 tỉ USD), khẳng định quyết tâm lớn của TP HCM trong việc xây dựng mạng lưới giao thông đô thị hiện đại.
Giai đoạn 2 (đến năm 2045): TP HCM tiếp tục hoàn thiện 3 tuyến còn lại (tuyến số 8, 9 và 10), với tổng chiều dài 155 km, gồm 119 nhà ga và 2 depot. Số lượng toa xe là 351 toa, với diện tích đất sử dụng khoảng 377 ha. Dự kiến tổng mức đầu tư cho giai đoạn này là khoảng 17,95 tỉ USD, trong đó chi phí vận hành và khai thác chiếm gần 8,82 tỉ USD. Các tuyến này được kỳ vọng sẽ đáp ứng 50-60% nhu cầu đi lại.
"TP HCM hướng tới một hệ thống metro không chỉ là công trình hạ tầng, mà còn là xương sống của đô thị hiện đại, giảm thiểu ùn tắc, cải thiện môi trường và tạo đòn bẩy phát triển kinh tế" - ông Huấn khẳng định.