TP.HCM kiến nghị Thủ tướng áp dụng cơ chế đặc biệt để làm nhanh đường sắt đi Cần Giờ

Ngày 21.4, UBND TP.HCM có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về đầu tư tuyến đường sắt kết nối trung tâm TP.HCM đến huyện Cần Giờ.

Theo UBND TP.HCM, Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1711 đã xác lập quy hoạch tiềm năng tuyến đường sắt đô thị kết nối trung tâm TP.HCM - Cần Giờ (tuyến đường sắt đô thị số 12, tuyến tiềm năng kết nối Cần Giờ).

Dự án đường sắt đô thị có chiều dài khoảng 48,7km. Điểm đầu tại đường Nguyễn Văn Linh (đoạn giữa nút giao với đường Nguyễn Thị Thập và đường Lý Phục Man), phường Bình Thuận, quận 7, TP.HCM), đi qua Nguyễn Lương Bằng – Rừng Sác. Điểm cuối là khu đất 39ha tiếp giáp dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, xã Long Hòa, huyện Cần Giờ.

Tuyến đường sắt sẽ kết nối khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ - Vinhomes Green Paradise - Ảnh: Vingroup

Tuyến đường sắt sẽ kết nối khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ - Vinhomes Green Paradise - Ảnh: Vingroup

Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 cũng đã được cập nhật, bổ sung quy hoạch tuyến đường sắt đô thị kết nối trung tâm TP.HCM - Cần Giờ gửi Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới.

UBND TP.HCM cho biết tại thời điểm ban hành Nghị quyết số 188, danh mục dự án mạng lưới đường sắt đô thị tại TP.Hà Nội, TP.HCM kèm theo nghị quyết này không bao gồm tuyến đường sắt đô thị kết nối trung tâm TP.HCM với huyện Cần Giờ. Tuy nhiên, danh mục dự án ban hành kèm theo Nghị quyết số 188 theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 10 cho phép: “Chính phủ quyết định điều chỉnh danh mục dự án dự kiến tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết này trên cơ sở đề nghị của UBND TP”.

Để đẩy nhanh tiến trình đầu tư dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng, UBND TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương bổ sung tuyến đường sắt đô thị kết nối TP.HCM đến huyện Cần Giờ vào danh mục dự án kèm theo Nghị quyết số 188 và áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt. Đồng thời, giao UBND TP khẩn trương phối hợp với Bộ Xây dựng báo cáo đề xuất Chính phủ chấp thuận bổ sung tuyến đường sắt đô thị này vào danh mục dự án kèm theo Nghị quyết 188.

Về tình hình triển khai nghiên cứu dự án đường sắt đô thị TP.HCM - Cần Giờ hiện đang được Tập đoàn VinGroup đề xuất đầu tư. Hiện nay, UBND TP.HCM đang phối hợp với nhà đầu tư xúc tiến, triển khai các bước tiếp theo.

Trước đó, tại buổi lễ khởi công dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ - Vinhomes Green Paradise ngày 19.4, Tập đoàn Vingroup thông tin khu đô thị lấn biển sẽ được kết nối với trung tâm TP.HCM bằng tuyến đường sắt đô thị tốc độ cao. Với tốc độ tối đa lên tới 250km/giờ, người dân, khách du lịch đi từ khu Phú Mỹ Hưng (quận 7) đến Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ chỉ mất khoản g16 phút.

Theo nghiên cứu sơ bộ, tuyến đường sắt đô thị tốc độ cao có mức vốn sơ bộ khoảng 102.370 tỉ đồng (khoảng 4 tỉ USD), đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) - loại hợp đồng BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh).

Vingroup đề xuất sử dụng nguồn vốn của mình và nguồn vốn huy động để đầu tư và dự kiến hoàn thành dự án trong 3 năm (từ 2025 - 2028).

Được biết, khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ nằm ngay cạnh siêu cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trị giá 4,8 tỉ USD đang được đẩy mạnh triển khai từ tháng 4.2025. Vì vậy, tuyến metro từ trung tâm TP.HCM đến huyện Cần Giờ một khi được xây dựng sẽ là "bàn đạp" cho sự phát triển của 2 siêu dự án trên.

Thủy Long

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/tp-hcm-kien-nghi-thu-tuong-ap-dung-co-che-dac-biet-de-lam-nhanh-duong-sat-di-can-gio-231785.html
Zalo