TP.HCM hướng đến danh hiệu Thành phố Sáng tạo Điện ảnh UNESCO

TP.HCM đặt mục tiêu trở thành thành phố điện ảnh đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á.

UBND TP.Hồ Chí Minh vừa tổ chức buổi tọa đàm tham vấn ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia và các bên liên quan nhằm hoàn thiện hồ sơ ứng cử gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực điện ảnh.

Buổi tọa đàm có sự tham gia của Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Trần Thị Diệu Thúy, Giám đốc Sở VH-TT Thành phố Trần Thế Thuận, đại diện Lãnh sự quán các quốc gia Hungary, Indonesia, Belarus, Lào, Trung Quốc, Liên bang Nga, Cục Hợp tác quốc tế, Cục Điện ảnh, các hội văn học nghệ thuật, các chuyên gia, nhà làm phim trong nước và quốc tế.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thúy phát biểu đề dẫn buổi tọa đàm. Ảnh: Văn Tuấn (SGGP)

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thúy phát biểu đề dẫn buổi tọa đàm. Ảnh: Văn Tuấn (SGGP)

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Trần Thị Diệu Thúy cho biết, để chuẩn bị hồ sơ một cách tốt nhất, TP.Hồ Chí Minh tổ chức buổi tọa đàm quốc tế để tham vấn ý kiến từ các nhà quản lý, các chuyên gia, qua đó tiếp thu những ý kiến đóng góp hữu ích cho hồ sơ ứng cử của Thành phố.

Tại buổi tọa đàm, các nhà quản lý, chuyên gia và các bên liên quan cùng trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ chuyên môn, cũng như thảo luận về các giải pháp sáng tạo nhằm phát triển ngành công nghiệp điện ảnh - lĩnh vực được TP.Hồ Chí Minh lựa chọn để gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

Theo kế hoạch, ngày 03/3/2025, Thành phố sẽ chính thức nộp hồ sơ đến UNESCO để TP.Hồ Chí Minh trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Nếu được phê duyệt, TP.Hồ Chí Minh sẽ là thành phố điện ảnh UCCN đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á.

TP.Hồ Chí Minh là nơi kết nối, hội tụ của các dòng chảy văn hóa, sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, giữa văn hóa phương Đông và phương Tây, tạo thành gam màu tươi trẻ cho Thành phố và truyền cảm hứng cho thế hệ tương lai.

Là địa phương nằm trong số 200 thành phố khởi nghiệp toàn cầu, TP.Hồ Chí Minh cam kết cùng doanh nghiệp đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, đặt tiêu chí tăng trưởng xanh và chất lượng sống tốt cho người dân là mục tiêu cơ bản, hướng đến năm 2030 trở thành đô thị phát triển bền vững.

Hiện nay, Thành phố có 54 dân tộc sinh sống, là môi trường thuận lợi cho nhà đầu tư và khách du lịch quốc tế. Thành phố vinh dự nhận đề cử “Điểm đến du lịch kinh doanh hàng đầu châu Á” và “Điểm đến Lễ hội và Sự kiện hàng đầu châu Á” của Giải thưởng Du lịch thế giới năm 2023 (World Travel Awards 2023).

Thành phố đặt văn hóa vào trọng tâm của sự phát triển, trong đó lĩnh vực điện ảnh sẽ hiện thực hóa tầm nhìn, giúp nâng cao vai trò trung tâm dẫn dắt kết nối Việt Nam với các làn sóng đổi mới của thế giới; thiết lập quan hệ hợp tác, thúc đẩy giao lưu văn hóa, hợp tác liên văn hóa với các thành viên UCCN; phát triển cơ sở hạ tầng làm phim chuyên nghiệp, cung cấp không gian cho việc sáng tạo điện ảnh; xây dựng nguồn nhân lực điện ảnh chuyên sâu; phát triển thương hiệu liên hoan phim thường niên xứng tầm quốc tế; tạo sự bình đẳng trong xã hội trong việc được tiếp cận, thụ hưởng và sáng tạo nghệ thuật.

UBND Thành phố đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách để phát triển nền điện ảnh của Thành phố. Đề án “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP.Hồ Chí Minh đến năm 2030” tạo điều kiện văn hóa phát triển, đặc biệt là trên lĩnh vực: Điện ảnh; Nghệ thuật biểu diễn; Mỹ thuật; Nhiếp ảnh; Triển lãm; Quảng cáo; Du lịch văn hóa; Thời trang.

Sự phát triển của điện ảnh sẽ tạo ra một định hình mới về văn hóa và khẳng định TP.Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế - văn hóa với nhiều lớp trầm tích văn hóa đa dạng hòa cùng lịch sử hình thành và phát triển của Thành phố.

TPHCM xuất hiện trong phim Artemis Fowl.

TPHCM xuất hiện trong phim Artemis Fowl.

Ngành điện ảnh của Thành phố hiện đang quy tụ 935 doanh nghiệp, với 9.294 lao động, tạo ra doanh thu 500 triệu USD, đóng góp 0,43% GRDP. Thành phố có 10 hệ thống rạp, 52 cụm rạp, và 295 phòng chiếu và 184 không gian sáng tạo là nơi thực hành nghệ thuật chuyên nghiệp; ngoài ra còn có các không gian văn hóa phục vụ cho nhu cầu của cộng đồng ở các khu dân cư và các đối tượng, trong đó có 22 trung tâm văn hóa quận/huyện, 18 nhà văn hóa lao động, 9 thiết chế văn hóa – thể thao tại các khu công nghiệp, 68 trung tâm văn hóa – thể thao phường/xã nhằm phục vụ quảng bá và phổ biến văn hóa nghệ thuật, nâng cao mức sống văn hóa tinh thần của cộng đồng.

Bên cạnh đó, những thiết chế văn hóa tiêu biểu của Thành phố như Nhà Văn hóa Thanh niên, Nhà Văn hóa Phụ nữ, Nhà Văn hóa Sinh viên, Nhà văn hóa Thiếu nhi, các câu lạc bộ điện ảnh… đã góp phần thúc đẩy hoạt động điện ảnh; giáo dục, phát triển văn hóa.

Cùng với đó Thành phố thực hiện trên 500 suất chiếu/năm, chiếu phim miễn phí hoặc chi phí thấp tại các huyện ngoại thành, các cơ sở văn hóa cho công nhân, góp phần quan trọng trong việc đưa điện ảnh và nghệ thuật đến gần hơn với vùng nông thôn và người lao động.

Tại tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận về một số nội dung, sáng kiến được thể hiện trong dự thảo hồ sơ, bao gồm ở cả cấp độ quốc gia và quốc tế.

Các sáng kiến, chương trình, dự án điện ảnh của Thành phố, như:

Kiến tạo điện ảnh trong học đường: chương trình nhằm nâng cao cảm nhận, cảm thụ về nghệ thuật, giáo dục thẩm mỹ cho thế hệ trẻ; đồng thời, đào tạo thế hệ kế thừa và tạo ra môi trường phát triển bền vững cho thế hệ nghệ sĩ điện ảnh tương lai.

Dự án “Sắc màu cuộc sống qua điện ảnh”: Dự án truyền tải những câu chuyện đa chiều về cuộc sống, con người và văn hóa phong phú của TP.Hồ Chí Minh; tạo sự bình đẳng trong tiếp cận nghệ thuật và kết nối cộng đồng qua nghệ thuật.

Xây dựng cơ chế hỗ trợ phát triển điện ảnh: Cơ chế hướng đến xây dựng đầu mối tư vấn, hỗ trợ các thủ tục hành chính cho nhà làm phim; xây dựng dữ liệu điện ảnh, lưu trữ các nội dung liên quan đến dữ liệu điện ảnh; thành lập quỹ tài chính chuyên biệt để hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp điện ảnh, gồm đầu tư vào các dự án phim, hỗ trợ sản xuất, đào tạo nhân lực.

Diễn đàn mạng lưới các thành phố điện ảnh Châu Á: Sáng kiến được đề ra nhằm tạo điều kiện cho những người hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh ở Châu Á trao đổi về các vấn đề thuộc chuyên môn. Đặc biệt là nơi gặp gỡ, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm của những nhà sáng tạo điện ảnh trẻ.

Tổ chức các Giải thưởng, Liên hoan trên lĩnh vực Điện ảnh:

Giải thưởng viết kịch bản phim quốc tế: Giải thưởng được tổ chức với mục tiêu tôn vinh những kịch bản phim có giá trị nghệ thuật cao, tạo cầu nối giao lưu văn hóa giữa các quốc gia có nền văn hóa đa dạng, khuyến khích sự sáng tạo và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực điện ảnh.

Liên hoan phim quốc tế TP.Hồ Chí Minh (HIFF) thường niên: Liên hoan phim Quốc tế thường niên được tổ chức hàng năm nhằm chia sẻ kỹ năng tổ chức và chất lượng làm phim, góp phần làm giàu vốn văn hóa thông qua việc giới thiệu đa dạng các tác phẩm điện ảnh, đó tăng cường giao lưu giữa các nhà làm phim Việt Nam và toàn cầu.

Xây dựng những không gian sáng tạo văn hóa: Hình thành các công viên giải trí mang tính biểu tượng kết nối với thế giới, mở rộng lĩnh vực giải trí, IP và trải nghiệm kỹ thuật số góp phần kiến tạo những không gian nghệ thuật, công nghệ và thương mại.

Thạch An

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/van-hoa/tphcm-huong-den-danh-hieu-thanh-pho-sang-tao-dien-anh-unesco-c26a91496.html
Zalo