Tp.HCM: Hơn 5.000 sản phẩm không có hóa đơn, chứng từ bị tạm giữ
Lực lượng Quản lý thị trường Tp.HCM vừa phát hiện và tạm giữ 5.445 sản phẩm là mỹ phẩm, mắt kính, thực phẩm bao gói sẵn các loại do nước ngoài sản xuất, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn, chứng từ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu.
Theo Cục Quản lý thị trường Tp.HCM cho biết, vào ngày 8/1, Đội Quản lý thị trường Số 2 bất ngờ kiểm tra đồng loạt 2 điểm chứa trữ, kinh doanh hàng hóa không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trên địa bàn quận Tân Phú và quận Bình Tân. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 5.445 đơn vị sản phẩm là mỹ phẩm, mắt kính và thực phẩm bao gói sẵn các loại do nước ngoài sản xuất, không rõ nguồn gốc xuất xứ; không có hóa đơn, chứng từ… có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu.
Theo đó, khi tiến hành kiểm tra tại điểm kinh doanh, chứa trữ hàng hóa trên đường Lê Trọng Tấn, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, đoàn kiểm tra phát hiện 2.742 sản phẩm là thực phẩm bao gói sẵn và mỹ phẩm các loại do nước ngoài sản xuất; không rõ nguồn gốc xuất xứ; không có hóa đơn, chứng từ; có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu: Sensodyne, Clear, Dove, Sunsilk, Tresemme'…
Tiếp đó, tại điểm kinh doanh, chứa trữ hàng hóa trên đường số 2, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, đoàn kiểm tra phát hiện 2.793 đơn vị sản phẩm là thực phẩm bao gói sẵn và mỹ phẩm các loại do nước ngoài sản xuất; không rõ nguồn gốc xuất xứ; không có hóa đơn, chứng từ; có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu: Guccu, YSL…
Sau khi tiến hành kiểm tra và phát hiện số lượng hàng hóa, sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn, chứng từ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nêu trên, Đội Quản lý thị trường Số 2 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ hàng hóa nêu trên để xử lý theo quy định.
Được biết, trước đó Đội Quản lý thị trường Số 2 đã kiểm tra đồng loạt 2 điểm chứa trữ, kinh doanh hàng hóa không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trên địa bàn quận Gò Vấp, phát hiện 7.708 đơn vị sản phẩm là quần, áo thời trang các loại do nước ngoài sản xuất, không rõ nguồn gốc xuất xứ; không có hóa đơn, chứng từ; có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam, với tổng trị giá hơn 250 triệu đồng.