TP.HCM: Hơn 41% lao động tìm kiếm mức lương từ 10-15 triệu đồng/tháng

Trong năm 2024, nhu cầu về mức lương làm việc của người lao động tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) ở mức từ 5-10 triệu đồng/tháng chiếm 11,65%, trên 10-15 triệu đồng/tháng chiếm 41,15%, trên 15-20 triệu đồng/tháng chiếm 26,25%, trên 20 triệu đồng/tháng chiếm 19,89% tổng nhu cầu mức lương.

Đây là thông tin đáng chú ý trong kết quả điều tra, khảo sát lao động và nhu cầu sử dụng lao động tại hàng nghìn doanh nghiệp và hàng chục nghìn lao động trên địa bàn TP.HCM mà Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM vừa công bố.

Người lao động tìm việc tại Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TP.HCM.

Người lao động tìm việc tại Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TP.HCM.

Theo đó, nhu cầu tìm việc ở các mức lương trên tập trung ở các vị trí: Nhân viên kiểm định chất lượng, nhân viên y tế, bác sĩ đa khoa, nhân viên nhân sự, nhân viên trực tổng đài, kỹ thuật viên thẩm mỹ, nhân viên logistics; quản lý kho, trợ lý văn phòng, quản lý nhà hàng…. Bên cạnh đó, mức lương dưới 5 triệu đồng/tháng chiếm 1,06% phần lớn các ứng viên ở trình độ lao động phổ thông hoặc tìm việc làm bán thời gian.

Theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM: Trong năm 2024, lực lượng lao động của Thành phố có khoảng 4,87 triệu người, tăng 0,63% so với năm 2023; trong đó lao động nam chiếm 53,5%, lao động nữ chiếm 46,5%; lực lượng lao động khu vực thành thị chiếm đa số với 77,86%, khu vực nông thôn chiếm 22,14%.

Tỷ lệ lao động phân bổ theo ngành kinh tế gồm: Nông - lâm nghiệp - thủy sản (1,23%), công nghiệp - xây dựng (30,73%), dịch vụ (68,04%). Số lao động đang làm việc tập trung chủ yếu ở các ngành như: Công nghiệp chế biến, chế tạo (25,91%); bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác (24,97%); dịch vụ lưu trú và ăn uống (11,83%); vận tải, kho bãi (7,07%); xây dựng (5,78%); giáo dục và đào tạo (3,7%); hoạt động kinh doanh bất động sản (2,7%); hoạt động dịch vụ khác (2,44%), các ngành khác (15,6%).

Hình thức lao động làm công ăn lương chiếm ưu thế với 68,75%, tự làm chiếm 21,57%, lao động gia đình chiếm 7%, chủ cơ sở kinh doanh chiếm 2,67%, xã viên hợp tác xã chiếm 0,01%.

Trong năm 2024, nhu cầu tìm việc theo ngành/nghề tập trung chủ yếu ở quản lý điều hành (14,74%), kinh doanh thương mại (11,99%), hành chính - văn phòng - biên phiên dịch (10,22%), nhân sự (8,57%), kế toán - kiểm toán (8,42%), marketing (8,29%), công nghệ thông tin (6,07%), kiến trúc - kỹ thuật công trình xây dựng (5,64%), cơ khí - tự động hóa (4,24%), dịch vụ vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng (3,94%), các nhóm ngành/nghề khác (17,88%).

Về thực hiện các chính sách tại doanh nghiệp, có 1.285 lượt doanh nghiệp lựa chọn áp dụng tiền thưởng Tết Dương lịch (chiếm 17,71%); có 1.825 lượt lựa chọn áp dụng thưởng Tết Nguyên đán (25,15%); có 1.248 lượt lựa chọn áp dụng thưởng các ngày Lễ lớn trong năm (17,20%)… Ngoài ra một số doanh nghiệp còn áp dụng thêm các chế độ khác như tặng quà sinh nhật, tiền thăm bệnh, mua các gói bảo hiểm sức khỏe cho nhân viên, thưởng năng suất, tăng thêm ngày nghỉ phép,...

Về bức tranh cung cầu lao động trong năm 2025, đại diện Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM cho biết, lực lượng lao động của Thành phố đạt gần 5 triệu người, trong đó lao động nữ là 2,3 triệu người (chiếm 46,75%), lực lượng lao động ở khu vực thành thị là 3,8 triệu người (chiếm 78%).

Nhu cầu nhân lực của TP.HCM trong năm 2025 cần khoảng từ 310.000 - 330.000 chỗ làm việc. Trong đó, khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 67,7%, công nghiệp xây dựng chiếm 31,8% và nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 0,5%.

Lao động có việc làm sẽ tập trung cao ở nhóm ngành nghiệp chế biến, chế tạo (25,89%); bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác (25,59%); dịch vụ lưu trú và ăn uống (12,65%); vận tải, kho bãi (6,47%); xây dựng (5,07%); giáo dục và đào tạo (3,57%); còn lại là các ngành khác (20,76%). Theo vị thế việc làm, hình thức làm công ăn lương chiếm 67,82%, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh chiếm 2,73%, tự làm chiếm 19,22%, lao động gia đình chiếm 10,21%, xã viên hợp tác xã chiếm 0,02%.

Kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân TP.HCM: Trong năm 2024 Thành phố có khoảng 52.500 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký mới ước đạt 400.000 tỷ đồng, giảm 1,2% về số lượng, giảm 16,6% về vốn đăng ký so với năm 2023. Đã có khoảng 4.200 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 3,6%), 32.500 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động (tăng 17,2%), 15.800 doanh nghiệp hoạt động trở lại (tăng 20,8%). Về đầu tư FDI, trong năm 2024 Thành phố thu hút được 4,85 tỷ USD, giảm 18,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Về vấn đề giải quyết việc làm, trong năm 2024 Thành phố đã giải quyết cho 329.687/300.000 lượt (đạt 109,9% kế hoạch) và tạo ra chỗ việc làm mới là 150.046/140.000 chỗ (107,18%); tỷ lệ thất nghiệp đô thị là 3,81%. Thực hiện cấp, cấp lại và gia hạn giấy phép lao động người nước ngoài cho 18.730 trường hợp. Số lao động đang làm việc đã qua đào tạo đạt tỉ lệ 88,1%/87% (tăng 1,1% so với kế hoạch năm). Công tác tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp đạt 321.412/315.000 người (102,04%); công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt 5.494/4.100 người (134%).

Xuân Tình

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tphcm-hon-41-lao-dong-tim-kiem-muc-luong-tu-10-15-trieu-dongthang-182513.html
Zalo