TP.HCM hôm nay qua góc nhìn của nhân chứng 105 tuổi
Nhìn thành phố mà mình đã gắn bó gần trọn cuộc đời ngày một phồn vinh, nhà nghiên cứu 'Đi qua trăm năm' Nguyễn Đình Tư không khỏi xúc động, hân hoan hòa cùng không khí kỷ niệm 50 năm thống nhất đang lan tỏa khắp mọi miền Tổ quốc.

Những ngày tháng tư này, khi người dân khắp mọi miền Tổ quốc một lòng hướng về TP.HCM - điểm hẹn lịch sử, chúng tôi tìm đến thăm cụ Nguyễn Đình Tư, một trong 50 gương mặt tiêu biểu của Thành phố. Trong căn phòng nhỏ tràn ngập sách báo, nhà nghiên cứu 105 tuổi vẫn miệt mài làm việc bên bàn phím. Là công dân TP.HCM, người đã sống hơn một thế kỷ với phần lớn cuộc đời gắn bó và chứng kiến bao đổi thay của mảnh đất này, cụ Nguyễn Đình Tư không giấu được xúc động khi kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời mình, về những thăng trầm đã trải qua, và về hành trình 50 năm hòa bình, thống nhất mà cụ được chứng kiến, chung vui cùng mọi nhà.
Sống qua trăm năm, hai phần ba cuộc đời gắn bó với Sài Gòn - (Gia Định) - TP.HCM, tôi may mắn được chứng kiến những thăng trầm của thành phố. Sau nửa thế kỷ đất nước thống nhất, tôi muốn chia sẻ những quan sát từ vị trí của một người trong cuộc, những nghiên cứu tôi đúc rút cả một đời, để mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ, có thêm góc nhìn về sự vươn mình rực rỡ của thành phố hôm nay.
Gần ba thập kỷ trước, sắp đến mốc kỷ niệm 300 năm TP.HCM mà chưa thấy có một bộ sách toàn diện về quá trình hình thành và phát triển của thành phố từ thuở sơ khai đến hiện đại, tôi đặt mục tiêu thực hiện một công trình nhằm tri ân thành phố. Lúc bắt tay vào lên đề cương, tôi không ngờ hơn 20 năm sau, tác phẩm mới hữu duyên đến tay bạn đọc với tên gọi Gia Định - Sài Gòn - Thành Phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử. Thật may mắn khi lần này bộ sách đã kịp hoàn thiện trước một dịp kỷ niệm trọng đại nữa của thành phố nói riêng và cả nước nói chung: kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Câu chuyện bắt đầu với sự mở cõi của lưu dân Việt từ thế kỷ 17, khi vùng đất phương Nam còn hoang sơ. Năm 1698, dưới sự chỉ đạo của chúa Nguyễn Phúc Chu, Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh được cử vào Nam kinh lược, chính thức xác lập chủ quyền Đại Việt trên vùng đất này bằng việc thành lập dinh Trấn Biên và dinh Phiên Trấn. Từ đó, Gia Định trở thành một trung tâm hành chính - kinh tế trọng yếu.
Trong suốt thế kỷ 18-19, Gia Định chứng kiến nhiều biến động lớn: các cuộc tranh chấp giữa chúa Nguyễn và nhà Tây Sơn, sự thành lập vương triều Nguyễn, và quá trình đô thị hóa thuở ban đầu. Đến thời Pháp thuộc, từ năm 1859 khi Pháp đánh chiếm Gia Định, rồi biến nó thành một trung tâm thuộc địa kiểu mẫu với tên gọi Sài Gòn, vùng đất này bước vào một thời kỳ hiện đại hóa mạnh mẽ: hệ thống giao thông, trường học, bệnh viện, cơ sở hạ tầng kiểu Tây phương lần lượt ra đời.
Sài Gòn trong nửa đầu thế kỷ 20 được gọi "Hòn ngọc Viễn Đông" - một đô thị vừa hiện đại vừa duy trì bản sắc Á Đông. Sau Cách mạng tháng 8, thành phố có nhiều nhà máy, giải quyết được công ăn việc làm cho cộng đồng người lao động; có trường đại học, cơ sở giáo dục. Song dựa vào sự can thiệp của nước ngoài, nên thành phố chưa có nguồn nội lực chủ động để phát triển. Sài Gòn cũng là trung tâm đấu tranh cách mạng, nơi bùng nổ nhiều phong trào yêu nước chống Pháp và sau này là chống Mỹ.
Ngày 30/4/1975 là bước ngoặt đưa Sài Gòn và cả nước bước sang trang sử mới - hòa bình, độc lập, thống nhất non sông liền một dải. Năm 1976, thành phố được đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh.
Từ đó đến nay, thành phố có nhiều đổi thay và đang tiếp tục phát triển, trở thành đầu tàu kinh tế, văn hóa của cả nước, giữ vai trò trung tâm sáng tạo và hội nhập quốc tế.




Thành tựu 50 năm thống nhất
Những năm đầu sau thống nhất, cuộc sống người dân còn gặp khó khăn. Đất nước vẫn đang bị bao vây, cấm vận, chưa có cơ hội giao thương. Tuy vậy, trong hoàn cảnh đó, cán bộ miền Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đã có nhiều sáng kiến, tìm cách cứu vãn được tình thế cấp bách. Đó là những nỗ lực rất đáng ghi nhận.
Bước ngoặt lịch sử đến từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng họp tại Hà Nội từ ngày 15 đến 18/12/1986. Sự kiện này đã mở đầu một kỷ nguyên mới của đất nước, thời kỳ Đổi mới. Từ sau Đại hội, những chính sách như khai hoang phục hóa ruộng đất bỏ hoang trong chiến tranh và khoán 10 giúp nông nghiệp phát triển. Ngoài ra còn có chính sách cho phép tư nhân đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Tại TP.HCM xuất hiện nhiều điểm như khu kinh tế mới Lê Minh Xuân, các nông trường ở Cần Giờ… Tiếp nữa là chính sách mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài vào sản xuất, kinh doanh. Nhiều nhà máy được thành lập mới hoặc phục hồi, tạo ra nguồn việc làm dồi dào cho công nhân.
Lấy đà từ Đại hội VI, cả đất nước chuyển mình, ngày một phát triển, đổi mới theo hướng tích cực, toàn diện. TP.HCM là một trung tâm kinh tế, văn hóa nổi bật trong hành trình tiến lên đó.

Đến nay, theo hiểu biết của tôi, mặt bằng chung dân chúng có mức sống tốt. So với những nước phát triển có thể chúng ta chưa bằng, nhưng so với trước kia thì đây là một trời một vực. Hệ thống trường học, bệnh viện đầy đủ công lẫn tư, phủ kín khắp các địa bàn, chăm lo giáo dục, giải quyết vấn đề sức khỏe bệnh tật cho dân chúng. Nước ta dẫn đầu xuất khẩu nhiều mặt hàng nông nghiệp, ngư nghiệp…
Mới đây chính sách miễn học phí phổ thông đã được thông qua, rồi hướng tới miễn viện phí toàn dân. Đề án sáp nhập tỉnh thành, tinh gọn bộ máy, các dự án giao thông quan trọng khơi thông "huyết mạch" đất nước… Và rất nhiều thành tựu khác nữa khó lòng liệt kê hết. Sự phát triển hôm nay là rất đáng lạc quan. Là người trải qua, chứng kiến nhiều thời kỳ, lòng tôi thấy mừng khôn xiết.
Viết sách để tri ân thành phố nghĩa tình
Tôi sống một cuộc đời đơn giản: Gặp khó khăn tôi vẫn bình thản, nỗ lực vượt qua chứ không bi quan, không thất vọng. Có giai đoạn cả gia đình tôi phải ăn cháo rau má ba tháng, lúc ấy con tôi còn nhỏ mà nhà không có cơm. Vậy nhưng tôi không mang tâm lý oán trách thời cuộc hay bất kỳ ai, vẫn lạc quan, tìm cách khắc phục những thử thách đó.
Ngày trước tôi làm công chức, một công chức bình thường, đồng lương đủ nuôi sống gia đình, cho con ăn học. Sau này tôi mất việc thì gia đình cũng mất nguồn thu nhập. Tôi ra đường ngồi sửa xe đạp để kiếm một ngày mấy đồng bạc, thời đó có giá trị lắm, có thể mua mấy kg gạo.
Tôi đã tự động viên mình vượt qua, không phân biệt một nghề nào, miễn đó là công việc làm ăn lương thiện để có thể lo cho gia đình: Trước kia tôi ngồi bàn giấy, có người chăm lo bữa cơm nước uống hàng ngày. Nhưng sau này phải ra ngồi lề đường kiếm sống tôi cũng không nản chí. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi lúc chờ khách, tôi kê giấy trên thùng đồ nghề viết sách, rồi hoàn thành bộ tiểu thuyết Loạn 12 sứ quân dày 1.500 trang.




Năm sáu năm trôi qua như vậy. Sau này hai con út tôi học đại học xong, ra làm công chức cho nhà nước, có lương, kinh tế gia đình không còn khó nữa; lúc đó tôi mới yên tâm trở về với đam mê của bản thân là là nghiên cứu và viết sách. Tôi bắt đầu hành trình những tháng ngày lui tới các thư viện và trung tâm lưu trữ quốc gia.
Bấy giờ tôi không phải cán bộ nhà nước mà chỉ là dân thường. Tôi không biết liên lạc với ai nên cứ thế mày mò tìm kiếm. Những đề tài tôi viết đều do tôi cảm thấy cần phải có để phục vụ kịp thời cho bạn đọc.



Lúc mới nghỉ sửa xe đạp, tôi bắt đầu viết Đường phố nội thành TP.HCM. Sau khi đất nước thống nhất, TP.HCM đổi tên một loạt hơn trăm con đường. Bảng tên đường mới không ghi tên đường cũ, cũng ít người biết tiểu sử người hay địa danh mới được chọn đặt tên. Do trước đó làm nghề sửa xe, nên tôi càng thấu hiểu nỗi khổ của anh em đạp xích lô, lái xe ôm. Khách nhờ chở tới đường nọ, đường kia, mà họ mù tịt không biết đường đó chỗ nào nên mất khách, thu nhập kém.
Do đó, tôi thiết nghĩ nên có một cuốn sách phổ cập cho dân chúng biết mà đỡ bỡ ngỡ. Tôi dành hàng tháng trời đạp xe khắp đường phố nội thành (ngày đó ngoại thành đường chưa có tên, chỉ nội thành đường mới có tên), thu thập đủ tài liệu thì ngồi viết. Sau đó Sở Văn hóa Thể Thao đến trao đổi, mời tôi vào Hội đồng đặt tên đường.



Về sau tất cả sách Địa chí hành chính các tỉnh Nam kỳ thời Pháp thuộc (1859-1954), Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam kỳ (1859-1954), Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698-2020) đều phát xuất từ quan sát thấy cần những đề tài như vậy, nên tôi mới bắt tay vào thực hiện.
Các sách tôi viết hầu hết đều về Nam Bộ, đặc biệt là TP.HCM. Đất nước thống nhất, tôi viết sách với kỳ vọng để đồng bào miền Nam hiểu biết về vùng đất của mình, đồng thời cũng để đồng bào miền Trung, miền Bắc hiểu biết về miền Nam, con người miền Nam.
Hôm nay, sau nửa thế kỷ độc lập, hòa bình, thống nhất, trên thành phố miền Nam mang tên Bác này có rất nhiều người miền Trung, miền Bắc về sinh sống; hòa hợp, đoàn kết chứ không có sự kì thị, cách biệt. Người ta vẫn gọi đây là thành phố bao dung, nghĩa tình chính là vì vậy.
Trong thời khắc lịch sử của cả dân tộc, tôi muốn gửi lời tri ân thành phố này đã cưu mang, đã luôn dang rộng vòng tay và cho tôi cơ hội sinh sống, làm việc, cống hiến.
