TP.HCM dự kiến hoàn thành 7 tuyến đường sắt đô thị vào năm 2035
TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2035 sẽ xây dựng 7 tuyến đường sắt đô thị (metro) với chiều dài 355 km, tổng mức đầu tư sơ bộ hơn 40 tỷ USD. Từ đó, rút ngắn tiến trình hoàn thành toàn bộ mạng lưới theo quy hoạch là 510 km vào năm 2045 thay vì đến năm 2060…
Tại kỳ họp thứ 20 Hội đồng nhân dân TP.HCM khóa X, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm thông tin về nội dung tờ trình của Ủy ban nhân dân Thành phố về Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị (metro) Thành phố theo Kết luận số 49 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
RÚT NGẮN TIẾN TRÌNH HOÀN THÀNH DỰ ÁN
Theo đó, Thành phố đề xuất đầu tư, hoàn thành 7 tuyến metro dài khoảng 355 km vào năm 2035 với sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng hơn 40,21 tỷ USD. Đến năm 2045, Thành phố sẽ hoàn thành thêm 155 km, nâng tổng chiều dài lên khoảng 510 km.
Như vậy, so với tờ trình đề án trước, TP.HCM đã tăng quy mô đầu tư giai đoạn đến 2035 từ 183 km lên 355 km. Từ đó, rút ngắn tiến trình hoàn thành toàn bộ mạng lưới theo quy hoạch 510 km vào năm 2045 thay vì đến năm 2060. Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết việc sớm phủ sóng mạng lưới metro nhằm giải quyết được các bất cập về giao thông đô thị, yêu cầu phát triển thành phố hiện đại, văn minh trong tương lai.
Về mục tiêu, Đề án phải thể hiện được tư duy hiện đại, tầm nhìn chiến lược với cách nghĩ và cách làm mới; phải có tầm nhìn chiến lược, bảo đảm tính đồng bộ với quy hoạch tổng thể đường sắt quốc gia...
Trên cơ sở quan điểm chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải, TP.HCM đã khẩn trương rà soát cập nhật hoàn thiện Đề án với mục tiêu rút ngắn thời gian đầu tư hoàn thiện mạng lưới metro theo quy hoạch.
Để thực hiện thành công và sớm hoàn thành mục tiêu, Đề án đề xuất tổng cộng 43 cơ chế, chính sách đột phá, bao gồm 32 cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội, 13 cơ chế thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ. Các cơ chế, chính sách nhằm ưu tiên huy động vốn và bố trí vốn; phân cấp, phân quyền mạnh mẽ; rút ngắn trình tự, thủ tục, đẩy nhanh tiến độ thực hiện; phát triển đô thị theo định hướng TOD; thu hút các nhà đầu tư chiến lược, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư...
NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG KẾT HỢP VỚI VỐN THƯƠNG MẠI
Về nguồn vốn, Đề án xác định đầu tư công có vai trò chủ đạo và quyết định đến việc xây dựng hệ thống metro. Trong quá trình triển khai, Thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu, kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng các tuyến metro có tiềm năng thương mại.
Đối với nguồn vốn ngân sách, Thành phố sẽ huy động từ kế hoạch vốn trung hạn, nguồn vượt thu, nguồn từ khai thác quỹ đất (TOD), phát hành trái phiếu chính quyền địa phương; huy động vốn vay, huy động từ hợp đồng BT (trả bằng ngân sách hoặc quỹ đất), vốn ngân sách trung ương hỗ trợ và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Với tờ trình lần này, TP.HCM đã đặt mục tiêu đến năm 2035 sẽ hoàn thành 355 km đường sắt đô thị (7 tuyến) thay vì 183 km như đề xuất ban đầu. Sơ bộ tổng mức đầu tư 7 tuyến này khoảng hơn 40 tỷ USD.
Cụ thể, giai đoạn 2026-2030 là 16,35 tỷ USD. Trong đó, ngân sách thành phố là 5,81 tỷ USD, chiếm 35,54% (từ ngân sách 4,23 tỷ USD và phát triển TOD; phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị 1,58 tỷ USD); phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và các hình thức vay trong nước khác 4,34 tỷ USD, chiếm 26,54%; ngân sách Trung ương dự kiến hỗ trợ 3,86 tỷ USD, chiếm 23,61%; nguồn vốn BT trả chậm 2,34 tỷ USD, chiếm 14,31%.
Giai đoạn 2031 - 2035, Thành phố cần mức đầu tư khoảng 24 tỷ USD. Trong đó, ngân sách thành phố là 13,33 tỷ USD (từ ngân sách 7,11 tỷ USD và từ phát triển TOD 6,22 tỷ USD); phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và các hình thức vay trong nước khác 1,97 tỷ USD; ngân sách Trung ương dự kiến hỗ trợ 4,52 tỷ USD; nguồn vốn BT trả chậm 4,22 tỷ USD.
Trên cơ sở mục tiêu, quy mô, tiến độ triển khai, Ủy ban Nhân dân Thành phố xác định, giai đoạn 2025-2027 phải hoàn thành chuẩn bị dự án; giai đoạn năm 2027-2028, hoàn thành bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng để triển khai thi công; khởi công công trình từ năm 2027 và chậm nhất vào năm 2028; hoàn thành 355 km đường sắt đô thị vào năm 2035.
Ủy ban Nhân dân TP.HCM cũng đề xuất 30 chính sách thuộc thẩm quyền Quốc hội và 13 chính sách thuộc thẩm quyền Chính phủ nhằm ưu tiên huy động vốn và bố trí vốn; phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho Thành phố; rút ngắn trình tự, thủ tục, đẩy nhanh tiến độ thực hiện; phát triển đô thị theo định hướng TOD; thu hút các nhà đầu tư chiến lược, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố cho biết thời gian qua Chính phủ hết sức quan tâm phát triển hạ tầng, ưu tiên để đầu tư dứt điểm hạ tầng giao thông xương sống và chiến lược của Thành phố. Đây là thời cơ thuận lợi cũng là cơ hội để TP.HCM thực hiện.
“Không chỉ đầu tư đường sắt đô thị, TP.HCM còn kết hợp chỉnh trang và tái cấu trúc khu đô thị hiện hữu xung quanh nhà ga và phát triển không gian ngầm. Đường sắt tới đâu thì các đô thị xung quanh nhà ga sẽ được chỉnh trang khang trang, phát huy hiệu quả sử dụng đất và không gian ngầm trong thời gian tới đó”, ông Lâm cho biết thêm.