TP.HCM dôi dư hơn 1 nghìn cán bộ sau sáp nhập phường

Theo thống kê, trong số 3.137 cán bộ công chức, viên chức tại các địa bàn được sắp xếp sẽ chỉ còn 2.115 người được giữ lại.

Chiều 26.11, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 1278/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 – 2025.

Theo báo cáo, TP.HCM có 10 quận thực hiện Nghị quyết số 1278. Theo đó, việc sắp xếp bộ máy và bàn giao cơ sở vật chất tại 41 phường mới của 10 quận sẽ tiến hành theo 2 giai đoạn.

Cụ thể, giai đoạn 1 từ ngày 1 - 31.12, 10 quận sẽ tổ chức sắp xếp, thành lập, sáp nhập tổ chức bộ máy của các phường trực thuộc theo tên của đơn vị hành chính mới.

Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan phát biểu tại hội nghị

Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan phát biểu tại hội nghị

Giai đoạn 2, từ ngày 1.1.2025, sau khi đơn vị hành chính mới đi vào hoạt động, đến ngày Đại hội Đảng bộ cấp cơ sở. Cụ thể, tiếp tục kiểm tra, rà soát, đánh giá việc triển khai thực hiện thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan đến đời sống, an sinh xã hội cho cá nhân, tổ chức với nguyên tắc không thu các loại phí, lệ phí khi thực hiện chuyển đổi do thay đổi địa giới đơn vị hành chính; hoàn thành cơ bản phương án bố trí đội ngũ cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách theo lộ trình.

Trong thời gian từ ngày 28 - 31.12.2024, UBND các quận 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp và Phú Nhuận xây dựng kế hoạch công bố nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Kết luận hội nghị, Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan đề nghị, cần tiếp tục quản lý, sử dụng hiệu quả, không để lãng phí cơ sở vật chất sau khi sắp xếp; giữ nguyên các cơ sở vật chất như trường học, trạm y tế… Trong khi đó, các trụ sở cơ quan hành chính cần tính toán, bố trí hợp lý. Đặc biệt, cần quan tâm, giải quyết chế độ cho cán bộ dôi dư khi thực hiện sắp xếp.

Theo thống kê, trong số 3.137 cán bộ công chức, viên chức tại các địa bàn được sắp xếp sẽ chỉ còn 2.115 người được giữ lại, dôi dư là 1.022 người, tức là khoảng 1/3 sẽ không còn làm việc.

Tinh thần chung là việc sắp xếp cán bộ dôi dư này sẽ theo lộ trình từng nhóm trong năm 2024, năm 2025 và kết thúc vào năm 2029.

Nguyên tắc sắp xếp là ưu tiên sử dụng tại địa phương, nếu đủ điều kiện mà địa phương không còn chỗ thì báo cáo lên cấp trên. Ông Hoan đề nghị phải áp dụng nhiều chính sách của Trung ương và TP.HCM để hỗ trợ số cán bộ này và TP sẽ trình HĐND về nội dung trên.

Ông Võ Văn Hoan cũng yêu cầu không thực hiện việc thay đổi giấy tờ đồng loạt tại các đơn vị hành chính mới để tránh xáo trộn. Các giấy tờ hiện nay được thừa nhận và việc thay đổi giấy tờ sau khi sắp xếp trên cơ sở yêu cầu của người dân, khi có phát sinh pháp lý cần điều chỉnh mới.

Cơ quan công an cần chủ động cập nhật trên hệ thống, điều chỉnh thông tin khi người dân có yêu cầu. Đặc biệt là không được thu phí, lệ phí khi thực hiện chuyển đổi cho người dân.

"Đây là việc khó nhưng mà có quyết tâm rồi, có kết quả rồi. Thứ hai là ta cũng có kinh nghiệm trong việc sắp xếp khu phố, ấp; kinh nghiệm sắp xếp lại theo chính quyền đô thị không còn là HĐND; rồi có kinh nghiệm như quận 3 là sáp nhập phường Võ Thị Sáu, và ở Thủ Đức thì có kinh nghiệm về vấn đề là sắp xếp lại các đơn vị hành chính của TP.Thủ Đức. Nói chung là chúng ta đã có kinh nghiệm rồi thì tôi tin rằng là có thể thực hiện được", ông Võ Văn Hoan cho biết thêm.

Trước đó, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, mục tiêu của quá trình sáp nhập là phải “ổn hơn, tốt hơn”. Ông Nên yêu cầu chính quyền các cấp lắng nghe ý kiến người dân, giải quyết vướng mắc trong thủ tục hành chính và xây dựng phương án hợp lý cho cán bộ dôi dư.

“Quá trình sáp nhập không chỉ nhằm tinh gọn bộ máy hành chính mà còn phải đảm bảo sự thuận tiện và ổn định cho người dân”, Bí thư Thành ủy TP.HCM khẳng định.

Thủy Long

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/tp-hcm-doi-du-hon-1-nghin-can-bo-sau-sap-nhap-phuong-226454.html
Zalo