TP.HCM: Doanh nghiệp ngành gỗ chủ động chuyển hướng và nâng sức cạnh tranh

Ứng phó với việc Hoa Kỳ áp thuế đối ứng, nhiều doanh nghiệp ngành gỗ đã cải tiến sản xuất, mở rộng thị trường xuất khẩu và đẩy mạnh kiến nghị chính sách hỗ trợ từ Nhà nước.

Kết quả khảo sát mới đây của Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cho thấy, phần lớn doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, với những khó khăn cả ngắn hạn lẫn dài hạn, buộc họ phải gấp rút tìm kiếm giải pháp ứng phó trong bối cảnh còn nhiều bất ổn.

"Ngay sau khi thuế đối ứng được công bố, nhiều doanh nghiệp ghi nhận tình trạng giảm đơn hàng, thậm chí ngừng đặt hàng từ khách hàng Mỹ. Một số đối tác yêu cầu hoãn giao hàng, dừng xuất khẩu...", kết quả khảo sát của HAWA nêu.

Một số doanh nghiệp đã chủ động chuyển hướng thị trường, tập trung vào tiêu thụ nội địa hoặc mở rộng xuất khẩu sang các khu vực khác như châu Âu, Nhật Bản, Úc, Trung Đông, Canada.

Một số doanh nghiệp đã chủ động chuyển hướng thị trường, tập trung vào tiêu thụ nội địa hoặc mở rộng xuất khẩu sang các khu vực khác như châu Âu, Nhật Bản, Úc, Trung Đông, Canada.

Không chỉ sụt giảm doanh thu, doanh nghiệp còn bị ép giảm giá bán, trong khi chi phí nguyên liệu và nhân công không thể cắt giảm thêm. Sản phẩm bị đội giá nhưng lại phải bán thấp, khiến biên lợi nhuận co hẹp.

Cùng với đó, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, hàng hóa bị trả lại hoặc bị bỏ lại tại cảng, làm phát sinh chi phí lưu kho và vận chuyển. Nhiều công ty rơi vào tình trạng tồn kho lớn, ảnh hưởng tới dòng tiền và khả năng duy trì hoạt động sản xuất.

Về dài hạn, doanh nghiệp ngành gỗ xác định, sản phẩm của Việt Nam sẽ mất lợi thế cạnh tranh so với các nước như Thái Lan, Malaysia hay Mexico. Khách hàng Mỹ bắt đầu chuyển hướng sang những thị trường thay thế, khiến doanh thu sụt giảm và đẩy doanh nghiệp vào thế bị động. Nhiều công ty phải tính đến phương án chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tìm kiếm thị trường mới, nhưng điều này đòi hỏi chi phí lớn và thời gian dài để xây dựng lại chuỗi cung ứng, mạng lưới khách hàng.

Trước những biến động đó, một số doanh nghiệp đã chủ động chuyển hướng thị trường, tập trung vào tiêu thụ nội địa hoặc mở rộng xuất khẩu sang các khu vực khác như châu Âu, Nhật Bản, Úc, Trung Đông, Canada. Bên cạnh đó, các giải pháp như cắt giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động, tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế và nâng cao chất lượng sản phẩm cũng được áp dụng.

Nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh cải tiến thiết kế, đa dạng hóa sản phẩm và khách hàng để giảm phụ thuộc vào thị trường Hoa Kỳ. Tuy nhiên, vẫn có không ít doanh nghiệp thừa nhận chưa có kế hoạch cụ thể , đồng thời còn chờ phản hồi từ khách hàng hoặc chính sách hỗ trợ từ chính phủ.

Từ thực tế khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước cần nhanh chóng vào cuộc, hỗ trợ về nhiều mặt để giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng. Trước hết là thúc đẩy đàm phán với phía Hoa Kỳ nhằm điều chỉnh hoặc giảm mức thuế đối ứng, xây dựng lộ trình chuyển đổi hợp lý để doanh nghiệp có thời gian thích ứng.

Doanh nghiệp cũng mong muốn được tiếp cận thông tin chính xác, nhanh chóng về chính sách thuế, mã HS bị ảnh hưởng, các biện pháp ứng phó, cũng như được hỗ trợ tư vấn pháp lý để xử lý rủi ro trong các hợp đồng đã ký.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế để tìm kiếm thị trường mới. Việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia – từ chất lượng, thương hiệu đến hạ tầng logistics – là điều kiện tiên quyết để ngành gỗ có thể đứng vững trong thời gian tới.

Ngoài ra, một vấn đề quan trọng khác được doanh nghiệp nhấn mạnh là kiểm soát xuất xứ hàng hóa. Việc một số doanh nghiệp gian lận, “sản xuất trá hình” để gắn mác Việt Nam đã góp phần làm tăng thặng dư thương mại và dẫn tới phản ứng từ phía Hoa Kỳ. Vì vậy, cần có chính sách bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Cuối cùng, doanh nghiệp đề xuất các gói hỗ trợ tài chính như miễn/giảm thuế thu nhập, hoàn thuế VAT nhanh chóng, cho vay ưu đãi và đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhằm giảm chi phí sản xuất và tăng sức cạnh tranh trong xuất khẩu.

“Việc đàm phán với Mỹ để giảm thuế đối ứng và mở rộng thị trường quốc tế được coi là những bước quan trọng để giúp doanh nghiệp duy trì sự cạnh tranh và giảm thiểu thiệt hại từ thuế đối ứng. Doanh nghiệp cũng kêu gọi sự hỗ trợ nhanh chóng trong việc cung cấp thông tin và tư vấn pháp lý để đối phó với tình hình hiện tại”, đại diện Hawa chia sẻ.

Việt Dũng

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tphcm-doanh-nghiep-nganh-go-chu-dong-chuyen-huong-va-nang-suc-canh-tranh-d263880.html
Zalo