TP.HCM đề xuất giữ Sở An toàn thực phẩm, giảm 24 Đảng bộ và 6 sở
Theo đề án sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, TP.HCM dự kiến giảm 24 Đảng bộ và 6 cơ quan chuyên môn. Đồng thời đề xuất cho phép Sở An toàn thực phẩm Thành phố tiếp tục hoạt động.
Sáng 28/12, Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 35 để cho ý kiến về dự thảo Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thành phố; dự thảo Báo cáo chính trị, các Báo cáo chuyên đề trình Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025 – 2030.
Đối với dự thảo Đề án sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị Thành phố, dự kiến sau khi sắp xếp, số lượng các cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc Thành ủy TP.HCM giảm từ 6 cơ quan còn 5 cơ quan.
Số lượng các đảng bộ trực thuộc Thành ủy Thành phố từ 51 Đảng bộ giảm còn 27 đảng bộ, tương ứng giảm gần 50%. Kết thúc hoạt động của 11 đảng đoàn và 3 ban cán sự đảng.
Đối với các cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND Thành phố, dự kiến giảm từ 21 sở giảm còn 15 sở, tương ứng giảm gần 30%.
Đồng thời, đề xuất cho phép TP.HCM tiếp tục thực hiện Đề án thí điểm thành lập Sở An toàn thực phẩm theo Nghị quyết số 98 của Quốc hội, không nằm trong diện sắp xếp lần này.
Ngoài ra, 8 cơ quan hành chính dự kiến sẽ giảm còn 2 cơ quan hành chính; 35 đơn vị sự nghiệp giảm còn 32 đơn vị.
Việc sắp xếp các cơ quan báo chí Thành phố theo mô hình phù hợp, bám sát Quyết định số 362/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 và quan điểm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương với hệ thống báo chí.
Đối với cấp huyện và tương đương, sau khi sắp xếp giảm 1 cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc cấp ủy cấp huyện, UBND TP. Thủ Đức từ 16 phòng chuyên môn, giảm còn 14 phòng chuyên môn. Cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND quận, huyện từ 12 phòng chuyên môn, giảm còn 10 phòng chuyên môn.
Đồng thời, từng cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị Thành phố chủ động rà soát, xây dựng phương án sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy cơ quan, đơn vị; phấn đấu giảm 15% đầu mối và có lộ trình giảm biên chế theo quy định.
Qua thảo luận việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thành phố, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá Hội nghị đã bày tỏ nhất trí cao với quan điểm, mục tiêu và giải pháp, bám sát chỉ đạo và định hướng, gợi ý của Trung ương, có nghiên cứu đề xuất các vấn đề có tính đặc thù của Thành phố.
Bí thư Nguyễn Văn Nên cho rằng cần xem đây là thời cơ rất thuận lợi để triển khai thực hiện việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Thành phố.
Việc thực hiện với yêu cầu quyết liệt nhất có thể, với tinh thần “cách mạng”, như Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo là: “vừa chạy vừa xếp hàng”, “Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở”.
Đồng thời tuân theo nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính. Kết thúc các tổ chức trung gian có chức năng, nhiệm vụ trùng lắp, chồng chéo. Kiên quyết tinh gọn cơ cấu tổ chức bên trong.
Sau sắp xếp, Bí thư Nên yêu cầu phải bảo đảm yêu cầu bộ máy mới phải tốt hơn, đi vào hoạt động ngay, không để trống địa bàn, lĩnh vực, hoạt động thông suốt để phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất chế độ, chính sách thỏa đáng, công bằng, thấu tình, đạt lý của Thành phố đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong diện sắp xếp.
Ông cũng yêu cầu cần chỉ đạo rà soát việc thực hiện quản lý biên chế chặt chẽ trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo định hướng chung: giảm đầu mối, giảm biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với đề án vị trí việc làm và đề án chuyển đổi số.
Sau Hội nghị, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo hoàn chỉnh Đề án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để Thành phố sớm triển khai thực hiện.
Văn kiện Đại hội cần ngắn gọn, súc tích, dễ nhớ, dễ thực hiện
Đối với nội dung chuẩn bị xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị, Tiểu ban Văn kiện Đại hội, Ban Thường vụ Thành ủy đã phân công Thường trực Thành ủy phụ trách chỉ đạo chung đối với 19 báo cáo chuyên đề.
Hội nghị đã thảo luận thống nhất cần tiếp tục cập nhật, dự báo thật chuẩn xác bối cảnh quốc tế, trong nước, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức của Thành phố trong giai đoạn tới, nhất là các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Tổng Bí thư Tô Lâm để xác định đường lối, chủ trương, các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp đột phá sát, đúng.
Tập trung làm rõ nội hàm xây dựng chính quyền đô thị gắn với nâng cao khả năng tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo và trách nhiệm quản trị của Thành phố trong giai đoạn mới, giai đoạn đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Việc xây dựng văn kiện Đại hội, trong đó Báo cáo chính trị là trung tâm, phải bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất về nội dung; nhất quán về quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp; với tinh thần văn kiện phải bám sát hơi thở cuộc sống, gói được “ý Đảng lòng dân”, ngắn gọn, súc tích, dễ nhớ, dễ thực hiện, nhất là đối với các nhiệm vụ, giải pháp.
Sau hội nghị, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ chỉ đạo sớm tiếp thu hoàn thiện dự thảo văn kiện, chủ động tổ chức lấy ý kiến đại hội đảng bộ các cấp, các cơ quan Trung ương, cán bộ cao cấp nghỉ hưu tại địa phương, các nhân sỹ, trí thức, nhà khoa học và các tầng lớp nhân dân góp ý dự thảo Báo cáo chính trị.