TP.HCM đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, không để gián đoạn trong khi 'chờ sáp nhập'
TP.HCM yêu cầu đảm bảo đầu tư công không gián đoạn trong quá trình sắp xếp chính quyền địa phương, thực hiện liên tục các thủ tục dự án và xử lý nghiêm nếu cố tình làm chậm trễ, nhằm sử dụng hiệu quả 85.500 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2025...

Ảnh minh họa - Nguồn: VGP.
TP.HCM đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025. Trong đó, Ủy ban nhân dân TP.HCM vừa ban hành Kế hoạch thực hiện chuyển tiếp quản lý các chương trình, nhiệm vụ, dự án, kế hoạch đầu tư công trong quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp của Thành phố (Kế hoạch).
ĐẦU TƯ CÔNG KHÔNG “CHỜ SÁP NHẬP”
Theo đó, mục tiêu lớn nhất của Kế hoạch là bảo đảm tính liên tục, nhất quán trong quản lý và triển khai các nhiệm vụ, không để xảy ra đình trệ, gián đoạn do ảnh hưởng của việc sáp nhập, chia tách các đơn vị hành chính. Đồng thời, tất cả các thủ tục liên quan đến đầu tư công từ thẩm định, phê duyệt, giải phóng mặt bằng, đấu thầu, nghiệm thu đến thanh toán đều phải được thực hiện liên tục, không đình trệ cho đến khi cấp có thẩm quyền quyết định về tổ chức bộ máy.
Kế hoạch nhấn mạnh tuyệt đối không để công tác đầu tư công gián đoạn vì lý do "chờ sáp nhập" hay "bỏ cấp hành chính". Những cán bộ, đơn vị gây chậm trễ, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công sẽ bị xử lý nghiêm.
Bên cạnh đó, TP.HCM yêu cầu việc bàn giao, tiếp nhận giữa các đơn vị phải được thực hiện đầy đủ, đúng phạm vi quản lý, có hồ sơ tài liệu kèm theo, kể cả các khoản tạm ứng, nợ phải thu, phải trả. Các cơ quan liên quan phải phân công rõ người, rõ trách nhiệm, tránh chồng chéo hoặc bỏ sót nhiệm vụ.
Đối với các dự án đầu tư dở dang nhưng cần điều chỉnh mục tiêu, công năng sử dụng để phù hợp với tổ chức bộ máy mới, các đơn vị phải chủ động báo cáo cấp có thẩm quyền để điều chỉnh ngay. Cấp quyết định đầu tư chịu trách nhiệm hoàn thành dự án, không để dự án dở dang, gây lãng phí.
TP.HCM sẽ triển khai kế hoạch này theo ba giai đoạn, cụ thể: Trước khi sáp nhập (hoàn tất rà soát trước 15/6); trong khi triển khai sáp nhập, chia tách (từ 30/6 đến 30/7) và sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy (từ 30/7 đến 15/8). Công tác chuyển tiếp quản lý đầu tư công sẽ do tổ công tác hoặc ban chỉ đạo liên ngành theo dõi, điều phối.
Ủy ban nhân dân Thành phố giao Sở Tài chính phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn của Bộ Tài chính để tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố Kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện đối với giai đoạn 2 trong khi triển khai sáp nhập, chia tách (sau khi có quyết định, nghị quyết sáp nhập, chia tách) và giai đoạn 3 sau khi hoàn tất sắp xếp, tổ chức bộ máy.
CÓ CHẾ TÀI XỬ LÝ NGHIÊM NẾU CỐ TÌNH LÀM CHẬM TIẾN ĐỘ GIẢI NGÂN VỐN
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân TP.HCM đặt mục tiêu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025. Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành, quận, huyện, thành phố Thủ Đức và các ban quản lý dự án trực thuộc đề cao trách nhiệm, quyết liệt triển khai các giải pháp trọng tâm, coi đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu.
Ủy ban nhân dân TP.HCM yêu cầu các đơn vị phải nghiêm túc thực hiện phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công. Xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án, chi tiết nhiệm vụ, khối lượng thực hiện giải ngân từng tháng, quý và tuân thủ nghiêm Kế hoạch số 1451/KH-UBND của Thành phố. Tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về đất đai, tài nguyên... Việc đẩy mạnh tiến độ giải ngân phải gắn với bảo đảm chất lượng công trình, dự án, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí, vi phạm quy định pháp luật.
Đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; có chế tài xử lý nghiêm theo quy định các Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, nhà thầu, tổ chức, cá nhân cố tình làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong đầu tư công.
Ủy ban nhân dân Thành phố giao Sở Tài chính phối hợp các đơn vị khẩn trương xử lý phần vốn ngân sách Trung ương chưa phân bổ (nếu có), cập nhật hệ thống quốc gia đúng quy định; đẩy nhanh thu ngân sách địa phương, nhất là từ đất đai để đảm bảo nguồn vốn.
Đối với các dự án ODA cần bám sát tiến độ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân các dự án đã hoàn tất thủ tục, đồng thời phối hợp với Bộ Tài chính làm việc với nhà tài trợ nếu phát sinh vướng mắc.
Với các chương trình mục tiêu quốc gia, Ủy ban nhân dân các địa phương và chủ dự án phải rà soát, xử lý ngay các khó khăn, đặc biệt ở cấp xã. Chủ đầu tư cần đẩy nhanh ký hợp đồng, tạm ứng vốn và thanh toán ngay khi có khối lượng.
Đối với việc chưa phân bổ chi tiết hết kế hoạch vốn năm 2025 trước ngày 15/3/2025, các cơ quan, đơn vị chưa hoàn tất việc trình, thẩm định, quyết định đầu tư các dự án chuẩn bị đầu tư làm ảnh hưởng đến công tác phân bổ vốn đầu tư công năm 2025 của Thành phố cần nghiêm túc tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân để xảy ra chậm trễ theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố.
Ủy ban nhân dân Thành phố giao Sở Tài chính chủ trì tham mưu ban hành Chỉ thị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố về thúc đẩy giải ngân đầu tư công năm 2025.
Trước đó, tại phiên họp về tình hình, kết quả kinh tế - xã hội Thành phố tháng 4; nhiệm vụ, giải pháp tháng 5 năm 2025 vừa qua, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Võ Văn Hoan yêu cầu các đơn vị tập trung các biện pháp thúc đẩy đầu tư công và tháo gỡ vướng mắc, phải làm mạnh mẽ hơn nữa.
Báo cáo tại phiên họp, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết Thành phố đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 là hơn 85.517 tỷ đồng. Đến hết ngày 29/4/2025, theo số liệu Kho bạc Nhà nước khu vực II cung cấp sơ bộ, Thành phố đã giải ngân 6.068 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 7,2% trên tổng mức vốn đầu tư công năm 2025.
Ủy ban nhân dân TP.HCM vừa có văn bản chỉ đạo đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão 2025. Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu các quận, huyện, thành phố Thủ Đức đẩy nhanh tiến độ các dự án chống ngập, đặc biệt tại 12 tuyến đường trục chính giai đoạn 2025–2030, kịp thời báo cáo vướng mắc về Sở Xây dựng để xử lý.
Trong đó, Sở Xây dựng được giao đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh thi công các dự án cải tạo rạch Bà Tiếng, kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên và các dự án giao thông, đảm bảo dẫn dòng hạn chế ngập khi thi công. Đồng thời, phối hợp địa phương xử lý kịp thời các điểm ngập do mưa lớn, triều cường.
Ngoài ra, Sở Xây dựng cũng chủ trì kiểm tra hệ thống cây xanh đô thị, xử lý cây có nguy cơ ngã đổ, bố trí lực lượng ứng phó mưa bão, đảm bảo giao thông an toàn. Thanh tra xây dựng sẽ xử lý nghiêm các vi phạm gây hư hỏng hạ tầng, xâm hại cây xanh, cống thoát nước. Các cây già cỗi, sâu bệnh, nghiêng nguy hiểm sẽ được thay thế, cắt tỉa, chỉnh sửa kịp thời.