TP.HCM đánh giá cán bộ lãnh đạo toàn diện, đặt đạo đức cách mạng lên hàng đầu

Cán bộ lãnh đạo, giữ vị trí chủ chốt của TP.HCM phải trở thành những tấm gương sáng về đạo đức cách mạng.

Ngày 31-10, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM tổ chức tọa đàm “Giải pháp triển khai thực hiện Quy định 144 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới tại Đảng bộ TP.HCM”.

 Tọa đàm do Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM tổ chức sáng 31-10. Ảnh: THANH THÙY

Tọa đàm do Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM tổ chức sáng 31-10. Ảnh: THANH THÙY

Ban tổ chức đã nhận được 54 bài tham luận từ Ban Tuyên giáo Thành ủy Thủ Đức, các quận ủy, huyện ủy, đảng ủy cấp trên cơ sở; MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội TP; một số nhà khoa học, giảng viên, nhà nghiên cứu lý luận chính trị.

Tính nêu gương của cán bộ lãnh đạo là then chốt

Các ý kiến tại tọa đàm đều cho rằng, chuẩn mực đạo đức cách mạng là những nguyên tắc, quy tắc mang tính mực thước, khuôn mẫu để đánh giá, điều chỉnh hành vi của cán bộ, đảng viên.

Đồng thời khẳng định Quy định 144 đã nêu rõ, cụ thể các tiêu chí, chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên cần thực hiện, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thật sự thấm nhuần sâu sắc, làm cho đạo đức cách mạng trở thành nét đặc trưng, nổi bật ở người cán bộ, đảng viên... Từ đó củng cố nền tảng đạo đức, văn hóa, xã hội, làm cho văn hóa thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển và bảo vệ đất nước.

Phát biểu kết luận tọa đàm, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Lê Hồng Sơn ghi nhận các ý kiến của đại biểu tham dự. Ông đặc biệt nhấn mạnh, các đề xuất xoay quanh các chuẩn mực riêng của cán bộ, đảng viên TP.HCM là: nghĩa tình, bao dung, năng động, tiên phong, dám chịu trách nhiệm, thực tế. Trong đó, nghĩa tình là một phẩm chất cốt lõi trong hệ thống đạo đức của cán bộ, đảng viên TP.

Theo ông Sơn, tọa đàm đã rút ra được nhiều giải pháp, cách thức để triển khai thực hiện Quy định 144 phù hợp với tình hình thực tiễn tại Đảng bộ TP.HCM trong thời gian tới.

Cụ thể, các cấp ủy sớm bổ sung nội dung Quy định vào các nghị quyết, quy chế, quy định có liên quan của cấp ủy, cơ quan, đơn vị để thực hiện; xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng đạo đức cách mạng toàn diện, bao gồm các khóa đào tạo ngắn hạn và dài hạn, mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giác học tập, phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện...

Mỗi cấp ủy, tổ chức đảng cần rà soát, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện và ban hành bộ tiêu chí chuẩn mực đạo đức của ngành nghề, địa phương, cơ quan, đơn vị.

Cạnh đó, chú trọng phát huy tính gương mẫu của đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt là một yếu tố then chốt trong việc thực hiện Quy định 144 hiệu quả.

Cán bộ lãnh đạo, giữ vị trí chủ chốt, phải trở thành những tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, làm hình mẫu để các cán bộ, đảng viên và quần chúng noi theo.

Theo đó, cần có cơ chế đánh giá công tác của cán bộ lãnh đạo một cách toàn diện, trong đó tiêu chí về đạo đức cách mạng phải được đặt lên hàng đầu.

Đổi mới phương thức lãnh đạo gắn với trách nhiệm giải trình

Song song đó, các ý kiến cũng cho rằng cần đổi mới phương thức lãnh đạo và tạo môi trường làm việc lành mạnh cho các tổ chức Đảng và chính quyền; cần tạo môi trường làm việc lành mạnh, trong sạch không chỉ khuyến khích cán bộ, đảng viên thực hiện tốt các chuẩn mực đạo đức mà còn giúp họ phát huy tối đa phẩm chất đạo đức trong công việc với tinh thần trách nhiệm cao, giảm thiểu các hành vi tiêu cực và tham nhũng, tránh xa các cám dỗ tiêu cực.

Để đạt được điều này, cần tập trung vào sự minh bạch, công khai và trách nhiệm giải trình trong công tác lãnh đạo và quản lý.

 Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Lê Hồng Sơn ghi nhận các ý kiến của đại biểu tham dự. Ảnh: THANH THÙY

Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Lê Hồng Sơn ghi nhận các ý kiến của đại biểu tham dự. Ảnh: THANH THÙY

Việc đổimới phương thức lãnh đạo không thể tách rời khỏi việc tăng cường kiểm tra, giám sát định kỳ và đột xuất, đặc biệt là trong các lĩnh vực nhạy cảm, những lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm, tham nhũng.

Thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vi phạm các chuẩn mực đạo đức cách mạng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Ngoài ra, cần có các chính sách điều chỉnh lương, phụ cấp và chế độ đãi ngộ hợp lý, đặc biệt đối với các cán bộ, đảng viên giữ trọng trách lớn hoặc làm việc trong các lĩnh vực có khối lượng công việc và trách nhiệm cao để giúp cán bộ, đảng viên ổn định cuộc sống, tư tưởng và tạo động lực để họ cống hiến hết mình, thực hiện nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm và đạo đức cao.

Các cấp ủy cũng cần phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội để giám sát việc thực hiện các chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên. Đề cao vai trò và trách nhiệm của cấp ủy nơi cư trú đối với đảng viên đang sinh sống trên địa bàn là rất cần thiết. Qua đó, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp đảng viên sống xa hoa, hoang phí, cách biệt với nhân dân hoặc có hành vi tham nhũng, lệch chuẩn…

Các đại biểu tham dự tọa đàm cũng đã có góp ý về bộ tiêu chí, chuẩn mực của cơ quan, đơn vị, ngành nghề dự kiến phát hành để triển khai thực hiện Quy định 144.

Như với cấp quận, huyện:cầnxây dựng chuẩn mực, hình ảnh cán bộ, đảng viên gắn với những tiêu chuẩn mang nét đặc trưng, tính cách năng động, sáng tạo, nhân ái, nghĩa tình của công dân TP, gắn với xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, xây dựng và thực hiện văn hóa trong giao tiếp nơi công sở, văn hóa nơi công cộng...

Với các Đảng bộ phường, xã, thị trấn: xây dựng ý thức sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật của đảng viên, cán bộ, công chức. Quan tâm chăm lo đến đời sống của nhân dân, xây dựng tinh thần đoàn kết, tình làng nghĩa xóm. Xây dựng tác phong nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin; giản dị trong sinh hoạt; kịp thời lắng nghe, tiếp nhận và giải quyết thấu đáo nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của Nhân dân…

Với các chi bộ khu phố, ấp: quan tâm, theo dõi, đề xuất giải quyết tốt những bức xúc của người dân, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người dân, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn…

Với các chi bộ trường học: xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, học sinh tích cực, kiên quyết chống các biểu hiện tiêu cực trong giáo dục, bạo lực học đường. Xây dựng tác phong sư phạm, phong cách làm việc khoa học, tinh thần cầu tiến, không ngừng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, tích cực đổi mới trong giáo dục.

Với các chi bộ công an, quân sự: cần xây dựng tác phong gần dân, trọng dân, hòa nhã khi tiếp xúc với Nhân dân; nêu cao tinh thần đồng chí đồng đội, đoàn kết, chống chủ nghĩa cá nhân; kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, các loại tội phạm và tệ nạn xã hội...

Với các chi bộ khu vực ngoài nhà nước: xây dựng chuẩn mực đạo đức gắn với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, đạo đức nghề nghiệp và văn hóa doanh nghiệp; yêu nước, sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật; tích cực xây dựng thương hiệu, uy tín doanh nghiệp...

THANH TUYỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-danh-gia-can-bo-lanh-dao-toan-dien-dat-dao-duc-cach-mang-len-hang-dau-post817663.html
Zalo