TP.HCM đang chịu áp lực về tốc độ già hóa dân số nhanh nhất cả nước

Số người cao tuổi tại TP.HCM đứng thứ hai cả nước và TP đang phải chịu nhiều áp lực khi dẫn đầu về tốc độ già hóa dân số nhanh nhất. Đây cũng là nội dung được nêu lên tại Hội thảo khoa học già hóa dân số và chính sách thích ứng với già hóa dân số trên địa bàn, do Sở Y tế TP.HCM phối hợp Viện Nghiên cứu phát triển TP tổ chức hôm nay (11/12).

Tốc độ già hóa rất nhanh

TS Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết, theo số liệu từ Bộ Công an, đến cuối năm 2023, Thành phố có hơn 1 triệu 310 ngàn người từ 60 tuổi trở lên, chiếm 12,05% dân số và dự báo đến năm 2030 chiếm 20% tổng dân số thành phố.

TP.HCM là địa phương có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất cả nước, với quy mô người cao tuổi đang tăng nhanh cả về số lượng và tỷ trọng.

"Các số liệu cho thấy, từ năm 2017 Thành phố đã bước vào giai đoạn già hóa và dự báo đến năm 2030, tỷ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên sẽ đạt khoảng 1,8 triệu người và vào năm 2050, con số này có thể vượt 3 triệu người (chiếm trên 30% tổng dân số). Do đó, cần nhìn nhận vai trò của người cao tuổi trong cơ cấu dân số và tốc độ già hóa dân số của TP.HCM", TS Phạm Bình An nhận định.

Chuyên gia, đại biểu phân tích các chính sách về dân số hiện nay (Ảnh CTV Ngọc Anh)

Chuyên gia, đại biểu phân tích các chính sách về dân số hiện nay (Ảnh CTV Ngọc Anh)

Theo Thạc sĩ Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, TP.HCM chính thức bước vào thời kỳ “già hóa dân số” từ năm 2017, muộn hơn khoảng 6 năm so với cả nước. Khi đó, tỷ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên đạt 10,28%, tương ứng với 889.178 người cao tuổi. Tuy nhiên, tốc độ già hóa dân số tại thành phố diễn ra rất nhanh chóng.

Từ năm 2010 đến nay, chỉ số già hóa của thành phố đã tăng liên tục với tốc độ nhanh, từ 39,39 năm 2010 lên 65,36 năm 2023. Điều này có nghĩa là mỗi 100 người trẻ dưới 15 tuổi hiện nay có 65,36 người cao tuổi. Trung bình mỗi năm, TP.HCM tăng khoảng 30.000 người cao tuổi.

Sự gia tăng nhanh chóng này cho thấy tốc độ già hóa tại Thành phố đang vượt qua các dự báo trước đây, đặt ra yêu cầu cấp thiết về các chính sách và hạ tầng y tế, xã hội nhằm đảm bảo chất lượng cuộc sống cho nhóm dân số cao tuổi ngày càng đông.

Thách thức lớn

Ông Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM cho biết: cơ quan này đóng vai trò quan trọng trong việc tham mưu cho Sở Y tế TP.HCM các giải pháp quản lý nhà nước để chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Một trong những giải pháp quan trọng là dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng, được xây dựng dựa trên khảo sát năm 2019 cho thấy khoảng 74% người cao tuổi mong muốn sống gần con cháu khi về già.

Ông Phạm Chánh Trung cho biết, hầu hết người cao tuổi muốn ở gần con cháu khi về già (Ảnh CTV Ngọc Anh)

Ông Phạm Chánh Trung cho biết, hầu hết người cao tuổi muốn ở gần con cháu khi về già (Ảnh CTV Ngọc Anh)

“Hiện nay ngành y tế đã triển khai nhiều hoạt động. Trong đó có thực hiện việc khám sức khỏe cho toàn bộ người cao tuổi trên địa bàn thành phố. Câu lạc bộ người cao tuổi giúp người cao tuổi ở tại phường xã và mô hình tổ tình nguyện nguyện giúp đỡ người cao tuổi già yếu neo đơn; góp phần hình thành bộ phận nhân lực tại cơ sở để triển khai tốt các hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi”, ông Phạm Chánh Trung cho hay.

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Văn Tân, Trưởng bộ môn Lão khoa, Đại học Y dược TPHCM, hiện nay người cao tuổi ở TP.HCM đối diện với rất nhiều vấn đề. Chính sách hỗ trợ người cao tuổi cần phải điều chỉnh, đặc biệt là trong bối cảnh tỷ lệ người cao tuổi ngày càng gia tăng không chỉ ở TP.HCM mà trên toàn quốc.

"Tình trạng “chưa giàu đã già” và “già nhưng không khỏe” đang trở thành một thách thức lớn. Người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh cùng lúc, việc chăm sóc họ đòi hỏi rất nhiều nguồn lực từ gia đình, xã hội và ngành y tế", TS Nguyễn Văn Tân nói.

TS Nguyễn Văn Tân cho rằng, chăm sóc người cao tuổi đòi hỏi nhiều nguồn lực từ gia đình, xã hội và ngành y tế (Ảnh CTV Ngọc Anh)

TS Nguyễn Văn Tân cho rằng, chăm sóc người cao tuổi đòi hỏi nhiều nguồn lực từ gia đình, xã hội và ngành y tế (Ảnh CTV Ngọc Anh)

TS Tân phân tích, những mô hình bệnh tật tập trung tại TP.HCM và trong các bệnh viện hiện nay cho thấy người cao tuổi thường có từ hai, ba bệnh trở lên. Điều này khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn, vì không chỉ điều trị bệnh mà còn phải chăm sóc toàn diện về thể chất, tinh thần và xã hội của người cao tuổi. Việc cải thiện chất lượng sống cho người cao tuổi cần phải có một chính sách đồng bộ, bao gồm cả bảo hiểm y tế, phúc lợi xã hội và hỗ trợ cộng đồng.

Theo TS Tân, việc nâng cao hiệu quả của các chính sách đối với người cao tuổi là một vấn đề rất lớn, cần phải nhìn nhận một cách toàn diện những chính sách nào chưa hợp lý thì cần phải có sự điều chỉnh.

"Ở người cao tuổi, ngoài việc điều trị bệnh thì họ còn hòa nhập với cộng đồng, gia đình và xã hội, nên những chính sách liên quan đến an sinh xã hội phúc lợi xã hội cần phải được đặt ra", Trưởng bộ môn Lão khoa, Đại học Y dược TPHCM nhận định.

Kim Dung, CTV Ngọc Anh/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tphcm-dang-chiu-ap-luc-ve-toc-do-gia-hoa-dan-so-nhanh-nhat-ca-nuoc-post1141441.vov
Zalo