TP.HCM có nên điều chỉnh 311 tuyến đường trùng tên?

TP.HCM hiện có 311 tuyến đường dùng chung 132 tên. Ngoài ra từ sau năm 1975 đến trước năm 1995, không có quy định cụ thể về thẩm quyền đặt tên của từng cấp nên các quận, huyện đã tự ý đặt tên đối với tuyến đường mới.

Sở Văn hóa và Thể thao ngày 17.7 có văn bản gửi văn phòng UBND TP.HCM giải trình nội dung được đại biểu quan tâm tại kỳ họp thứ 17 của HĐND TP.HCM về việc đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn thành phố.

Nội dung yêu cầu tham mưu giải trình cho biết công tác đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng là nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan quản lý nhà nước và được xã hội quan tâm vì ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân trên địa bàn. Qua khảo sát, hiện có khoảng 400 đường trùng tên do lịch sử để lại. Đại biểu HĐND TP.HCM kiến nghị khẩn trương rà soát việc đặt, đổi tên đường, công trình công cộng để có phương án điều chỉnh phù hợp và đảm bảo đúng quy định, không để xảy ra tình trạng các khu dân cư tùy tiện đặt tên đường và được cấp số nhà không đúng quy định tại Nghị định 91 ngày 11.7.2005 của Chính phủ về quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng. Đồng thời có giải pháp, lộ trình điều chỉnh các tên đường chưa đúng quy định, tiếp tục quan tâm, xem xét đề xuất của các quận, huyện, thành phố Thủ Đức về bổ sung quỹ tên đường, đặt đổi tên đường; chấn chỉnh việc đặt đổi tên đường không đúng quy định.

Đường trùng tên do “lịch sử để lại”

Trước đó tại hội thảo “Xây dựng WebGIS phục vụ công tác quản lý và công bố thông tin, hỗ trợ quy hoạch, đặt đổi tên đường, công trình công cộng tại TP.HCM” do Trung tâm Nghiên cứu Đô thị và Phát triển phối hợp Trung tâm Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý TP.HCM tổ chức, TS.Trương Hoàng Trương (Khoa Đô thị học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) cho biết hệ thống tên đường tại TP.HCM là một mạng lưới đồ sộ, phủ chằng chịt khắp trên vùng đô thị, cả vùng phụ cận đang đô thị hóa. Kéo theo đó là một hệ thống tên đường rất phức tạp, gồm khoảng 3.600 đường có tên, nhiều đường chưa có tên và nhiều đường sẽ xuất hiện do sự phát triển đô thị.

Tác nhân tạo nên sự phức tạp của hệ thống tên đường tại thành phố không chỉ do quy mô to lớn của đại đô thị này mà còn là những dấu vết để lại của lịch sử hơn 300 năm hình thành, phát triển và sau đó là tốc độ đô thị hóa nhanh. Tình hình này không những ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống người dân, gây phiền toái trong tìm kiếm thông tin, địa chỉ liên lạc mà còn thể hiện tính thiếu nhạy bén của quản lý tên đường, làm cho công tác quản lý nhà nước (số nhà, giấy tờ hành chính...) cũng gặp khó khăn.

TP.HCM có đến 4 đường cùng mang tên Lê Lợi ở quận 1, quận Gò Vấp, thành phố Thủ Đức, huyện Hóc Môn. Ảnh: Nhật Thịnh

TP.HCM có đến 4 đường cùng mang tên Lê Lợi ở quận 1, quận Gò Vấp, thành phố Thủ Đức, huyện Hóc Môn. Ảnh: Nhật Thịnh

Ngoài 38 tên đường không chính xác đã được Sở Văn hóa và Thể thao đề xuất UBND TP.HCM xem xét điều chỉnh, hiện có 311 đường trùng tên với 132 tên đường và nhiều đường mang tên không có ý nghĩa, thiếu tính thẩm mỹ. Đơn cử một số tên đường bị trùng nhiều: đường Chu Văn An (quận 6, quận Tân Phú, thành phố Thủ Đức (2 đường), quận Bình Thạnh); đường Nguyễn Trường Tộ (quận Phú Nhuận, quận Tân Phú, thành phố Thủ Đức (2 đường), quận 4); đường Lê Lợi (quận 1, quận Gò Vấp, thành phố Thủ Đức, huyện Hóc Môn); đường Lê Lai (quận 1, quận Tân Bình, huyện Hóc Môn, quận Gò Vấp); đường Cao Thắng (quận 3, quận 10, quận Phú Nhuận); đường Phan Văn Trị (quận 5 (2 đường), quận Gò Vấp),...

Theo giải trình của Sở Văn hóa và Thể thao, TP.HCM hiện nay được hình thành từ 3 đơn vị hành chính riêng trước đây là Sài Gòn, Chợ Lớn và Gia Định. Vì vậy, tên đường của nơi nào đặt tên của nơi ấy, đến lúc sáp nhập thì xuất hiện tình trạng trùng tên. 311 tuyến đường dùng chung 132 tên chủ yếu do lịch sử để lại (quá trình sáp nhập, mở rộng đơn vị hành chính)

Ngoài ra từ sau năm 1975 đến trước năm 1995, không có quy định cụ thể về thẩm quyền đặt tên của từng cấp nên các quận, huyện đã tự ý đặt tên đối với tuyến đường mới. Kể từ khi Hội đồng đặt tên mới, sửa đổi tên đường trên địa bàn TP.HCM được thành lập, đã có quy định không được đặt tên cùng một nhân vật lịch sử cho các tuyến đường khác nhau trên địa bàn thành phố. Từ đó, việc đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng được tổ chức một cách quy củ và chặt chẽ, không còn tình trạng đặt tên một nhân vật lịch sử cho nhiều tuyến đường khác nhau.

Tên đã quen thuộc, khó thay đổi!

Sở Văn hóa và Thể thao cho biết theo Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng (ban hành kèm theo Nghị định số 91 của Chính phủ) thì không đổi tên đường, phố và công trình công cộng đã có tên gọi quen thuộc, gắn bó với lịch sử - văn hóa của dân tộc, của địa phương và ăn sâu vào tiềm thức, tình cảm của nhân dân qua nhiều thế hệ. Trường hợp đường, phố và công trình công cộng đã đặt tên mà xét thấy không có ý nghĩa lịch sử - văn hóa, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, không phải là nhân vật tiêu biểu của đất nước hoặc địa phương, gây ảnh hưởng, tác động xấu trong xã hội thì phải đổi tên, nhưng cần xem xét thận trọng.

Vì vậy đối với các tuyến đường trùng tên ở các quận, huyện khác nhau (do lịch sử để lại) hạn chế tối đa việc đổi tên vì ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân. Thời gian tới, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ phối hợp với các quận, huyện rà soát lại trường hợp các tên đường trùng nhau trên cùng một địa bàn quận, huyện và thành phố Thủ Đức hoặc một số tuyến đường mới nằm trong các dự án mà chưa được đặt tên để xem xét, đề ra phương án giải quyết hợp lý.

Theo PGS-TS. Nguyễn Ngọc Thơ (Trưởng khoa Văn hóa học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM), tên đường đã hiện diện trên các loại văn bản, giấy tờ pháp quy như căn cước công dân, giấy tờ nhà đất, hộ chiếu... để xác định xuất thân, nơi ở của công dân nên việc thay đổi chắc chắn kéo theo một loạt vấn đề phát sinh ở cả hai khía cạnh hành chính và tình cảm. Với các tên đường sai tên nhân vật hay sự kiện lịch sử, phải được chỉnh sửa hợp lý nhưng cần thông qua hội đồng khoa học thảo luận, đánh giá và kết luận. Với các tên đường trùng lặp ở các quận, huyện khác nhau thì không phải là vấn đề lớn bởi những tên đường này đã hiện hữu trong tâm thức cư dân ở các khu vực ấy nhiều đời nay và đã ổn định trong hồ sơ, giấy tờ hành chính.

“Tôi được biết ở nhiều nước, các quận hay thành phố khác nhau nằm liền kề nhau có tên đường phố trùng lắp là chuyện rất đỗi bình thường bởi địa chỉ thì luôn gắn liền cụ thể số nhà, tên quận / thành phố và mã số bưu điện khu vực bên cạnh tên đường. Thế nên điều cần chú ý là từ nay về sau, khi đặt tên đường phố mới cần rà soát để tránh trùng lặp thêm nữa…”, PGS-TS. Nguyễn Ngọc Thơ chia sẻ.

Đường Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng ở thành phố Thủ Đức trùng với tên đường ở quận 1 TP.HCM. Ảnh: Quang Định

Đường Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng ở thành phố Thủ Đức trùng với tên đường ở quận 1 TP.HCM. Ảnh: Quang Định

TS. Trương Hoàng Trương cho rằng việc điều chỉnh tên đường cho chính xác là cần thiết nhưng phải được tính toán cẩn trọng bởi có thể dẫn đến xáo trộn lớn cuộc sống người dân. “Thành phố và các quận, huyện nên phối hợp tạo điều kiện thuận lợi cho người dân liên quan đến các giấy tờ, thủ tục, hồ sơ hành chính. Chẳng hạn, thành phố cần cập nhật trên hệ thống quản lý để khi đó sẽ xác định được các thay đổi mới nhất, tạo thuận lợi để người dân đối chiếu và thực hiện các hồ sơ, giao dịch hành chính”, TS.Trương góp ý.

Liên quan đến xem xét các đề xuất của quận, huyện, thành phố Thủ Đức về bổ sung ngân hàng tên, Sở Văn hóa và Thể thao ngày 17.7 cho biết đã có công văn gửi các địa phương đề nghị tăng cường công tác đề xuất bổ sung ngân hàng tên đường và công trình công cộng trên địa bàn thành phố. Trên cơ sở đề xuất đó, Sở với vai trò là cơ quan thường trực Hội đồng tư vấn đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng sẽ rà soát, biên tập, báo cáo Hội đồng xem xét, cho ý kiến và trình UBND TP.HCM ban hành quyết định bổ sung ngân hàng tên theo quy định.

“Bên cạnh đề xuất bổ sung ngân hàng tên của UBND quận, huyện và thành phố Thủ Đức, Sở Văn hóa và Thể thao còn ký hợp đồng với các hội chuyên ngành để nghiên cứu tên các danh nhân, nhân vật lịch sử và các địa danh nhằm làm phong phú thêm ngân hàng tên. Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục có văn bản gửi quận, huyện và thành phố Thủ Đức đề nghị thực hiện đúng quy định tại Nghị định số 91 của Chính phủ”, văn bản giải trình cho biết.

Diễm Nguyễn

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/tp-hcm-co-nen-dieu-chinh-311-tuyen-duong-trung-ten-44585.html
Zalo