TP.HCM chuẩn bị xây dựng 4 cây cầu tại huyện Nhà Bè, tổng vốn đầu tư 12.500 tỷ đồng
TP.HCM sắp khởi động loạt dự án hạ tầng giao thông trọng điểm tại huyện Nhà Bè, bao gồm bốn cây cầu lớn: cầu Cần Giờ, Phú Xuân 2B, Rạch Tôm và Rạch Dơi, với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 12.500 tỷ đồng.
Theo thông tin từ Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông), dự án cầu Rạch Tôm, nằm trên trục đường Lê Văn Lương đang được xúc tiến các thủ tục chuẩn bị khởi công. Cầu mới có tổng chiều dài hơn 683 m, trong đó phần cầu chính dài 171 m, rộng 15 m; phần đường dẫn dài 512 m, rộng 29 m. Tổng mức đầu tư gần 497 tỷ đồng.
Cầu Rạch Tôm hiện hữu là cầu sắt được xây dựng từ trước năm 1975, nay đã xuống cấp nghiêm trọng, gây mất an toàn giao thông. Dù dự án xây cầu mới đã được phê duyệt từ năm 2019, đến cuối năm 2024, HĐND TP.HCM mới thông qua chủ trương thu hồi 3,1 ha đất để triển khai.
Dự kiến vào cuối năm 2025, TP.HCM sẽ tiếp tục khởi công cầu Rạch Dơi, cũng thuộc tuyến Lê Văn Lương, đóng vai trò liên kết giao thông giữa huyện Nhà Bè và tỉnh Long An. Cầu có chiều dài khoảng 452 m, rộng 15 m, đường dẫn dài khoảng 300 m, rộng 29 m. Dự án đã được phê duyệt từ năm 2016 với tổng vốn đầu tư 781 tỷ đồng, song chưa thể triển khai do vướng mắc về nguồn vốn.
Trước đó, hai cầu Long Kiểng và Rạch Đỉa cũng trên tuyến đường này đã hoàn tất xây dựng và đi vào khai thác lần lượt trong các năm 2023 và 2024.

Cầu sắt Rạch Tôm (huyện Nhà Bè) hiện đã xuống cấp chờ xây mới. Ảnh: Anh Tú
Một dự án đáng chú ý là cầu Cần Giờ, thay thế phà Bình Khánh, mở ra tuyến kết nối trực tiếp giữa trung tâm TP.HCM và huyện Cần Giờ. Theo Sở Xây dựng TP.HCM, hiện đơn vị này đang hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình phê duyệt, sau khi quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060 đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua.
Cầu Cần Giờ có tổng chiều dài 7,3 km, trong đó phần cầu chính dài gần 3 km, đường dẫn dài 4,3 km. Công trình gồm 6 làn xe (4 làn xe cơ giới, 2 làn thô sơ) với tốc độ thiết kế 60 km/h. Đặc biệt, cầu được thiết kế dạng dây văng với tĩnh không thông thuyền 55 m, tương đương cầu Bình Khánh, thuộc tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành và là cây cầu có độ cao tĩnh không lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Ngoài cầu chính, dự án còn bao gồm ba cây cầu phụ: cầu Sông Chà (dài 640 m, rộng 29,5 m), cầu Tắc Sông Chà (64 m, rộng 40 m), và cầu Rạch Mương Ngang (dài 64 m, rộng 7,75 m) trên tuyến đường song hành phía Nhà Bè.
Điểm đầu tuyến nằm trên đường 15B (huyện Nhà Bè), cách rạch Mương Ngang khoảng 500 m về phía Bắc, sau đó cắt qua đường Nguyễn Bình và vượt sông Soài Rạp. Phía huyện Cần Giờ, cầu kết nối với đường Rừng Sác tại vị trí cách bến phà Bình Khánh 2,1 km về phía Nam. Dự án dự kiến triển khai trong giai đoạn 2025 - 2028 với tổng vốn đầu tư khoảng 10.500 tỷ đồng.

Cầu sắt Rạch Dơi nối huyện Nhà Bè và Long An. Ảnh: Anh Tú
Nhằm đồng bộ hóa với cầu Cần Giờ, TP.HCM cũng lên kế hoạch đầu tư xây dựng đường 15B và cầu Phú Xuân 2B trong giai đoạn 2025 - 2030. Cầu Phú Xuân 2B dự kiến dài khoảng 660 m, rộng 30 m, với tổng vốn đầu tư ước khoảng 754 tỷ đồng. Hiện dự án đang trong quá trình lập hồ sơ đề xuất, dự kiến trình chủ trương đầu tư trong năm 2025.