TP.HCM cấp thiết chuyển đổi công nghiệp
Những năm qua TP.HCM phát triển theo chiều rộng nên năng lực tăng trưởng cạn dần, cần phải tái cơ cấu, chuyển đổi theo chiều sâu, tìm kiếm động lực tăng trưởng mới.
TP.HCM là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ của cả nước, là nơi kết nối và ảnh hưởng sâu rộng đến vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long.
TP.HCM có vị trí chiến lược, nằm trong vùng động lực phía Nam gồm tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, đồng thời nằm trong hành lang kinh tế Mộc Bài - TP.HCM - Vũng Tàu với chuỗi công nghiệp đô thị Mộc Bài - TP.HCM - cảng Cái Mép - Thị Vải gắn với hành lang kinh tế xuyên Á.
So với cả nước, TP.HCM có diện tích chỉ bằng 0,63%, chiếm 9,4% dân số nhưng đóng góp 15,9% GDP, 26,4% tổng thu ngân sách, 39,9% khách du lịch quốc tế, 18,6% số trường đại học đặt tại đây với 31,5% số sinh viên đại học.
Tuy nhiên, thời gian qua, vị thế và vai trò trung tâm của TP.HCM so với cả nước chưa tương xứng và có xu hướng giảm sút. Cụ thể, tỉ trọng kinh tế Thành phố so với cả nước giảm, số lượng doanh nghiệp (DN) đông, gần 300.000 DN nhưng chưa mạnh vì có đến 97% là DN nhỏ và vừa, sức cạnh tranh còn yếu. Tỉ trọng xuất khẩu giảm nhanh, năm 2023 chỉ còn 12% cả nước. Tỉ trọng đóng góp của ngành công nghiệp trong nền kinh tế giảm dần, năm 2022 chỉ còn chiếm 19% GRDP, so với trung bình cả nước là 32%.
Điều đáng lo ngại là trong những năm qua, kinh tế Thành phố phát triển theo chiều rộng nên động lực tăng trưởng cạn dần. Hạ tầng công nghiệp hạn chế và không đáp ứng phát triển theo chiều rộng. Diện tích đất khu công nghiệp trên địa bàn TP.HCM đạt 5.921ha, chỉ chiếm 2,81% so cả nước, với giá đất ngày càng đắt đỏ.
Ông Phạm Bình An - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng, TP.HCM cần tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi công nghiệp theo xu hướng xanh - số và nâng cấp chuỗi giá trị, phát triển các ngành công nghiệp cốt lõi, từ đó tìm kiếm động lực tăng trưởng mới.
Trên thế giới, xu hướng phát triển bền vững với trọng tâm là giảm phát thải để ứng phó biến đổi khí hậu đang phổ biến. Các thị trường xuất khẩu đưa ra các yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe về môi trường đối với sản phẩm hàng hóa. Các FTA thế hệ mới gắn thương mại với phát triển bền vững và trách nhiệm của DN. Các chuẩn mực chung về phát triển bền vững như ESG, IFRS, GRI, CSR… dần phổ biến và chuyển từ tự nguyện sang bắt buộc. Vì thế, nếu không chuyển đổi và tuân thủ, các DN kể cả xuất khẩu hay không xuất khẩu đều có nguy cơ mất thị trường.
Trong bối cảnh trên, chuyển đổi công nghiệp là nhu cầu cấp thiết của TP.HCM. Chỉ có chuyển đổi mới có thể giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, ngành và DN. Và cũng chỉ có chuyển đổi mới có thể giúpphát triển bền vững, tăng khả năng kết nối và nâng cao vị thế của TP.HCM.
Cụ thể, để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, ngành và DN, TP.HCM cần lựa chọn các ngành sản phẩm ưu tiên phát triển, các ngành tiềm năng và nâng cấp chuỗi giá trị một số ngành truyền thống; phát triển các ngành, sản phẩm mới thông qua đổi mới sáng tạo và ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0.
Việc đáp ứng các yêu cầu mới về hội nhập, các tiêu chuẩn mới của thị trường quốc tế cả sản phẩm hàng hóa và dịch vụ sẽ giúp tăng khả năng kết nối, từ đó tích hợp sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Việc phân công lại sản xuất, kinh doanh với các lợi thế riêng còn nhằm đáp ứng nhu cầu nâng cấp, định vị lại vai trò của Thành phố trong mối quan hệ kinh tế với vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Nhưng để chuyển đổi công nghiệp thành công, theo ông Phạm Bình An, Thành phố cần huy động sự tham gia của nhiều bên liên quan, từ Trung ương, các địa phương trong vùng, các DN đầu đàn, đối tác quốc tế.
Mặc dù đã có sự định hướng, chủ trương chung cùng một số cơ chế đặc thù như Nghị quyết 98/2023/QH15 hay Nghị định 84/2024/NĐ-CP, trong quá trình chuyển đổi công nghiệp, Thành phố rất cần sự chung tay hỗ trợ của các bộ ngành và Chính phủ trong việc tiếp tục tháo gỡ các quy định bất cập hoặc chưa cập nhật với các xu thế phát triển mới, vượt quá thẩm quyền của Thành phố để hỗ trợ DN chuyển đổi nhanh và thuận lợi.
Đặc biệt, vai trò hỗ trợ và chia sẻ của các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là rất quan trọng. Đơn cử như khi Thành phố cần di dời các DN không phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp của Thành phố, các địa phương trong vùng có thể hỗ trợ bằng việc tiếp nhận các DN này về hoạt động trên địa bàn của mình, để chia sẻ khó khăn về quỹ đất với TP.HCM. Bên cạnh đó, bài toán hình thành và nâng cấp các chuỗi giá trị phải tính đến yếu tố vùng, tạo ra vành đai công nghiệp cho cả vùng, chứ không chỉ giới hạn ở ranh giới địa phương.
Bên cạnh đó, để quá trình chuyển đổi công nghiệp thành công, Thành phố cần hình thành và phát triển DN có quy mô lớn, có sức ảnh hưởng, các “sếu đầu đàn” để dẫn dắt các DN vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thành phố cũng rất cần sự hỗ trợ về ý tưởng và vốn từ các tổ chức trong nước (như Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM - ICTI, Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TP.HCM - DX Center, nhóm Công tác chung TP.HCM - NHTG, Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 C4IR), từ các tổ chức quốc tế có nhiều kinh nghiệm phát triển và nguồn lực quan trọng cho chuyển đổi, từ các địa phương là đối tác của Thành phố và từ các tập đoàn, các công ty xuyên quốc gia, các viện trường cũng như các chuyên gia hàng đầu trong khu vực và trên thế giới.