TP.HCM: 'Cánh chim đầu đàn' trong đối ngoại ở cấp địa phương
Khi cả nước còn trong thời kỳ bao cấp, TP.HCM đã mạnh dạn đón gần 70 doanh nhân Hoa Kỳ đến tìm hiểu môi trường đầu tư. Đó là sự kiện 'mở đường' cho tư duy đối ngoại đổi mới của TP.HCM.
Ngày 11-4, Sở Ngoại vụ TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học “TP.HCM - 50 năm triển khai đường lối đối ngoại Việt Nam”.
Tham dự có ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM.
Hội thảo là dịp nhìn lại chặng đường 50 năm triển khai đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước tại TP.HCM. Đồng thời, là dịp TP.HCM tổng kết những thành tựu, rút ra bài học thực tiễn, đề xuất những định hướng chiến lược cho giai đoạn phát triển mới.

Toàn cảnh hội thảo khoa học “TP.HCM - 50 năm triển khai đường lối đối ngoại Việt Nam”. Ảnh: BP
"Cánh chim đầu đàn" trong đối ngoại địa phương
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, ngay sau ngày đất nước thống nhất, TP.HCM đã sớm nhận thức rõ vai trò chiến lược của công tác đối ngoại trong công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 1985, khi cả nước còn đang trong thời kỳ bao cấp, TP.HCM đã mạnh dạn đón đoàn gần 70 doanh nhân Hoa Kỳ đến tìm hiểu môi trường đầu tư. Ông Hoan đánh giá, đó là một sự kiện “mở đường” mang tính biểu tượng cho tư duy đối ngoại đổi mới, chủ động, dám nghĩ dám làm của TP.
“Từ đó đến nay, TP.HCM đã không ngừng khẳng định vai trò là nơi khởi nguồn của nhiều mô hình hợp tác quốc tế mới mẻ, từ khu chế xuất Tân Thuận đến khu đô thị Phú Mỹ Hưng; từ xúc tiến đầu tư quy mô lớn đến các hình thức giao lưu văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường”- ông Hoan khái quát.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan phát biểu tại hội thảo khoa học “TP.HCM - 50 năm triển khai đường lối đối ngoại Việt Nam”. Ảnh: BP
Ông Hoan nhìn nhận từ giai đoạn đổi mới (năm 1986) đến nay, TP.HCM đã thể hiện vai trò “cánh chim đầu đàn” trong triển khai đường lối đối ngoại của Đảng ở cấp địa phương. Những thành tựu TP.HCM đạt được có sự đóng góp không nhỏ của công tác đối ngoại.
Phó Chủ tịch TP.HCM thông tin trong giai đoạn năm 2025 - 2045, TP.HCM đặt mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế - tài chính - đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Để làm được, TP.HCM xác định đối ngoại phải được nâng tầm, triển khai chủ động, hiệu quả, sáng tạo, mang bản sắc riêng.
“Tôi xin đặt hàng các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, các tổ chức quốc tế… cùng tham gia đóng góp ý tưởng, kiến nghị các giải pháp, chính sách cụ thể để TP.HCM phát huy vai trò là “đầu tàu đối ngoại” của cả nước, là trung tâm giao lưu quốc tế năng động, hiệu quả và có thương hiệu”- ông Hoan đề nghị.

Ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, dự trực tuyến. Ảnh: BP
Ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, đánh giá trong quá trình 50 năm phát triển, TP.HCM luôn là biểu tượng của tinh thần đổi mới, năng động và hội nhập.
Ông đánh giá trong 20 năm trở lại đây, TP.HCM đã từng bước vươn mình, phối hợp linh hoạt giữa ngoại giao Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, thúc đẩy ngoại giao chính trị - kinh tế - văn hóa. Qua đó, nâng tầm hình ảnh TP.HCM trên trường quốc tế.
“Vai trò tiên phong ấy không chỉ là mang lại kết quả phát triển vượt bậc cho TP, mà còn góp phần hình thành phương thức triển khai đường lối đối ngoại của Đảng ở cấp địa phương”- ông Tuấn nói.

Chương trình Đối thoại Hữu nghị TP.HCM lần 2 năm 2024 với nhiều dấu ấn. Ảnh: NGUYỆT NHI
Thiếu một hình ảnh, thông điệp xuyên suốt
Góp ý tại hội thảo, ông Nguyễn Thành Phong, nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM, ghi nhận trong giai đoạn hội nhập sâu rộng (từ năm 2000 – 2020), TP đã đạt được những thành tựu quan trọng trong công tác đối ngoại.

Ông Nguyễn Thành Phong, nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM góp ý tại hội thảo khoa học “TP.HCM - 50 năm triển khai đường lối đối ngoại Việt Nam”. Ảnh: BP
Tuy nhiên, ông Phong cũng nêu thực tế còn nhiều hạn chế và bất cập. Đáng chú ý, TP.HCM còn hạn chế về mặt chiến lược và định hướng và thiếu một chiến lược tổng thể và dài hạn.
“TP.HCM dù được biết đến là TP năng động, nhưng thiếu một hình ảnh, thông điệp xuyên suốt để định vị trên trường quốc tế giống như TP Seoul là Smart City hay Singapore là Green Hub”- ông Phong nói và gợi mở TP.HCM cần một tư duy đột phá, hiện đại và chuyên nghiệp hơn trong triển khai công tác đối ngoại.


Đại diện 58 địa phương có quan hệ hợp tác hữu nghị với TP.HCM cùng đến dự chương trình Đối thoại hữu nghị lần 2 năm 2024. Ảnh: NGUYỆT NHI
Ông Trần Thanh Hải, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Ngoại giao, đề xuất TP tăng cường hợp tác quốc tế và tham gia vào các sáng kiến phát triển đô thị như Mạng lưới các TP có khả năng chống chịu, Liên minh các TP C40…
“Việc tham gia các sáng kiến giúp siêu đô thị như TP.HCM tiếp cận kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm và huy động nguồn lực quốc tế cho các dự án cụ thể hơn”- ông Hải nhìn nhận.
Ông Hải cũng gợi mở TP.HCM ưu tiên kết nối, thiết lập quan hệ hợp tác chiến lược với các đô thị có đặc điểm tương đồng. Chẳng hạn như đẩy mạnh hợp tác với các TP như Rotterdam (Hà Lan), Singapore, Bangkok (Thái Lan) về quản lý nước và chống ngập, hoặc Seoul (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản) về phát triển giao thông công cộng và đô thị thông minh.
“Các chương trình hợp tác cần tập trung vào chuyển giao công nghệ và chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm quản lý trong những lĩnh vực ưu tiên cụ thể của TP”- ông nói thêm.

TS Trương Minh Huy Vũ góp ý. Ảnh: BP
TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, đánh giá vị thế của TP.HCM so với các TP khác thuộc khu vực Đông Nam Á còn chưa tương xứng với tiềm năng.
Trong bối cảnh mới, tình hình mới, ông Vũ kiến nghị TP.HCM triển khai các chương trình đột phá về quản lý, phát triển hạ tầng, về chuyển đổi mô hình kinh tế…
“Việc tập trung vào những chương trình này sẽ giải quyết các vấn đề cốt lõi, chắc chắn rằng TP sẵn sàng với tâm thế bước vào kỷ nguyên mới và nâng tầm vị thế của TP trên bản đồ khu vực Đông Nam Á, châu Á”- ông Vũ kỳ vọng.
50 năm TP.HCM hội nhập và phát triển
Sau gần 50 năm phát triển, TP.HCM đã thiết lập quan hệ hữu nghị – hợp tác với 58 địa phương trên thế giới, là thành viên tích cực của nhiều tổ chức quốc tế. Những thành tựu nổi bật về đối ngoại của TP.HCM gắn liền với những kết quả phát triển kinh tế - xã hội quan trọng.
Chỉ tính riêng trong năm 2024, TP.HCM đạt tốc độ tăng trưởng GRDP 7,17%, thu ngân sách lần đầu tiên vượt mốc 500.000 tỉ đồng – chiếm khoảng 27% tổng thu ngân sách quốc gia.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 104 tỉ USD. TP.HCM tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước về số lượng và quy mô các dự án FDI với hơn 13.000 dự án, tổng vốn đăng ký đạt trên 58 tỉ USD.