TP.HCM cần một tư duy đột phá, hiện đại hơn trong triển khai công tác đối ngoại

Ngày 11.4, Sở Ngoại vụ TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề 'TP.HCM - 50 năm triển khai đường lối đối ngoại Việt Nam'. Sự kiện thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực quân sự, ngoại giao...

Hội thảo diễn ra trong một thời khắc hết sức đặc biệt: cả nước đang hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và tiến tới Lễ kỷ niệm 80 năm Quốc khánh 2.9 và Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập ngành ngoại giao. Đây cũng là dịp để cùng nhìn lại chặng đường 50 năm triển khai đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước tại TP.HCM - một trong những địa phương năng động, sáng tạo, luôn đi đầu trong công tác đối ngoại.

Phát biểu tại hội thảo, ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết nửa thế kỷ qua, phát huy tinh thần nhạy bén, cùng truyền thống năng động, sáng tạo, mạnh dạn đi đầu trong tìm tòi, thử nghiệm cách làm mới, công tác đối ngoại của TPHCM đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan phát biểu tại hội thảo

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan phát biểu tại hội thảo

Theo ông Hoan, năm 1985, khi cả nước đang trong thời kỳ khó khăn, thành phố đã mạnh dạn đón gần 70 doanh nhân Mỹ đến tìm hiểu môi trường đầu tư. Đây được coi là sự kiện mở đường cho tư duy đổi mới, chủ động, dám nghĩ dám làm của thành phố trong các giai đoạn tiếp theo.

Sau 50 năm phát triển, TP.HCM đã thiết lập quan hệ hữu nghị, hợp tác với 58 thành phố, vùng lãnh thổ của các quốc gia trên thế giới, đồng thời là thành viên tích cực của nhiều tổ chức quốc tế và tại Liên Hợp Quốc.

Năm 2024, TP.HCM đạt tốc độ tăng trưởng GRDP 7,17%, thu ngân sách lần đầu tiên vượt mốc 500.000 tỉ đồng, chiếm khoảng 27% tổng thu ngân sách quốc gia. Thành phố giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước về số lượng và quy mô các dự án FDI, với hơn 13.000 dự án, tổng vốn đăng ký trên 58 tỉ USD. TPHCM đặt mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực Đông Nam Á giai đoạn 2025 - 2045.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan mong rằng, qua hội thảo sẽ tổng kết được những bài học quý báu từ thực tiễn 50 năm qua; đồng thời mở ra tầm nhìn chiến lược, xác định rõ các động lực mới, mô hình hợp tác mới, cơ chế phối hợp mới cho TP.HCM trong hành trình hội nhập quốc tế ở tầm cao mới. Lãnh đạo TP cũng đặt hàng các chuyên gia, các cơ quan Trung ương, các nhà nghiên cứu, các tổ chức quốc tế và đối tác nước ngoài cùng tham gia đóng góp ý tưởng, kiến nghị các giải pháp, chính sách cụ thể để thành phố phát huy vai trò là “đầu tàu đối ngoại” của cả nước, là trung tâm giao lưu quốc tế năng động, hiệu quả và có thương hiệu tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, đánh giá vị thế của TP.HCM so với các TP khác thuộc khu vực Đông Nam Á còn chưa tương xứng với tiềm năng. Trong bối cảnh mới, tình hình mới, ông Vũ kiến nghị TP.HCM triển khai các chương trình đột phá về quản lý, phát triển hạ tầng, về chuyển đổi mô hình kinh tế…

“Việc tập trung vào những chương trình này sẽ giải quyết các vấn đề cốt lõi, chắc chắn rằng thành phố sẵn sàng với tâm thế bước vào kỷ nguyên mới và nâng tầm vị thế trên bản đồ khu vực Đông Nam Á, châu Á” - ông Vũ bày tỏ sự kỳ vọng.

Góp ý tại hội thảo, ông Nguyễn Thành Phong, nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM, ghi nhận trong giai đoạn hội nhập sâu rộng (từ năm 2000 - 2020), thành phố đã đạt được những thành tựu quan trọng trong công tác đối ngoại.

Tuy nhiên, ông Phong cũng nêu thực tế còn nhiều hạn chế và bất cập. Đáng chú ý, TP.HCM còn hạn chế về mặt chiến lược và định hướng và thiếu một chiến lược tổng thể và dài hạn.

“TP.HCM dù được biết đến là thành phố năng động, nhưng thiếu một hình ảnh, thông điệp xuyên suốt để định vị trên trường quốc tế giống như TP.Seoul là Smart City hay Singapore là Green Hub” - ông Phong nói và gợi mở TP.HCM cần một tư duy đột phá, hiện đại và chuyên nghiệp hơn trong triển khai công tác đối ngoại.

Hội thảo diễn ra với 3 phiên chuyên đề được xây dựng công phu và nội dung sâu sắc.

Phiên thứ nhất, nhìn lại chặng đường 50 năm với những đóng góp nổi bật của TP.HCM đối với công tác đối ngoại của cả nước.

Phiên thứ hai tập trung thảo luận về chiến lược đối ngoại trong kỷ nguyên mới (2025 – 2045), đặt trong bối cảnh các xu hướng lớn như chuyển đổi số, phát triển xanh và an ninh phi truyền thống.

Đặc biệt, phiên thứ ba là không gian trao đổi học thuật cởi mở, với những ý kiến phản biện sắc sảo từ các chuyên gia, nguyên lãnh đạo, nhằm đề xuất các giải pháp cụ thể, thiết thực để thành phố triển khai hiệu quả công tác đối ngoại địa phương trong giai đoạn tới.

Thủy Long

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/tp-hcm-can-mot-tu-duy-dot-pha-hien-dai-hon-trong-trien-khai-cong-tac-doi-ngoai-231444.html
Zalo