TP.HCM cần làm gì để phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng
Ngày 25-2, tại TP.HCM đã diễn ra Hội thảo giải pháp triển khai mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD). Hội thảo do Lãnh sự quán Anh tại TP.HCM và UBND TP.HCM tổ chức.
Tham dự hội thảo có Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường, Tổng Lãnh sự Anh tại TP.HCM - bà Alexandra Smith, cùng đại diện các sở ngành của TP.HCM và các địa phương.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị.
Thời điểm thuận lợi để triển khai các mô hình TOD tại TP.HCM
Bà Alexandra Smith - Tổng Lãnh sự Anh tại TP.HCM chia sẻ: Vương Quốc Anh luôn đi đầu trong phát triển giao thông công cộng, góp phần giảm ùn tắc giao thông trong suốt thời gian qua.
"Tôi đã từng đi metro số 1 của TP.HCM với một gia đình 3 thế hệ trong thời gian metro này vận hành. Thật bất ngờ khi metro số 1 đã có sự tác động lớn đến người dân và được người dân yêu thích, chọn làm phương tiện di chuyển", bà Alexandra Smith cho biết.
Bà cũng cho rằng, vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 188 về cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP.HCM và Hà Nội. Đây là thời điểm vô cùng thuận lợi để triển khai các mô hình TOD tại TP.HCM và Hà Nội. "Tôi hy vọng rằng buổi chia sẻ hôm nay sẽ mang lại các thông tin tích cực, phát triển giao thông công cộng, giảm ùn tắc giao thông, giảm phát thải ra môi trường", bà Alexandra Smith nhận xét.

Để phát đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), TP.HCM và Hà Nội cần thay đổi tư duy, cách làm mới và cần bắt tay ngay vào một dự án cụ thể.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cho biết: TP.HCM là một trung tâm kinh tế lớn và đô thị đông dân nhất cả nước với gần 10 triệu dân, mật độ dân số 4.544 người/km².
Vì vậy, nhiệm vụ của quy hoạch giao thông và quy hoạch đô thị là phải đạt được sự hài hòa, gắn kết, tập trung phát triển nhanh và đồng bộ cơ sở hạ tầng. Bộ Chính trị đã có Kết luận số 49-KL/TW về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ngoài ra, theo dự thảo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, TP.HCM quy hoạch nhiều vị trí phát triển TOD. TP.HCM đã công bố kế hoạch triển khai 11 vị trí TOD dọc tuyến metro và Vành đai 3 trong tương lai gần, tận dụng lợi thế từ các cơ chế, chính sách đặc thù của Nghị quyết 98.
TP.HCM rất cần sự hỗ trợ về tri thức, công nghệ và nguồn vốn đầu tư của bạn bè quốc tế để phát triển TOD, ngay từ giai đoạn chuyển đổi từ xây dựng đường sắt đô thị thuần túy sang mô hình TOD đến giai đoạn xây dựng nền tảng pháp lý, kịch bản tài chính, thu hút nhà đầu tư chiến lược và chuẩn bị nguồn nhân lực để vận hành và bảo trì hệ thống giao thông công cộng hiện đại.
"Tôi mong rằng Hội thảo sẽ cung cấp thông tin cho TP.HCM về phương thức phối hợp với Chương trình Hạ tầng và Thành phố Xanh (GCIP) dựa trên kinh nghiệm của TP Hà Nội, hướng đến mục tiêu sớm ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND TP.HCM và FCDO trong lĩnh vực phát triển đô thị, xây dựng, hạ tầng và giao thông vận tải, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác với GCIP" - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, Bùi Xuân Cường nhấn mạnh.
Hãy làm ngay bằng một dự án thí điểm
Ông Nguyễn Huy Đông - nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất phát triển mạng lưới metro tại TP.HCM với kinh nghiệm quốc tế về cơ chế tài chính sáng tạo và công trình khai thác giá trị đất TOD.
Theo đó, để phát triển hệ thống đường sắt đô thị trong 10 năm tới, TP cần đặt ra 4 mục tiêu chính. Cụ thể: đạt hơn 350 km đường sắt đô thị; tiết kiệm 30% tổng chi phí toàn hệ thống, nội địa hóa 70% tổng mức đầu tư; tạo nguồn thu từ nhượng quyền TOD.
"Có thể thấy đây là một nhiệm vụ rất khả thi nếu chúng ta có một tư duy mới, đột phá. Như chúng ta cần tiếp cận theo kết quả đầu ra thay vì tiếp cận theo trình tự thủ tục tiền kiểm. Song song cần có một khung khổ pháp lý mới, cho phép chọn ngay một tuyến áp dụng mô hình đã phát triển thành công metro/TOD trên thế giới", ông Đông nói.
Ví dụ cần chia dự án tổng thành 3 hợp phần, triển khai đồng thời. Hợp phần thứ nhất là kết cấu hạ tầng (đường hầm - hạ tầng hầm, ray) sẽ hoàn thành trong khoảng 8 năm. Thứ hai là hợp phần đầu máy toa xe và hệ thống điều hành, đấu thầu ký 1 hợp đồng cung cấp cho cả hệ thống đường sắt đô thị. Thứ ba là nhà ga và Depot, làm đồng bộ một mẫu thiết kế và một tiêu chuẩn chung tiến độ.
Và tiền đâu ra để làm TOD, ông Nguyễn Huy Đông cho biết Việt Nam cần tạo nguồn thu từ nhượng quyền TOD, cần xây dựng một cộng đồng cư dân đô thị gồm đầy đủ các tiện ích tại chỗ gắn liền với ga metro với các tòa cao ốc mang lại rất nhiều lợi ích kinh tế.

Các chuyên gia cho rằng cần cách làm mới để phát triển TOD tại TP.HCM.
"Ví dụ, một khu đô thị nén ở Hà Nội trên khu đất diện tích 20ha cung cấp 12.500 căn hộ với tổng diện tích sản lên tới 1 triệu m2. Giả sử Nhà nước thu được qua đấu giá nhượng quyền phát triển khu đô thị TOD này là 5 triệu đồng thì tổng thu ngân sách TP sẽ là 5.000 tỉ đồng, tương đương 200 triệu USD. Số tiền này đủ xây metro ngầm hoàn toàn dưới đất", ông Đông thử làm phép tính.
TS Trần Du Lịch cho biết Nghị quyết 188 sẽ mở ra một cơ hội mới cho TP.HCM, hệ thống giao thông công cộng sẽ thay đổi hoàn toàn, gắn liền với chỉnh trang đô thị. Nhiệm vụ triển khai quá nặng nề và có nhiều thách thức trong thời gian tới với hơn 350 km đường sắt đô thị. Nếu chúng ta vẫn làm theo cách cũ sẽ mất hơn 250 năm nữa, vì vậy cần phải thay đổi tư duy, cách làm.
"TP.HCM cần phát triển ngành công nghiệp đường sắt, nguồn nhân lực, vận hành và để làm được điều này cần thành lập một cơ quan chuyên ngành để làm, mới có thể triển khai trơn tru, nhanh chóng", ông Lịch góp ý.
Có thể triển khai ngay tuyến metro số 2
Ông Phan Công Bằng - Trưởng Ban Ban Quản lý Đường sắt đô thị (MAUR) cho rằng: Lộ trình phát triển đường sắt đô thị theo Nghị quyết 188 và đề án phát triển TOD, TP xác định lộ trình cụ thể đến 2035 hoàn thành 355 km ĐSĐT. Đến năm 2045 hoàn thành 240km ĐSĐT còn lại.
Để hoàn thành được số km đường sắt đô thị, cần nhiều cơ chế đột phá và Nghị quyết 188 cho phép, với nhiều cơ chế mở ra. Đơn cử như cơ chế chỉ định thầu, tư vấn xây lắp.
TOD gắn liền với ĐSĐT cũng được vận hành linh hoạt, cho phép chỉ định thầu nên cũng sẽ tạo nhiều thuận lợi trong quá trình triển khai, rút ngắn thời gian.
Ví dụ, tuyến metro số 2 cho phép triển khai trước, đủ điều kiện để phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) vì GPMB đã thực hiện xong, triển khai ngay.