TP.HCM cần khoảng 60.000 tỷ đồng nâng cấp, mở rộng 4 cửa ngõ huyết mạch

Sở GTVT TP.HCM trình thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 4 dự án BOT cửa ngõ theo Nghị quyết 98, gồm: Cải tạo nâng cấp quốc lộ 22, nâng cấp mở rộng quốc lộ 13, nâng cấp trục đường Bắc - Nam và nâng cấp mở rộng quốc lộ 1.

Ngày 10/2, thông tin từ Sở GTVT TP.HCM cho biết, đơn vị đã trình UBND TP.HCM để thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 4 dự án BOT theo Nghị quyết 98.

Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3) có tổng mức đầu tư 10.045 tỷ đồng.

Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3) có tổng mức đầu tư 10.045 tỷ đồng.

Theo đó, đối với dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3) thuộc địa phận quận 12, huyện Hóc Môn có tổng mức đầu tư 10.045 tỷ đồng. Trong đó, vốn nhà nước tham gia dự án hơn 6.234 tỷ đồng (chiếm 59,6%), phần vốn nhà đầu tư huy động khoảng 4.217 tỷ đồng (chiếm hơn 40,3%). Dự kiến, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 6.204 tỷ đồng.

Dự kiến dự án sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2024-2028 theo phương thức đối tác công tư, loại hợp đồng BOT. Thời gian thu phí khoảng 23 năm 10 tháng.

Quốc lộ 22 (đường xuyên Á) là tuyến quốc lộ nối TP.HCM với cửa khẩu quốc tế Mộc Bài - tỉnh Tây Ninh, là cửa ngõ quốc tế tới các nước trong khu vực ASEAN, thuộc hành lang phát triển kinh tế xã hội Đông - Tây (TP.HCM - Mộc Bài).

Theo Sở GTVT TP.HCM, những năm gần đây cho thấy nhu cầu đi lại và vận tải hàng hóa đang tăng rất nhanh, dẫn đến lượng xe lưu thông lớn vượt năng lực thông hành, mức phục vụ của tuyến đường, thường xuyên ùn ứ, gia tăng tai nạn giao thông, đặc biệt tại các điểm giao cắt cùng mức... Để khắc phục tình trạng nêu trên, quốc lộ 22 cần được đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ theo quy hoạch.

Quốc lộ 13 đã quá tải, cấp thiết mở rộng.

Quốc lộ 13 đã quá tải, cấp thiết mở rộng.

Đối với dự án BOT nâng cấp mở rộng quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến cầu Vĩnh Bình, TP Thủ Đức), dự án có tổng mức đầu tư khoảng 21.724 tỷ đồng (bao gồm lãi vay). Trong đó, nguồn vốn nhà nước tham gia dự án hơn 14.700 tỷ đồng (chiếm 68%), nguồn vốn huy động khoảng 7.017 tỷ đồng (chiếm 32%).

Dự án mở rộng quốc lộ 13 dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2025-2028, theo phương thức đối tác công tư, loại hợp đồng BOT. Dự kiến thời gian thu phí khoảng 21 năm 4 tháng.

Về tiến độ, dự kiến trong quý I/2025 sẽ trình thẩm định phê duyệt chủ trương đầu tư; dự án được khởi công xây dựng từ quý III/2026 và hoàn thành vào năm 2028.

Dự án BOT thứ ba là nâng cấp trục đường Bắc - Nam (từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành, quận 7 và huyện Nhà Bè) có tổng mức đầu tư 9.894 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn TP là 4.679 tỷ đồng (chiếm 47%), nguồn vốn huy động 5.214 tỷ đồng (chiếm 53%).

Dự kiến dự án được đầu tư trong giai đoạn 2025-2028 theo phương thức đối tác công tư, loại hợp đồng BOT, thu phí trong khoảng 22 năm 1 tháng. Trong quý I/2025, dự án sẽ trình thẩm định phê duyệt chủ trương đầu tư; quý I/2026 khởi công xây dựng và hoàn thành vào năm 2028.

Bốn dự án BOT được đề xuất đầu tư với số vốn khoảng 60.000 tỷ đồng.

Bốn dự án BOT được đề xuất đầu tư với số vốn khoảng 60.000 tỷ đồng.

Sở GTVT đánh giá, dự án này nhằm tăng cường khả năng lưu thông của tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ hiện hữu (đường trục Bắc - Nam), hình thành tuyến giao thông thông suốt, lưu thông nhanh giữa các trung tâm kinh tế, trung tâm công nghiệp, trung tâm văn hóa với các sân bay, bến cảng biển.

Dự án BOT này cũng được đánh giá sẽ tăng cường kết nối vùng góp phần đảm bảo an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông, đảm bảo an ninh quốc phòng, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội, của TP.HCM và các tỉnh lân cận.

Dự án BOT thứ tư là nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An, quận Bình Tân và huyện Bình Chánh) có tổng mức đầu tư hơn 16.270 tỷ đồng (đã bao gồm lãi vay).

Trong đó, vốn ngân sách TP khoảng 9.611 tỷ đồng (chiếm 59%) và vốn huy động nhà đầu tư khoảng 6.659 tỷ đồng (chiếm 41%). Dự kiến trong quý I/2025 trình thẩm định phê duyệt chủ trương đầu tư, khởi công vào quý I/2026 và hoàn thành, đưa vào khai thác trong năm 2028.

Theo Sở GTVT, quốc lộ 1 từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An là trục cửa ngõ phía Nam TP, kết nối TP.HCM với tỉnh Long An và các tỉnh miền Tây Nam Bộ; kết nối với các tuyến đường vành đai 2, 3, 4. Hiện nay, đoạn tuyến quốc lộ 1 đã quá tải không đáp ứng đủ nhu cầu giao thông, thường xuyên xảy ra ùn ứ, không đảm bảo an toàn, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn khi lưu thông trên tuyến đường.

Việc đầu tư nâng cấp mở rộng quốc lộ 1 nhằm tăng cường khả năng lưu thông của tuyến đường hiện hữu, tạo thành trục giao thông thông suốt, lưu thông nhanh giữa các trung tâm kinh tế, trung tâm công nghiệp, trung tâm văn hóa của khu vực.

Được biết, Thường trực UBND TP.HCM, Ban cán sự Đảng cũng đã thống nhất trình HĐND TP.HCM 4 dự án BOT này tại kỳ họp tháng 2.

Mỹ Quỳnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tphcm-can-khoang-60000-ty-dong-nang-cap-mo-rong-4-cua-ngo-huyet-mach-192250210152014683.htm
Zalo