TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu gặp gỡ thống nhất hợp lực xây dựng siêu đô thị
Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM, buổi gặp giữa ba địa phương là bước khởi đầu quan trọng cho hành trình xây dựng TP.HCM trong giai đoạn mới, hướng tới hình thành một siêu đô thị có tầm vóc quốc tế.
Ngày 14/5, tại Khu phức hợp The Grand Hồ Tràm, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM, Tỉnh ủy Bình Dương, Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức Hội nghị đánh giá công tác triển khai, phối hợp và tiến độ thực hiện đề án sắp xếp, sáp nhập cấp tỉnh, cấp xã của 3 địa phương và triển khai một số nhiệm vụ trong thời gian tới.

Lãnh đạo ba địa phương TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương gặp mặt.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thanh Nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM cho biết, đến thời điểm này, ba địa phương đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
Hiện đã trình đề án lên Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ để xem xét, đồng thời tổ chức lấy ý kiến Nhân dân theo đúng quy định trước khi trình Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố quyết nghị. Đồng thời, cũng đã hoàn thiện và gửi trình Chính phủ đúng thời hạn, đảm bảo tiến độ theo yêu cầu.

Toàn cảnh hội nghị gặp gỡ giữa ba địa phương diễn ra tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Sau khi sáp nhập, tổng số đơn vị hành chính cấp xã của TP.HCM mới là 168 (113 phường, 54 xã và 1 đặc khu), giảm 61,9% so với 441 đơn vị hành chính cấp xã ban đầu.
Về tên gọi xã mới, ba địa phương thống nhất không đặt trùng tên trong phạm vi toàn thành phố mới, để thuận tiện cho quản lý cũng như trong quá trình sử dụng dữ liệu hành chính, dân cư, đất đai.
Ưu tiên lựa chọn những tên gọi tiêu biểu, gắn với vùng đất, địa danh lịch sử đã khắc sâu vào tâm thức và tình cảm của người dân.
Ví dụ, tại TP.HCM dự kiến thành lập các phường mang tên Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định. Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, sẽ có các địa danh như phường Bà Rịa, Vũng Tàu, Phú Mỹ, xã Đất Đỏ. Tại tỉnh Bình Dương các địa phương được đặt tên là phường Bình Dương, Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An.

Sau sáp nhập những địa danh lịch sử sẽ được giữ để đặt cho phường xã tại các địa phương.
Đặc biệt, TP.HCM và tỉnh Bình Dương dự kiến sẽ đưa vào đề án báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh ranh giới hành chính để toàn bộ diện tích Đại học Quốc gia TP.HCM sẽ thuộc 1 xã mới trong đợt sắp xếp này để tiện quản lý.
Ưu tiên hàng đầu là tạo điều kiện và giảm thiểu tác động đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức an tâm công tác, giữ lại nguồn nhân lực chất lượng cao để tiếp tục bồi dưỡng, tạo điều kiện phát huy năng lực thực hiện nhiệm vụ chính trị của thành phố sau sắp xếp.
Trong thời gian tới, ba địa phương sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo đề án thành lập Đảng bộ TP.HCM để trình Ban Chỉ đạo và cấp có thẩm quyền theo quy định. Đồng thời, hoàn chỉnh dự thảo đề án kết thúc hoạt động của các đảng bộ cấp huyện, cấp xã cũ để thành lập đảng bộ cấp xã mới. Công tác chuẩn bị phương án nhân sự cấp ủy phường, xã cũng đang được triển khai song song.

Ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh cuộc gặp là bước khởi đầu cho ba địa phương.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh đây là lần đầu tiên Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM, Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu và Tỉnh ủy Bình Dương cùng gặp gỡ, trao đổi và thảo luận về nhiều nội dung.
Ông Nguyễn Văn Nên cho rằng, đây là bước khởi đầu quan trọng cho hành trình xây dựng TP.HCM trong giai đoạn mới, hướng tới hình thành một siêu đô thị có tầm vóc quốc tế, trở thành cực tăng trưởng mạnh mẽ không chỉ của vùng Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà còn là niềm hy vọng và niềm tin của cả nước.

Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có lợi thế về hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị và lợi thế về bờ biển dài.
Ông Nguyễn Văn Nên cho biết, thử thách lớn nhất đối với 3 Ban Thường vụ hiện nay là đưa chủ trương, nghị quyết đi vào cuộc sống kịp thời, hiệu quả. Do đó, cần chọn lựa, bố trí nhân sự đủ chuẩn, đủ sức gánh vác trọng trách mới, bảo đảm bộ máy hoạt động đồng đều, thông suốt, trơn tru, minh bạch, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, điều kiện mới. Đồng thời, giải quyết chính sách đối với từng nhóm cán bộ, công chức, viên chức, từng trường hợp hợp cụ thể để mọi người yên tâm cống hiến, người không tiếp tục cũng nhận được sự quan tâm đúng mức.
Theo đề án, trụ sở chính trị - hành chính của TP.HCM mới sẽ đặt tại TP.HCM và có thêm 2 cơ sở tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và tỉnh Bình Dương để ổn định bộ máy thời kỳ đầu sau sắp xếp. Sau đó, trong quá trình thực hiện, thành phố sẽ nghiên cứu, đề xuất các phương án phù hợp.

Lãnh đạo các địa phương gặp gỡ nhà đầu tư tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Lãnh đạo ba địa phương cũng đã có buổi làm việc với Ban Giám đốc Công ty TNHH dự án Hồ Tràm - The Grand Ho Tram. Theo báo cáo của đại diện của lãnh đạo Công ty TNHH dự án Hồ Tràm, hơn 12 năm có mặt tại huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng và tại Việt Nam, khu du lịch Hồ Tràm đã thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng, đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước.
Đến nay, công ty tự hào là đơn vị cung cấp các dịch vụ du lịch đẳng cấp, chất lượng, tạo việc làm ổn định cho khoảng 2.000 lao động địa phương. Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Nên cho biết sắp tới sẽ sáp nhập ba địa phương rồi xây dựng thành TP.HCM mới. Đây là điều kiện thuận lợi để địa phương phát huy lợi thế, tiềm năng phát triển du lịch-dịch vụ xứng tầm.


Lãnh đạo TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu làm việc với Công ty TNHH dự án Hồ Tràm.
Với những tiềm năng to lớn từ dự án Hồ Tràm, trong thời gian tới, địa phương sẽ báo cáo với Bộ Chính trị, Chính phủ tháo gỡ những điểm nghẽn về hệ thống giao thông cao tốc, sân bay, các dịch vụ khác để đưa Hồ Tràm trở thành 1 khu đô thị du lịch biển xứng tầm quốc gia và quốc tế.