TP.HCM ban hành kế hoạch điều động viên chức, cán bộ khi sắp xếp bộ máy

TP.HCM sẽ điều động cán bộ, công chức dôi dư từ các cơ quan, đơn vị, địa phương đã hết chỉ tiêu biên chế sang các cơ quan, đơn vị, địa phương khác còn chỉ tiêu biên chế và nhu cầu tiếp nhận để giảm thiểu tối đa nhân sự dôi dư.

UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án sắp xếp, bố trí và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách, người lao động (gọi chung là cán bộ, công chức) sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính của hệ thống chính trị trên địa bàn TP.

Giảm thiểu tối đa nhân sự dôi dư

Về việc tuyển dụng, bổ nhiệm trong thời gian tới, UBND TP.HCM yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tập trung rà soát lại nhu cầu tuyển dụng nhân sự, ưu tiên bố trí, sắp xếp tối đa số lượng nhân sự dôi dư thuộc hệ thống chính trị.

 TP.HCM sắp xếp bộ máy sẽ giảm thiểu tối đa nhân sự dôi dư. Ảnh: NGUYỆT NHI

TP.HCM sắp xếp bộ máy sẽ giảm thiểu tối đa nhân sự dôi dư. Ảnh: NGUYỆT NHI

Những cơ quan, tổ chức, đơn vị nào có nhu cầu tuyển dụng công chức, viên chức phải chủ động làm việc, phối hợp, trao đổi với các cơ quan, đơn vị có nhân sự dôi dư để thống nhất thực hiện thủ tục tiếp nhận công chức, viên chức và bố trí ngay vào vị trí việc làm phù hợp với quy định.

Trong nội bộ cơ quan, trên cơ sở đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, thủ trưởng chủ động phối hợp với các tổ chức, đơn vị để thực hiện sắp xếp, bố trí lại đội ngũ phù hợp với yêu cầu, điều kiện, tiêu chuẩn của vị trí việc làm được bố trí, sắp xếp.

Xây dựng Đề án vị trí việc làm là cơ sở xác định cơ cấu, số lượng công chức, viên chức để bố trí, phân bổ cho cơ quan, đơn vị sau sắp xếp, đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ.

Trong đó, quá trình sắp xếp, bố trí nội bộ cơ quan phải đảm bảo cơ cấu đủ công chức, viên chức đối với tất cả các vị trí việc làm có nhu cầu (kể cả đối với các vị trí việc làm dự kiến phải có nhưng chưa tuyển dụng được nhân sự; các vị trí đối với cơ quan, đơn vị dự kiến thành lập mới) nhằm giảm thiểu tối đa số lượng đối tượng dôi dư.

Sau khi sắp xếp, bố trí đảm bảo duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công cho người dân cũng như các chức năng, nhiệm vụ của chính quyền địa phương. Đặc biệt, thông qua việc rà soát, sắp xếp, bố trí để đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.

 Một góc TP.HCM từ trên cao. Ảnh: THUẬN VĂN

Một góc TP.HCM từ trên cao. Ảnh: THUẬN VĂN

UBND TP.HCM cũng yêu cầu tổng hợp danh sách đối với các trường hợp chưa thể bố trí vị trí công tác mới, gửi Sở Nội vụ để giới thiệu, điều động đến các sở, ban, ngành TP và Ban Tổ chức Thành ủy ở các vị trí công tác phù hợp với trình độ chuyên môn của cán bộ, công chức theo vị trí việc làm của các cơ quan, đơn vị còn khuyết so với biên chế được giao.

Nghiên cứu điều động công chức dôi dư

Cũng theo kế hoạch, TP.HCM sẽ điều động cán bộ, công chức dôi dư từ các cơ quan, đơn vị, địa phương đã hết chỉ tiêu biên chế sang các cơ quan, đơn vị, địa phương khác còn chỉ tiêu biên chế và nhu cầu tiếp nhận.

Ưu tiên tiếp nhận cán bộ, công chức có đủ tiêu chuẩn, điều kiện về trình độ, có kinh nghiệm và thành tích công tác, tuổi đời trẻ và có nguyện vọng tiếp tục gắn bó, cống hiến lâu dài cho khu vực công.

Chưa kể, nghiên cứu, điều động công chức dôi dư từ các cơ quan nhà nước sang các đơn vị sự nghiệp công lập ở những vị trí việc làm phù hợp với trình độ, kinh nghiệm, kỹ năng của công chức; đặc biệt là các vị trí lãnh đạo, quản lý, các vị trí việc làm chuyên môn dùng chung, các vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ.

“Không tổ chức tiếp nhận vào công chức và không tổ chức tiếp nhận vào viên chức đối với các vị trí việc làm còn thiếu, trừ những vị trí việc làm chuyên ngành đặc thù mà không có công chức, viên chức dôi dư nào có trình độ, năng lực và điều kiện đáp ứng quy định” – UBND TP.HCM nêu rõ.

Cơ quan, đơn vị cũng thông tin về nhu cầu tiếp nhận nhân sự để cá nhân, tổ chức có căn cứ xem xét, đề xuất cấp có thẩm quyền điều động, tiếp nhận về công tác tại các vị trí phù hợp của cả khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội và khối Nhà nước.

Đáng chú ý, sau khi hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy, Sở Nội vụ phối hợp các sở, ngành địa phương tham mưu UBND TP triển khai xây dựng kế hoạch cử cán bộ, công chức thuộc phạm vi quản lý tăng cường đi công tác ở cơ sở theo quy định của Nghị định 178/2024.

Căn cứ kết quả đánh giá cán bộ, công chức sau sắp xếp, người đứng đầu cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và cử cán bộ, công chức thuộc phạm vi quản lý đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của vị trí việc làm để cơ quan, đơn vị hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Ngoài ra, UBND TP.HCM nhấn mạnh cơ quan, đơn vị rà soát, đánh giá, xác định những cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực nổi trội, có thành tích đặc biệt xuất sắc để áp dụng các chính sách trọng dụng người có phẩm chất, năng lực nổi trội theo quy định của Nghị định 178/2024.

Có chính sách khen thưởng, động viên kịp thời đối với các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích, đóng góp trong quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy; hỗ trợ, kết nối việc làm đối với cán bộ, công chức dôi dư.

Lựa chọn cán bộ nghỉ việc gắn với cơ cấu lại bộ máy

Theo kế hoạch của UBND TP.HCM, các sở, ngành, địa phương khi thực hiện sắp xếp bộ máy phải đảm bảo mục tiêu giảm tối thiểu 20% công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước để giảm biên chế trong 5 năm.

Rà soát, đánh giá tổng thể chất lượng và xem xét đơn tự nguyện xin nghỉ việc của cán bộ, công chức; xác định đối tượng phải nghỉ việc do sắp xếp tổ chức bộ máy.

Các cơ quan, đơn vị phải đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, chính xác, khách quan, nghiêm túc, công bằng, công khai, minh bạch. “Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng cào bằng, nể nang, thiên vị, trục lợi chính sách khi triển khai thực hiện” – UBND TP.HCM nêu rõ.

Cũng theo UBND TP.HCM, tập thể lãnh đạo cấp ủy và người đứng đầu cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm trong việc đánh giá, sàng lọc, lựa chọn đối tượng nghỉ việc gắn với việc cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Qua đó, giữ chân và trọng dụng cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực nổi trội; giải quyết nghỉ việc theo nguyện vọng, đảm bảo khoa học, công bằng, khách quan, hợp lý, nhân văn.

Cơ quan, đơn vị lập danh sách, dự toán số tiền thực hiện chính sách đối các trường hợp nghỉ việc gửi về Sở Nội vụ để tổng hợp báo cáo UBND TP xem xét, quyết định.

LÊ THOA

Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-ban-hanh-ke-hoach-dieu-dong-vien-chuc-can-bo-khi-sap-xep-bo-may-post850992.html
Zalo