TP Bắc Giang: Hỗ trợ chuyển đổi nghề sau thu hồi đất

TP Bắc Giang đang tập trung thực hiện các dự án hạ tầng gắn với quy hoạch đô thị, phát triển công nghiệp, dịch vụ nên phần lớn diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi. Để bảo đảm đời sống người dân, các cấp, ngành của TP có nhiều biện pháp hỗ trợ chuyển đổi nghề, giới thiệu việc làm cho lao động.

Mỗi đoàn thể một cách làm

Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường TP Bắc Giang, từ năm 2021 đến nay, toàn TP đã giải phóng mặt bằng, thu hồi hơn 574 ha đất, liên quan đến hơn 16,2 nghìn lượt hộ dân để thực hiện các công trình, dự án; tổng kinh phí thực hiện là hơn 2,3 nghìn tỷ đồng. Để bà con ổn định cuộc sống khi không còn đất nông nghiệp, TP Bắc Giang thực hiện đầy đủ chính sách hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề theo quy định; cùng đó huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm giúp đỡ người dân sớm có việc làm.

 Cửa hàng làm tóc và chăm sóc sức khỏe giúp chị Đào Thị Tuyến (người đứng), thôn Song Khê 2, xã Song Khê có thu nhập ổn đinh.

Cửa hàng làm tóc và chăm sóc sức khỏe giúp chị Đào Thị Tuyến (người đứng), thôn Song Khê 2, xã Song Khê có thu nhập ổn đinh.

Đơn cử như Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP triển khai hiệu quả Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, giai đoạn 2017 - 2025”. Theo bà Nguyễn Thị Lý, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP, tranh thủ các nguồn lực, các cấp hội phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức bồi dưỡng kiến thức về khởi sự kinh doanh, khởi sự hợp tác xã, quản lý vốn; bồi dưỡng, dạy nghề cho 1.229 hội viên (sau học nghề 1.140 chị có việc làm ổn định). Cùng đó giới thiệu việc làm cho 738 hội viên, chủ yếu là chị em có đất nông nghiệp bị thu hồi đi làm công nhân ở các doanh nghiệp (DN) may, sản xuất cầu lông, điện tử, nghề trang điểm, làm tóc…

Đơn cử Hội LHPN xã Dĩnh Trì năm 2023 đã giới thiệu việc làm trong lĩnh vực may mặc cho 12 lao động nữ, thu nhập từ 6-8 triệu đồng/người/tháng. Với lợi thế gần Khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng, Hội LHPN xã Song Khê đã vận động hội viên chuyển hướng kinh doanh dịch vụ, nhà trọ phục vụ công nhân. Hiện xã có hơn 900 chị hoạt động kinh doanh các dịch vụ như: Làm đẹp, nhà trọ, nhu yếu phẩm, hàng ăn uống.

Chị Đào Thị Tuyến (SN 1984) là một trong số nhiều hộ dân ở thôn Song Khê 2, xã Song Khê có đất nông nghiệp phải thu hồi thực hiện dự án. Không còn đồng ruộng, chị được Hội LHPN xã giới thiệu tham gia lớp khởi nghiệp và nhận thấy nghề làm đẹp, chăm sóc sức khỏe phù hợp với bản thân nên quyết định chuyển đổi nghề. Năm 2020, chị Tuyến mở cửa hàng chuyên gội đầu dưỡng sinh và chăm sóc da. Bà chủ khéo tay, phục vụ chu đáo nên cửa hàng luôn đông khách, thu nhập ổn định.

Trước thực tế diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, Hội Nông dân TP vận động hội viên ứng dụng công nghệ vào trồng trọt, nâng giá trị nông sản. Đoàn Thanh niên đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu đoàn viên tham gia học nghề, tư vấn vay vốn chính sách để phát triển kinh tế và tham gia các phiên giao dịch việc làm. 6 tháng đầu năm 2024, TP Bắc Giang có 2,7 nghìn lao động được tạo việc làm mới, đạt 84,4% kế hoạch năm.

Tiếp tục rà soát, hỗ trợ phù hợp

TP Bắc Giang có 115,9 nghìn người trong độ tuổi lao động, chiếm 61% dân số; trong đó có khoảng 5 nghìn người có nhu cầu tìm kiếm việc làm mỗi năm. Trên địa bàn TP có 9 cơ sở dạy nghề của T.Ư, của tỉnh và DN đào tạo nghề trình độ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp nghề dưới 3 tháng; tỷ lệ lao động qua đào tạo của TP hiện đạt 80% (trong đó lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có văn bằng, chứng chỉ đạt 52,5%). Toàn TP có hơn 1,3 nghìn DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ hoạt động. Đây là những điều kiện thuận lợi để người dân bị thu hồi đất nông nghiệp được học nghề và tìm kiếm việc trên chính quê hương mình.

TP Bắc Giang có 115,9 nghìn người trong độ tuổi lao động, chiếm 61% dân số; trong đó có khoảng 5 nghìn người có nhu cầu tìm kiếm việc làm mỗi năm.

Hằng năm, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) TP phối hợp với các phường, xã khảo sát, thống kê số lượng lao động có nhu cầu tìm việc làm; phân tích theo độ tuổi, trình độ. Qua đó nắm bắt nhu cầu và kết nối với DN, tìm kiếm việc làm phù hợp cho người lao động. Hai năm trở lại đây, trên địa bàn xã Tân Tiến có nhiều dự án phải thu hồi đất, liên quan đến hàng nghìn lượt hộ dân.

Để bảo đảm cuộc sống của người dân khi không còn ruộng canh tác, xã giao cán bộ chuyên môn, các đoàn thể rà soát nhu cầu của người lao động, nhất là lao động trung tuổi để giới thiệu việc làm phù hợp. Từ sự kết nối đó, bà Trần Thị Nga (SN 1969), thôn Ngò, xã Tân Tiến làm nhân viên vệ sinh tại Nhà hàng Rùa vàng. Có công việc phù hợp với sức khỏe, điều kiện gia đình và thu nhập hơn 6 triệu đồng/tháng nên cuộc sống của bà thêm ổn định. Phường Xương Giang đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu lao động ở những nơi có đất nông nghiệp bị thu hồi cho các DN trên địa bàn. Những người chưa biết nghề sẽ được đào tạo miễn phí và vẫn có thu nhập trong thời gian học nghề.

Chị Hồ Thị Kim Anh, Trưởng Phòng Nhân sự Công ty TNHH Onechang Vina, phường Xương Giang cho biết: “Hiện DN đang có nhu cầu tuyển dụng gần 300 công nhân may để đáp ứng quy mô sản xuất của nhà máy ở TP Bắc Giang và cơ sở mới ở xã Cao Xá (Tân Yên). Công nhân mới chưa có tay nghề sẽ được đào tạo miễn phí tại công ty tối đa 2 tháng. Trong thời gian này, DN sẽ chi trả tiền công bằng mức lương tối thiểu vùng và khoản phụ cấp, bảo đảm thu nhập không thấp hơn 5 triệu đồng/người/tháng”.

Theo ông Nguyễn Đức Lương, Phó trưởng Phòng LĐTBXH TP Bắc Giang, để sau khi thu hồi đất, người dân các phường, xã ngoại thành có nghề tại chỗ bảo đảm đời sống, Phòng tiếp tục tham mưu cho UBND TP thực hiện đa dạng các nhóm giải pháp. Trong đó, đẩy mạnh hoạt động tư vấn, kết nối với DN, giới thiệu việc làm phù hợp cho người lao động. Đồng thời, nắm bắt sát nhu cầu chuyển đổi nghề, hỗ trợ các hộ dân tiếp cận thuận lợi nguồn vốn vay ưu đãi, tạo cơ hội để họ xây dựng, phát triển mô hình kinh tế.

Bài, ảnh: Hoài Thu

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/tp-bac-giang-ho-tro-chuyen-doi-nghe-sau-thu-hoi-dat-073502.bbg
Zalo