Tour du lịch bị hủy, doanh nghiệp linh hoạt hoàn tiền

Nhiều tour du lịch trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã phải hủy bỏ vì tình hình thời tiết diễn biến phức tạp.

Linh hoạt trong việc hoàn lại tiền

Mới đây, do ảnh hưởng của đợt mưa lớn kéo dài, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng xảy ra lũ quét, sạt lở đất, đá gây thiệt hại về người, nhà ở của người dân vùng cao. Nhiều ngôi nhà bị cuốn trôi, đất đá chắn ngang đường khiến giao thông bị ách tắc.

Bên cạnh tác động đối với người dân, đợt mưa lũ này cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động du lịch tại Cao Bằng. Nhiều chương trình tham quan, tour du lịch do các doanh nghiệp lữ hành tổ chức đã buộc phải tạm hoãn hoặc điều chỉnh kế hoạch.

Trao đổi với Người Đưa Tin, anh Lý Đạo Huy - Giám đốc Công ty Du lịch Cao Bằng Travel cho biết công ty đã phải hủy trải nghiệm đi thuyền bè trên sông Quây Sơn do nước sông dâng cao.

Để giải quyết tình hình, doanh nghiệp đã phải linh hoạt trong việc hoàn lại tiền, bảo lưu tiền đặt cọc cho khách, đồng thời lùi lịch cho các chuyến du lịch vào tuần tới. Đối với những khách đặt vé máy bay, các đơn vị cũng đã sắp xếp lại kế hoạch, tránh những khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ lụt.

Anh Huy cho hay, du khách nước ngoài tỏ ra khá ngỡ ngàng khi chứng kiến cảnh tượng thác Bản Giốc chảy mạnh, nước đục ngầu khác xa so với hình ảnh trên mạng xã hội. Tuy nhiên, những du khách này vẫn tỏ ra thích thú khi được tận hưởng không khí "mùa mưa lũ" tại địa điểm này.

Du khách nước ngoài thích thú khi được tận hưởng không khí "mùa mưa lũ".

Du khách nước ngoài thích thú khi được tận hưởng không khí "mùa mưa lũ".

Khi được hỏi về việc có nên mở tour du lịch mùa mưa lũ tại Cao Bằng, anh Huy cho rằng sẽ có nhiều trở ngại khi di chuyển, không đảm bảo an toàn, đặc biệt là rủi ro sạt lở và thời tiết không thuận lợi sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan.

Ngoài thác Bản Giốc, du khách vẫn có thể tham quan nhiều điểm du lịch khác ở Cao Bằng, như: Động Ngườm Ngao, đồi cỏ, núi Mắt Thần, các làng nghề truyền thống ở lân cận thác Bản Giốc…

Bảo đảm an toàn cho du khách

Theo ông Lương Văn La - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Trùng Khánh (Cao Bằng), mưa lớn liên tục ở thượng nguồn đã khiến lượng nước đổ về hạ lưu tăng đột biến, làm mực nước tại thác Bản Giốc dâng cao, gây ngập lụt ở nhiều khu vực xung quanh.

Khi mưa ngừng, nước sẽ rút dần, nhưng nếu thời tiết tiếp tục xấu, mực nước sẽ lại tăng cao, gây ngập lụt trở lại.

Khu vực Thác Bản Giốc ngập trong biển nước.

Khu vực Thác Bản Giốc ngập trong biển nước.

Trước tình hình này, các cơ quan chức năng đã đặt biển cảnh báo, cấm người dân và du khách tiếp cận khu vực thác nước để đảm bảo an toàn. Hiện tại, sau khi mưa tạnh, mực nước ở thác Bản Giốc đã rút xuống, nhưng nguy cơ lũ lụt vẫn luôn hiện hữu.

"Mùa mưa lũ ở Cao Bằng thường kéo dài từ tháng 6 đến tháng 10. Do đó, du khách khi du lịch ở đây cần thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết và cảnh báo lũ lụt từ các cơ quan chức năng cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng", ông La lưu ý.

Ngoài ra, ông La khuyến cáo du khách cần hạn chế tiếp cận các khu vực nguy hiểm như gần mép thác hoặc nơi có dòng nước chảy mạnh, tuân thủ các biển cảnh báo và rào chắn an toàn được lắp đặt quanh khu vực thác.

Tuân thủ hướng dẫn của nhân viên khu du lịch và tránh các hoạt động dưới nước. Du khách chỉ nên sử dụng các dịch vụ du lịch được cấp phép và đảm bảo an toàn.

Thác Bản Giốc được vinh danh là một trong những thác nước đẹp nhất thế giới

Hồi giữa tháng 5, thác Bản Giốc được công bố trong danh sách 21 thác nước đẹp nhất thế giới năm 2024 do tạp chí du lịch danh tiếng của Mỹ Travel+Leisure bình chọn. Thác Bản Giốc xếp thứ 17, là đại diện duy nhất của Việt Nam vào danh sách này.

Bao quanh thác Bản Giốc là cảnh quan thiên nhiên đẹp mắt, nên thơ cùng bầu không khí mát mẻ, trong lành. Từ thác Bản Giốc, du khách có thể tham quan thêm nhiều điểm du lịch nổi tiếng của Cao Bằng như động Ngườm Ngao, chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc, làng đá Khuổi Ky. Tháng 9 và tháng 10 là thời gian lý tưởng khám phá thác.

Ma Thị Kim Thoa

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tour-du-lich-bi-huy-doanh-nghiep-linh-hoat-hoan-tien-2042408041049537.htm
Zalo