Top ngân hàng có lãi suất tiết kiệm cao nhất tháng 1/2025
Khảo sát biểu lãi suất tiết kiệm tại nhiều ngân hàng khi Tết Nguyên đán đến gần cho thấy, số ngân hàng chạy đua tăng lãi suất tháng vừa qua giảm đi đáng kể, song mức độ tăng vẫn khá cao, có ngân hàng tăng lãi suất đột biến 1,3% ở kỳ hạn ngắn. Giới phân tích cho rằng có nhiều nhân tố gây áp lực đẩy tăng lãi suất huy động năm 2025.
Nhìn lại biến động lãi suất tiết kiệm tháng vừa qua, chỉ có 9/36 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất, 2 ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất, 2 ngân hàng đồng thời tăng và giảm lãi suất ở một số kỳ hạn.
Có ngân hàng tăng lãi suất đột biến 1,3%
Khảo sát của TBTCVN về sự biến động lãi suất cho thấy, đầu năm 2025, ABBank bất ngờ tăng mạnh lãi suất tiết kiệm lên tới 1,3% với kỳ hạn 9 tháng lên mức 5,5%/năm; đồng thời, tăng 0,8% kỳ hạn 6 tháng lên mức 5,4%/năm. Các kỳ hạn tháng 12 tháng và 3 tháng có mức tăng ít hơn, lần lượt tăng 0,3% và 0,2%. Trái lại, ở kỳ hạn dài hơn 24 - 36 tháng, ngân hàng giảm nhẹ lãi suất 0,1% xuống mức 5,3%/năm.
Tính đến cuối quý III/2024, ABBank là ngân hàng đuối nhất toàn ngành trong thực hiện kế hoạch về lợi nhuận khi chỉ hoàn thành 18% và ghi nhận lỗ trước thuế 343 tỷ đồng. Lợi nhuận nhà băng này cũng đi lùi nhiều năm qua sau khi đạt đỉnh vào năm 2021. Dư nợ cho vay khách hàng ABBank khiêm tốn đạt trên 97 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng chững lại rõ rệt so với mặt bằng chung toàn hệ thống.
Bên cạnh đó, Eximbank tăng 0,4-0,5% ở các kỳ hạn 1 tháng, 6 tháng và 12 tháng gửi tại quầy lên mức: 3,5%/năm; 5,2%/năm và 5,4%/năm. Nam A Bank tăng 0,4% kỳ hạn 1-3 tháng tại quầy lên mức 4-4,3%/năm; với số tiền lớn hơn 500 tỷ, lãi suất cao nhất tại nhà băng này là 6%/năm kỳ hạn 36 tháng.
Các ngân hàng còn lại tăng nhẹ lãi suất với chỉ từ 0,05-0,3%/năm. Còn nhóm các ngân hàng quốc doanh không biến động lãi suất trong tháng vừa qua.
Ở chiều ngược lại, SeABank bất ngờ giảm mạnh 0,45 - 0,65%/năm kỳ hạn 1 -9 tháng xuống còn 2,95-4,29%/năm. Hiện mức cao nhất ở ngân hàng này là 5,75%/năm kỳ hạn 24 - 36 tháng tại quầy, với hình thức gửi có kỳ hạn lĩnh lãi cuối kỳ. Đặc biệt, với số tiền từ 2.000 tỷ đồng trở lên, PVCombank giảm 0,5% kỳ hạn 12 - 13 tháng tại quầy xuống còn 9%/năm.
Cùng với ABBank, NCB đồng thời tăng và giảm nhẹ lãi suất 0,1 - 0,2% các kỳ hạn trong tháng.
Mức tăng lãi suất huy động trong tầm kiểm soát
"Thời gian qua, một số ngân hàng nhỏ điều chỉnh tăng lãi suất huy động đảm bảo thanh khoản tùy thời điểm, song mức tăng vẫn nằm trong tầm theo dõi, kiểm soát của NHNN và chưa cần phải tác động chính sách. NHNN cũng chưa thấy tình trạng lãi suất huy động tăng quá cao, gây mất cân bằng hoặc chênh lệch giữa các ngân hàng dẫn tới tình trạng tiền gửi từ ngân hàng này “chạy” sang ngân hàng khác".
Còn phân chia theo kỳ hạn, với kỳ hạn 1 tháng, lãi suất tiết kiệm cao nhất tính đến ngày 10/12 là 4,05%/năm được áp dụng tại CBBank, đứng thứ hai là DongABank với mức lãi suất 4,04%/năm, tiếp đó là NamABank và MBV (chuyển đổi từ OceanBank sau khi chuyển giao bắt buộc về MB) cùng niêm yết lãi suất 4%/năm.
Tại các ngân hàng thương mại lớn, mức lãi suất cao nhất thuộc về VPBank với lãi suất 3,7%/năm. Các “ông lớn” ngân hàng quốc doanh niêm yết lãi suất kỳ hạn 1 tháng ở mức 1,6 - 2,2%/năm, trong đó, Agribank đứng đầu với lãi suất 2,2%/năm.
Với kỳ hạn phổ biến được người dân lựa chọn 6 tháng, lãi suất tiết kiệm cao nhất tháng 1/2025 là 5,65%/năm được áp dụng tại CBBank. Ngân hàng DongABank áp dụng mức lãi suất 5,47%/năm, mức cao thứ hai hệ thống. Đứng top ba là ABBank với lãi suất 5,4%/năm. Lãi suất tiết kiệm thấp nhất kỳ hạn 6 tháng vẫn được áp dụng tại nhóm big 4, dao động từ 2,9 - 3,5%/năm, trong đó, Agribank vẫn giữ vững ngôi đầu.
Trong nhóm ngân hàng quốc doanh, Vietinbank, BIDV và Agribank áp dụng lãi suất 4,7%/năm; Vietcombank niêm yết lãi suất huy động thấp hơn, ở mức 4,6%/năm, không đổi so với tháng trước.
Ngoài ra, tại một số nhà băng cũng đang áp dụng chính sách lãi suất đặc biệt khi gửi số tiền "khủng" kỳ hạn 12-13 tháng. Chẳng hạn, với số tiền gửi trên 200 tỷ đồng, có 4 ngân hàng duy trì mức lãi suất trên 7%/năm gồm MSB niêm yết 7%; 8% khi gửi trên 500 tỷ đồng; DongABank 7,5% khi gửi trên 200 tỷ đồng; lãi suất PVCombank là 9% khi gửi trên 2.000 tỷ đồng.
Lãi suất huy động tăng trung bình 0,71% năm 2024
Nhìn lại diễn biến mặt bằng lãi suất cả năm 2024, chia sẻ gần đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, lãi suất huy động tăng bình quân 0,71% so với cuối năm 2023. Còn lãi suất cho vay giảm bình quân 0,59%, riêng các ngân hàng thương mại Nhà nước big 4 có trách nhiệm thực hiện chính sách nhiều hơn, mức giảm lãi suất khoảng gần 1%.
Về việc một số ngân hàng ưu đãi lãi suất cho khách hàng ưu tiên, áp dụng chính sách huy động khác nhau giữa các chi nhánh, ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cho biết, về nguyên tắc, lãi suất huy động do cung cầu thị trường quyết định. Tuy nhiên, NHNN có thông tư quy định các tổ chức tín dụng khi nhận tiền gửi của khách hàng phải có quy trình nội bộ chặt chẽ và có hướng dẫn thống nhất trong nội bộ.
Cũng trong năm 2024, NHNN truyền đi thông điệp tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất, không điều chỉnh tăng hoặc giảm lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới vẫn neo ở mức cao; giữ ổn định lãi suất tiền gửi và tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, qua đó có điều kiện để hỗ trợ nền kinh tế.
Năm 2025, dự báo mặt bằng lãi suất huy động tăng 0,2 - 0,5 điểm %/năm
Thống kê của Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) cho thấy, tính chung năm 2024, 23 ngân hàng thương mại trong nước tăng lãi suất huy động kỳ hạn 6-12 tháng, với mức tăng lớn nhất là 0,8 %/năm tại MSB. CBBank và VPBank lần lượt đứng sau với mức tăng 0,75 %/năm và 0,7 %/năm. Lãi suất huy động cao nhất chốt năm 2024 của kỳ hạn 6-12 tháng là 5,8%/năm được áp dụng tại Ngân hàng An Bình; tiếp theo là NCB với 5,55%/năm; BVBank, Eximbank, Vietbank, VietABank… cùng 5,2%/năm.
Việc lãi suất bình quân liên ngân hàng tăng cao từ quý II/2024 tác động đến chi phí vay vốn của các ngân hàng, kéo theo việc điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Cùng với đó, việc tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn tốc độ tăng trưởng huy động vốn tạo áp lực ngân hàng phải tăng lãi suất huy động để đảm bảo nguồn vốn, từ đó, nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng nhu cầu tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh tăng cao cuối năm 2024. Xu hướng tăng trưởng của thị trường chứng khoán, bất động sản, thị trường vàng cũng tăng sức ép cạnh tranh với kênh tiền gửi, dẫn đến các ngân hàng tăng lãi suất huy động.
Dự báo mặt bằng lãi suất năm 2024, Viện Kinh tế - Tài chính cho rằng, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2025 được nâng lên mức 16%, cao hơn con số thực hiện năm 2024, dẫn đến nhu cầu tăng tốc độ huy động vốn, gây áp lực tăng lãi suất huy động.
Theo TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, tỷ giá năm 2025 rất khó lường, năm 2022, chỉ số DXY đạt đỉnh 113 điểm, hiện DXY thấp hơn nhiều nhưng tỷ giá USD/VND đã vượt đỉnh cũ, mức độ biến động tỷ giá cao cũng dẫn đến tâm lý kỳ vọng và ảnh hưởng đến công điều hành.
Bên cạnh đó, nợ xấu vẫn hiện hữu trong năm 2025 khiến các ngân hàng nhiều khả năng tiếp tục tăng lãi suất huy động để đảm bảo nhu cầu thanh khoản hoạt động. Ngoài ra, áp lực cạnh tranh từ các kênh đầu tư chứng khoán, bất động sản, vàng, tiền ảo tiếp diễn trong năm 2025 dẫn đến nhu cầu tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm. Bởi vậy, Viện Kinh tế - Tài chính dự báo mặt bằng lãi suất huy động bình quân trong năm 2025 khả năng tăng 0,2-0,5 điểm %/năm so với mức bình quân năm 2024 (4,98%/năm).