Top cổ phiếu của tuần: Ngành khoáng sản ngược dòng thị trường
Dù giảm tới hơn 100 điểm, thị trường chứng khoán trong tuần qua vẫn có những điểm nhấn tích cực, như thanh khoản gia tăng mạnh mẽ, sự phục hồi của nhóm VN30 trong phiên cuối tuần, và đặc biệt là đà tăng mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu khoáng sản.

Thị trường chứng khoán giảm mạnh trong tuần giao dịch đầu tiên của tháng 4/2025. Ảnh: Hà Anh - MekongASEAN
Thị trường chứng khoán bước vào tuần giao dịch đầu tiên của tháng 4 (31/3 – 4/4/2025) với nhiều lực cản. VN-Index giảm 10,6 điểm trong phiên thứ 2, cao nhất kể từ đầu tháng 1/2025, tuy nhiên vẫn kịp phục hồi phần nào hai phiên sau đó.
Tới phiên thứ 5 ngày 3/4, cú sốc từ thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế nhập khẩu cao chưa từng có đối với hàng chục nền kinh tế, đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam lao dốc trong một xu thế phản ứng toàn cầu. Chốt phiên 3/4, chỉ số VN-Index giảm 88 điểm, tương đương 6,68%, cao nhất trong lịch sử giao dịch của thị trường. Chỉ số VN30-Index cũng mất 93,76 điểm, tương đương 6,81% về còn 1.283,18 điểm.
Trên cả ba sàn, chỉ có đúng 84 mã tăng điểm, trong khi số mã giảm là 1.081 mã, với 426 mã giảm sàn. Trong phiên bị bán tháo, trên sàn HOSE có tổng cộng 1,76 triệu cổ phiếu được giao dịch khớp lệnh, tương đương giá trị 39.630 tỷ đồng, tăng lần lượt 108% và 105% so với phiên trước đó.

Đà giảm điểm 2 phiên 3/4 và 4/4/2025 đẩy VN-Index về mức thấp nhất kể từ tháng 11/2024. Ảnh: SSI Iboard
Sau phiên giảm điểm lịch sử ngày 3/4, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục bước vào phiên 4/4 dưới áp lực bán trên diện rộng. Chỉ số VN-Index giảm tới 70,51 điểm ngay sau phiên ATO với hàng trăm mã giảm sàn trên cả 3 sàn giao dịch chính.
Dù vậy, với dòng tiền đổ vào thị trường mạnh mẽ cùng với sự hồi phục của nhóm VN30, chỉ số bật tăng từ đáy. Đóng cửa phiên 4/4, chỉ số VN-Index chỉ còn giảm 19,17 điểm, tương đương giảm 1,56% về còn 1.210,67 điểm. VN30-Index từ lúc giảm hơn 72 điểm, đã thu hẹp biên độ và chỉ còn giảm 2,66 điểm lúc chốt phiên về còn 1.280,52 điểm.
Dù vẫn giảm điểm mạnh, VN-Index hồi phục 53 điểm so với đáy của phiên. Đây là biên độ phục hồi rất ấn tượng của thị trường. Thanh khoản sàn HOSE tăng 6,5% so với mức nền vốn đã rất cao của ngày 3/4 lên 42.211 tỷ đồng.
Kết thúc tuần giao dịch đầu tiên của tháng 4/2025, chỉ số VN-Index giảm 106,79 điểm (-8,11%), xuống 1.210,61 điểm, thấp nhất kể từ tháng 11/2024. Đây cũng là mức giảm trong tuần cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây của VN-Index.
VN30: "Ngôi sao cô đơn" Vingroup

Trong tuần giảm mạnh của thị trường, duy nhất cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup tăng điểm trong nhóm VN30, khi tăng với biên độ 0,52%. Ngoại trừ phiên giảm sàn hôm thứ 5, VIC giao dịch tích cực trong 4 phiên còn lại, trong đó ở phiên 4/4, VIC tăng 3,74% và là cổ phiếu tiên phong giúp thị trường đảo chiều từ đáy.
VIC đang ở trong đà tăng mạnh mẽ từ đầu tháng 3/2025 đến nay, đẩy thị giá từ 42.000 đồng/CP lên 58.300 đồng/CP như hiện tại, tương ứng mức tăng 38,8%.

Diễn biến cổ phiếu VIC thời gian vừa qua. Ảnh: SSI Iboard
29 mã còn lại của VN30 đều phải chốt tuần giao dịch trong giá đỏ, dù vậy, vẫn có những tấm gương “vượt khó” tiêu biểu bên cạnh VIC.
Với phiên tăng trần ngày 4/4, LPB thu hẹp đà giảm trong tuần về còn 1,49%, là một trong những niềm cảm hứng lớn cho thị trường bật tăng từ đáy. VHM và STB cũng ngược dòng tích cực trong phiên 4/4, thu hẹp đà giảm của tuần về 1,76% và 2,22%.
10/29 mã giảm điểm của VN30 giảm trên 10%, bao gồm VJC (-10,1%), TPB (-10,21%), PLX (-10,3%), MWG (-11,71%), SAB (-12,07%), GAS (-12,13%), MSN (-15,33%), BCM (-15.59%), BVH (-15.61%), GVR (-20,55%). Trong đó, BVH, BCM và GVR là 3 mã giảm sàn liên tiếp 2 phiên cuối tuần.
HOSE: Đà tăng mạnh mẽ của cổ phiếu khoáng sản

Trong tuần thị trường giảm mạnh, thống kê của Mekong ASEAN từ SSI Iboard cho thấy, có 30/534 mã trên sàn HOSE tăng điểm, tương đương tỷ lệ 8,5%.
Dẫn đầu bên tăng điểm là bộ đôi ngành khoáng sản: YBM của CTCP Khoáng sản Công nghiệp Yên Bái và FCM của CTCP Khoáng sản Fecon, tăng lần lượt 35,61% và 15,24%. Trong đó, YBM tăng 4,17% phiên thứ 2 và tăng kịch biên độ 4 phiên sau đó, là một trong những cổ phiếu tích cực hàng đầu thị trường trong tuần qua.
Phần lớn các mã tăng điểm trên sàn HOSE là cổ phiếu vốn hóa nhỏ, như DTT (13,33%) của CTCP Kỹ nghệ Đô Thành, CTC (4,68%) của CTCP Create Capital Việt Nam, MHC (8,81%) của CTCP MHC, CDC (4,68%) của CTCP Chương Dương, SMC (4,62%) của CTCP Đầu tư Thương mại SMC, HAS (4,42%) của CTCP Hacisco, TCR (4,23%) của CTCP Công nghiệp Gốm sứ Taicera.
Trong số các cái tên kể trên, SMC là cổ phiếu giao dịch đều đặn với thanh khoản hàng trăm nghìn cho đến hàng triệu cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên. SMC tăng trần 2 phiên đầu tuần và tăng 5,86% hôm thứ tư, tuy nhiên giảm sàn trong 2 phiên còn lại.

VCF là cổ phiếu đắt giá nhất sàn HOSE. Ảnh: SSI Iboard
Một cổ phiếu tăng tích cực khác trong tuần vừa qua: VCF của CTCP VinaCafe Biên Hòa tăng 5,53% lên 269.200 đồng/CP, là cổ phiếu đắt đỏ nhất sàn HOSE. Tuần trước, VCF cũng có mặt trong top 10 mã tăng mạnh nhất HOSE với mức tăng 12,88%.
VinaCafe Biên Hòa – chủ sở hữu thương hiệu cà phê uống liền VinaCafe, là công ty con của Tập đoàn Masan. Trong năm 2025, công ty lên kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần từ 2.700 – 2.950 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế từ 470 – 516 tỷ đồng. Công ty cũng lên kế hoạch chia cổ tức với tỷ lệ 480%, tương đương 1 cổ phiếu nhận về 48.000 đồng.
Ở chiều ngược lại, trong bối cảnh thị trường giảm điểm trên diện rộng, hàng loạt cổ phiếu giảm mạnh với biên độ trên 15% trong tuần qua.
Dẫn đầu đà giảm điểm là cổ phiếu nhóm cao su, bao gồm DPR (-23,14%) của CTCP Cao su Đồng Phú, GVR (-20,55%) của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam – CTCP, PHR (-19,85%) của CTCP Cao su Phước Hòa, TRC (-18,71%) của CTCP Cao su Tây Ninh.
Bộ đôi cổ phiếu ngành hóa chất là CSV của CTCP Hóa chất Cơ bản miền Nam, DGC của CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang giảm lần lượt 17,93% và 17,88%.
HNX: Bộ đôi khoáng sản BKC - KSV giữ ngôi vương

Hai cổ phiếu ngành khoáng sản là BKC của CTCP Khoáng sản Bắc Kạn và KSV của Tồng Công ty Khoáng sản TKV - CTCP ngược dòng thị trường, với BKC được mua bắt đáy mạnh sau khi đã mất hơn 12% trong tuần trước đó, với 4/5 phiên tăng, bao gồm 3 phiên tăng kịch trần và phiên còn lại tăng 7,19%.
Trong khi đó, cổ phiếu KSV - mã có vốn hóa lớn nhất sàn HNX cũng có diễn biến gần như tương tự, khi có 3 trên 5 phiên giao dịch tăng kịch trần, hai phiên còn lại tăng lần lượt 0,3% và 8,1%.

Sau nhịp điều chỉnh tháng 3/2025, KSV tăng điểm mạnh trong tuần vừa qua. Ảnh: SSI Iboard
Một mã tăng điểm đáng chú ý trong tuần qua của HNX là VFS của Chứng khoán Nhất Việt. Dù gặp nhiều lực cản, VFS tăng kịch trần phiên thứ 6, nâng mức tăng của tuần lên 7,27%, là cổ phiếu chứng khoán tăng mạnh nhất thị trường.
Tại ĐHĐCĐ thường niên tổ chức ngày 20/3/2025, cổ đông VFS đã thông qua là phương án chào bán thêm 120 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/CP, tương đương 100% vốn điều lệ của VFS. Thời gian chào bán trong năm 2025 – 2026, sau khi kết thúc đợt phát hành trả cổ tức năm 2023 và đợt phát hành trả cổ tức năm 2024.
UPCOM: Cổ phiếu khoáng sản tăng mạnh, MBT trở về mặt đất

Trên sàn UPCOM, hai cổ phiếu ngành khoáng sản là MGC (74,49%) của CTCP Địa chất mỏ – TKV và KCB (30,58%) của CTCP Khoáng sản và luyện kim Cao Bằng là hai mã khoáng sản khác cho thấy sức tăng mạnh, đi kèm thanh khoản được cải thiện dù không quá lớn trong các phiên giao dịch.
Ở chiều ngược lại, sau khi dẫn đầu đà tăng với biên độ 97,82% trong tuần trước, cổ phiếu MBT của CTCP Bất động sản cho thuê Minh Bảo Tín quay đầu giảm tới hơn 47% trong tuần này, là cổ phiếu giảm mạnh nhất thị trường chứng khoán