Top 5 nhóm ngành có lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp nhiều nhất
Trong quý 3/2024, số lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp nhiều nhất thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Ngoài ra, còn có nhóm về xây dựng, bán buôn bán lẻ...
Bản tin thị trường lao động quý 3/2024 vừa được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội công bố, cho thấy tình hình thị trường lao động tiếp tục có sự khởi sắc, số lao động nhận bảo hiểm thất nghiệp giảm.
PHẦN LỚN LAO ĐỘNG HƯỞNG TRỢ CẤP THẤT NGHIỆP KHÔNG CÓ BẰNG CẤP, CHỨNG CHỈ
Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong quý 3/2024, cả nước có 1,05 triệu người thất nghiệp trong độ tuổi lao động, giảm 22,2 nghìn người so với quý 2, và giảm 24,3 nghìn người so với cùng ký năm ngoái. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi duy trì ở ngưỡng 2,24%, song tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên vẫn ở mức cao, với 7,75%.
Quý 3, cả nước ghi nhận hơn 243.700 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, giảm mạnh so với quý trước và cùng kỳ năm trước, lần lượt giảm 91,7 nghìn người và 47,8 nghìn người.
Số lao động có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp trong quý 3 là gần 256.200 người; 256.175 lượt người được tư vấn việc làm; gần 48.400 người được giới thiệu việc làm. Số người được hỗ trợ học nghề là gần 6.800 người.
Xét theo trình độ chuyên môn, lao động không có bằng cấp, chứng chỉ vẫn thuộc nhóm có số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp lớn nhất, chiếm 62,4%. Theo sau là nhóm có trình độ đại học trở lên, với 17,1%; nhóm có trình độ cao đẳng chiếm 7,1%. Trong khi đó, nhóm trình độ trung cấp và có chứng nhận, chứng chỉ nghề sơ cấp, tỷ lệ nộp hồ sơ đề nghị hưởng gần tương đương nhau, lần lượt là 6,6% và 6,8%.
Theo nhóm ngành, số lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp nhiều nhất thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm 46% trong tổng số đăng ký; theo sau là hoạt động dịch vụ khác, chiếm 29,8%. Trong nhóm 5 ngành có lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp lớn nhất trong quý 3 còn có nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; xây dựng; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác.
Thợ may, thêu và các thợ có liên quan dẫn đầu trong 5 nhóm nghề có lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp lớn nhất, chiếm 22,6%. Ngoài ra còn có nhóm nghề thợ lắp ráp; nhân viên bán hàng; kế toán; người đưa tin, người giao hàng.
THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG CUỐI NĂM TIẾP TỤC SÔI ĐỘNG
Nhận định thị trường lao động trong quý 4/2024, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội dự báo khoảng 51,68 triệu người có việc làm, tăng thêm 116 nghìn người so với quý trước.
Dự kiến, sản xuất giường, tủ, bàn, ghế; sản xuất các sản phẩm từ cao su và placstic; sản xuất, chế biến thực phẩm là những ngành sẽ tăng thêm nhu cầu tuyển dụng, lần lượt tăng 4,5%; 3,6%; 2,4%. Tuy nhiên, cũng có một số ngành dự kiến giảm việc làm như: Khai thác than cứng và than non; sản xuất thiết bị điện; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.
Tín hiệu tích cực cũng được ghi nhận tại thị trường Hà Nội. Theo số liệu thu thập thông tin việc làm từ Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, dự báo thời điểm cuối năm, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp khoảng 120.000 - 150.000 lao động, tập trung vào các vị trí như nhân viên bán hàng, dịch vụ, công nhân kỹ thuật, thợ, chuyên viên nghiệp vụ, kỹ thuật viên.
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm, nhận định nhu cầu tuyển dụng có xu hướng gia tăng trong mùa cao điểm từ nay đến cuối năm. Bởi đây là giai đoạn nước rút cho các ngành bán lẻ, thương mại điện tử và dịch vụ. Hơn nữa, nhu cầu mua sắm và tiêu dùng cũng tăng cao hơn so với các thời điểm khác trong năm.
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực này cũng đang đẩy mạnh tuyển dụng lao động thời vụ để phục vụ các chương trình khuyến mãi lớn và sự kiện như Giáng sinh, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2025. Cơ hội việc làm sẽ rất đa dạng với các phân khúc khác nhau để người lao động lựa chọn.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động những tháng cuối năm, đại diện Trung tâm cho biết đơn vị này sẽ tăng cường kết nối cung – cầu, giới thiệu việc làm cho người lao động, phối hợp với các địa phương tổ chức điểm, cụm, phiên giao dịch việc làm.
Đồng thời, phối hợp với các cơ sở giáo dục đào tạo để tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng người lao động bán thời gian.
Cùng với đó, chú trọng tăng kết kết nối, giới thiệu việc làm cho nhóm lao động đang hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp để họ sớm tìm được việc làm, ổn định cuộc sống.
Về phía Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, để giải quyết các vấn đề về thiếu việc làm và thất nghiệp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết Bộ tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật lao động việc làm, tập trung đào tạo phát triển kỹ năng cho thanh niên theo hướng linh hoạt, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Đồng thời, triển khai chế độ, chính sách hỗ trợ lao động trẻ, thiếu việc làm, trong đó ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ vay giải quyết việc làm, nâng cao nhận thức, trang bị kỹ năng, kiến thức nghề nghiệp để thích ứng vấn đề này. Đặc biệt, chính sách bảo hiểm thất nghiệp được xem một giải pháp làm "bà đỡ", không để thanh niên thất nghiệp kéo dài.
Giải pháp nữa cũng được tính đến là hài hòa giữa lao động trẻ, lao động trong nước với việc tạo điều kiện để thanh niên và lao động trẻ đi làm việc ở nước ngoài, vừa tạo điều kiện để tăng thu ngoại tệ và tạo việc làm trong tạm thời. Về lâu dài, Bộ sẽ tập trung quản trị thị trường lao động chính quy hơn, chặt chẽ, hiệu quả, gắn với cung - cầu lao động.
Bên cạnh đó, nghiên cứu có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là doanh nghiệp do thanh niên điều hành, thúc đẩy sáng tạo, tạo cơ hội việc làm cho thanh niên.
Ngoài ra là các chính sách khác cho thanh niên khởi nghiệp, hỗ trợ tài chính, đào tạo kỹ năng quản lý; chính sách ưu đãi thuế suất, lãi suất để tạo điều kiện cho thanh niên, nhất là trong đào tạo nghề nghiệp, cũng như đẩy mạnh hướng nghiệp đào tạo.