Tổng thư ký NATO trấn an châu Âu

Các bình luận của Tổng thư ký NATO Mark Rutte được đưa ra vào thời điểm châu Âu đang ngày càng lo ngại về tương lai của liên minh xuyên Đại Tây Dương.

Tổng thư ký NATO Mark Rutte cho biết Mỹ sẽ không đột ngột giảm sự hiện diện quân sự của mình tại châu Âu, nói thêm rằng bất kỳ động thái "xoay trục" nào của Mỹ sang châu Á, nếu có, sẽ được "phối hợp" với các đồng minh châu Âu.

Các bình luận của Tổng thư ký NATO được đưa ra vào thời điểm châu Âu đang ngày càng lo ngại về tương lai của liên minh xuyên Đại Tây Dương, với việc Mỹ đóng vai trò chủ đạo trong nền tảng của an ninh châu Âu trong 76 năm qua.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và chính quyền của ông đã nhiều lần chỉ trích các quốc gia châu Âu vì quá phụ thuộc vào Washington về an ninh và đã thúc giục các thành viên NATO trên "cựu lục địa" đảm nhận trách nhiệm lớn hơn đối với quốc phòng khu vực.

Trước đó, các phương tiện truyền thông Mỹ đưa tin rằng Washington đang cân nhắc việc thu hẹp quy mô sự hiện diện quân sự của mình tại châu Âu.

Tổng thư ký NATO Mark Rutte. Ảnh: Forces News

Tổng thư ký NATO Mark Rutte. Ảnh: Forces News

Ví dụ, tờ Washington Post đưa tin về kế hoạch bắt đầu di chuyển quân đội và vũ khí của Mỹ từ châu Âu đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong khi NBC News viết rằng chính quyền Mỹ có thể giao vai trò Tổng Tư lệnh Tối cao Lực lượng Đồng minh tại châu Âu, chức vụ quân sự hàng đầu của liên minh, cho một người châu Âu.

Tuy nhiên, khi phát biểu với các phóng viên trước cuộc họp của các Bộ trưởng Ngoại giao NATO vào ngày 3/4, ông Rutte đã hạ thấp những lo ngại như vậy, nói rằng Mỹ "sẽ không đột nhiên giảm sự hiện diện của họ ở đây tại châu Âu. Nhưng chúng tôi biết rằng với tư cách là siêu cường quốc, Mỹ phải tham gia nhiều hoạt động hơn".

"Chúng tôi làm mọi thứ trong liên minh theo tinh thần không gây bất ngờ, hợp tác cùng nhau", ông nói. "Nếu người Mỹ muốn xoay trục nhiều hơn sang châu Á, rõ ràng chúng ta sẽ thực hiện theo cách phối hợp".

Bình luận của ông Rutte được Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Marco Rubio ủng hộ, người đã bác bỏ các báo cáo về khả năng cắt giảm quân đội Mỹ tại châu Âu là "cuồng loạn và cường điệu", nhưng nhấn mạnh rằng các quốc gia châu Âu cần tăng chi tiêu quốc phòng, theo Reuters.

"Mỹ đang ở trong NATO… Mỹ đang tích cực trong NATO như trước đây", ông Rubio nói với các phóng viên.

"Ông ấy không phản đối NATO", ông Rubio nói về ông Trump. "Ông ấy chỉ phản đối một NATO không có đủ năng lực cần thiết để thực hiện các nghĩa vụ mà hiệp ước quy định cho từng quốc gia thành viên".

Khi gặp các Bộ trưởng Ngoại giao NATO khác tụ họp tại Brussels vào ngày 3/4, ông Rubio nhắc lại lời kêu gọi của ông Trump rằng các thành viên NATO phải chi 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của họ cho quốc phòng, tăng đáng kể so với mục tiêu 2% hiện tại, mà không quốc gia NATO nào, bao gồm cả Mỹ, hiện đang đạt được.

Phát biểu cùng Tổng thư ký NATO Mark Rutte, ông Rubio cho biết: "Không ai mong đợi các vị có thể làm được điều này trong 1-2 năm, nhưng đó là mục đích phải đạt được".

Theo ước tính của NATO, 23 trong số 32 thành viên của liên minh đã đạt hoặc vượt mục tiêu chi tiêu quốc phòng 2% vào năm ngoái.

Được thúc đẩy bởi cuộc xung đột Nga-Ukraine, nhiều quốc gia EU đã tăng chi tiêu quân sự, trong đó Ba Lan đang dẫn đầu, dành 4,7% GDP cho quốc phòng, mức cao nhất trong số tất cả các thành viên NATO.

Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Władysław Kosiniak-Kamysz cho biết hôm 3/4, sau cuộc họp của các Bộ trưởng Quốc phòng Liên minh châu Âu tại Warsaw, rằng Ba Lan có kế hoạch chi 5% GDP cho quốc phòng vào năm 2026.

Minh Đức (Theo TVP World, Politico EU)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tong-thu-ky-nato-tran-an-chau-au-204250404151641655.htm
Zalo