Tổng thống Ukraine muốn gì từ ông Trump trong cuộc gặp riêng sắp tới?

Sau khi đảm bảo được khoản viện trợ quân sự hơn 8 tỷ USD từ Tổng thống Biden, ông Zelensky cũng có được một cuộc hẹn riêng với ứng viên đại diện đảng Cộng hòa Donald Trump vào ngày 27/9 tới. Có vẻ như nhà lãnh đạo Ukraine đang chuẩn bị cho mọi tình huống sẽ xảy đến khi Nhà Trắng đổi chủ vào tháng 11.

Quan điểm trái ngược của cặp đôi Trump-Harris về vấn đề Ukraine

Ngày 26/9, ông Donald Trump tuyên bố sẽ gặp riêng Tổng thống Ukraine, mặc dù cựu Tổng thống từng nhiều lần chỉ trích ông Zelensky trong chiến dịch tranh cử và bày tỏ nghi ngờ về khả năng đánh bại Nga của Ukraine.

Trên thực tế, từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, ông Zelensky đã tìm cách gặp mặt trực tiếp ông Trump. Hai người đã nói chuyện qua điện thoại vào tháng 7 nhưng chưa từng ngồi đối diện nhau kể từ khi nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump kết thúc vào năm 2021.

Trong cuộc họp báo ngày 26/9, khi được hỏi liệu Ukraine có phải từ bỏ bất kỳ lãnh thổ nào của mình để đạt được thỏa thuận hòa bình với Moscow hay không, ông Trump cũng không loại trừ khả năng này.

"Chúng ta hãy xem điều gì sẽ xảy ra", cựu Tổng thống nói.

Bà Kamala Harris (trái) và ông Donald Trump (phải). Ảnh: CNN

Bà Kamala Harris (trái) và ông Donald Trump (phải). Ảnh: CNN

Trước đó, ông Trump từng đưa ra đề xuất trên với Tổng thống Zelensky nhưng nhà lãnh đạo Ukraine đã thẳng thừng từ chối. Trái ngược với đối thủ Trump, bà Harris đã cam kết ủng hộ Ukraine, đồng thời cho biết “những người muốn Ukraine đổi lãnh thổ lấy hòa bình với Nga” đang ủng hộ "đề xuất đầu hàng".

Bà Harris đã phác thảo tầm nhìn chính sách đối ngoại rộng lớn hơn dựa trên “trật tự, quy tắc và chuẩn mực quốc tế” và bác bỏ những lời kêu gọi Mỹ từ bỏ vai trò toàn cầu của mình.

“Mỹ ủng hộ Ukraine không phải vì lòng từ thiện, mà vì lợi ích chiến lược của chúng tôi”, ứng cử viên đảng Dân chủ cho biết.

Tuyên bố này của Phó Tổng thống được đưa ra trong cuộc gặp ngày 26/9 với ông Zelensky tại Nhà Trắng. Đây là cuộc gặp thứ bảy của bà Harris với Tổng thống Ukraine và là cuộc gặp thứ ba trong năm nay.

Cũng trong cuộc gặp này, Tổng thống Ukraine đã trình bày "kế hoạch chiến thắng" của mình trong cuộc xung đột với Nga. Nội dung chi tiết của bản kế hoạch này hiện vẫn chưa được công bố, song các quan chức Nhà Trắng tiết lộ rằng, kế hoạch này bao gồm một loạt những yêu cầu từ phía Kiev nhằm “chấm dứt giao tranh hiện tại và ngăn chặn một cuộc chiến mới”.

Tờ Kyiv Independent đưa tin, bên cạnh việc thông qua gói viện trợ cho Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ triệu tập một cuộc họp cấp lãnh đạo của Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine vào tháng 10 với “hơn 50 quốc gia phối hợp ủng hộ Ukraine chống lại Nga". Đây là một nhóm quân sự do Mỹ đứng đầu bao gồm hơn 50 quốc gia, trong đó có tất cả 32 thành viên của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), họp tại Căn cứ không quân Ramstein của Mỹ tại Đức.

Đảng Cộng hòa đang quay lưng với ông Zelensky

Đầu tuần này, ông Trump có vẻ đã sẵn sàng từ chối yêu cầu gặp mặt của ông Zelensky. Nhiều đảng viên Cộng hòa trong Quốc hội tỏ ra không hài lòng về chuyến thăm của ông Zelensky tới một nhà máy sản xuất vũ khí ở Scranton, Pennsylvania hồi cuối tuần trước, bởi địa điểm này vốn quê hương của ông Biden.

Ủy ban Giám sát Hạ viện do đảng Cộng hòa lãnh đạo đã mở một cuộc điều tra để xác định liệu chính quyền ông Biden có sử dụng tiền thuế để đưa ông Zelensky đến tiểu bang này nhằm hỗ trợ cho chiến dịch tranh cử của bà Harris hay không.

Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson đã yêu cầu ông Zelensky sa thải “ngay lập tức” Đại sứ Ukraine tại Washington vì đã lên kế hoạch cho chuyến thăm Scranton, đồng thời nhấn mạnh đây là một nỗ lực nhằm củng cố sự ủng hộ dành đảng Dân và “gây ảnh hưởng đến sự lựa chọn của người Mỹ” vào tháng 11.

Đầu tuần này, cựu Tổng thống đã có mặt tại một sự kiện vận động ở bang Pennsylvania. Ông Trump vẫn giữ nguyên quan điểm chỉ trích ông Zelensky trong suốt bài phát biểu, cho rằng Ukraine “muốn bà Harris thắng cử”, dù không tiết lộ lý do chi tiết.

Trước đó, ông Trump đã nhiều lần tuyên bố có thể nhanh chóng đàm phán một thỏa thuận giữa Nga và Ukraine để kết thúc giao tranh, đồng thời đổ lỗi cho chính quyền ông Biden – bà Harris vì đã để cho xung đột xảy ra.

Cho đến nay, đảng Cộng hòa vẫn tỏ ra không mấy mặn mà với việc giúp Ukraine giành chiến thắng. “Bất kỳ thỏa thuận nào, ngay cả thỏa thuận tồi tệ nhất, cũng sẽ tốt hơn những gì chúng ta có hiện tại. Thế nhưng, chúng ta tiếp tục trao hàng tỷ USD cho một nhà lãnh đạo liên tục từ chối thỏa thuận hòa bình, ông Zelensky”, ông Trump phát biểu tại sự kiện tranh cử mới đây tại North Carolina ngày 26/9.

Mục đích của ông Zelensky

Trước khi đến thăm Nhà Trắng, ông Zelensky cũng đã có một cuộc trò chuyện với hàng chục chính trị gia Dân chủ và Cộng hòa tại Điện Capitol.

"Đây là cuộc thảo luận lưỡng đảng và tích cực", Đại diện đảng Cộng hòa Joe Wilson, lãnh đạo nhóm Ukraine tại Hạ viện, chia sẻ với phóng viên về các cuộc thảo luận. Đây có vẻ là một dấu hiệu tốt với ông Zelensky trước khi bắt đầu một cuộc gặp được dự đoán là “khá sóng gió” với ông Trump.

Mới đây, cựu Tổng thống Donald Trump đã tiết lộ một đoạn tin nhắn cá nhân mà ông Zelensky gửi riêng cho ông trên trang cá nhân Truth Social. Theo nội dung tin nhắn, nhà lãnh đạo Ukraine bày tỏ “sự tôn trọng lớn” đối với ông Trump và nhấn mạnh rằng hai người đàn ông "phải cố gắng hiểu nhau và giữ liên lạc lâu dài". Đây có thể xem là một nỗ lực nhằm xoa dịu căng thẳng giữa đảng Cộng hòa và chính quyền ông Zelensky trong thời gian gần đây.

Tổng thống Ukraine Zelensky. Ảnh: Reuters

Tổng thống Ukraine Zelensky. Ảnh: Reuters

Khi cuộc đua vào Nhà Trắng đang tiến gần tới thời điểm quyết định, Ukraine không thể quay lưng với bất kỳ ứng viên nào. Kể từ mùa hè năm nay, Kiev đã nỗ lực xây dựng cầu nối với chiến dịch tranh cử của ông Trump, tổ chức nhiều cuộc họp với các đảng viên Cộng hòa cấp cao và các cựu quan chức chính quyền của cựu Tổng thống.

Một trong số những đối tượng này là ông Mike Pompeo, cựu Giám đốc CIA và cựu Ngoại trưởng, người đã bày tỏ sự quan tâm đến việc tham gia vào chính quyền ông Trump trong tương lai. Trong những tháng gần đây, ông Pompeo đã nhiều lần gặp gỡ các quan chức cấp cao của Ukraine, cung cấp thông tin về lập trường đang thay đổi của ông Trump đối với cuộc chiến ở Ukraine. Giữa tháng 9, trong cuộc gặp với ông Zelensky tại Kiev, ông Pompeo đã đưa ra một số lời khuyên thiết thực về cách thúc đẩy chiến lược ngoại giao của Ukraine: tập trung vào các lợi ích của Mỹ.

Trong nỗ lực truyền tải thông điệp đó đến ông Trump và những người ủng hộ ông, một số đồng minh Cộng hòa của Zelensky đã chỉ ra sự giàu có về tài nguyên mà Ukraine có thể cung cấp cho Mỹ. Thượng nghị sĩ Lindsey Graham mới đây đã nhấn mạnh vào quan điểm này: “Họ đang nắm giữ một nghìn tỷ USD khoáng sản có thể có lợi cho nền kinh tế của chúng ta. Vì vậy, tôi muốn tiếp tục giúp đỡ những người bạn của chúng ta ở Ukraine".

Tuy nhiên, nhà báo Simon Shuster của The Times nhận định, cho đến nay, ông Zelensky không sử dụng những lời kêu gọi viện trợ có liên hệ trực tiếp tới lợi ích kinh tế của Mỹ, thay vào đó nghiêng về quan điểm cho rằng “Ukraine không chỉ đang tự vệ mà còn ngăn cản khả năng xung đột lan rộng hơn nữa”. Ông Zelensky hy vọng sẽ trực tiếp trình bày luận điểm này với ông Trump tại khu nghỉ dưỡng của cựu Tổng thống ở Mar-a-Lago, theo nguồn tin từ hai quan chức thân cận với ông Zelensky.

Hiện Tổng thống Zelensky và các quan chức Kiev vẫn hi vọng những tuyên bố mới nhất của ông Trump về cuộc xung đột Nga-Ukraine vẫn chưa phải là quan điểm “chốt hạ” và bản chất khó đoán có thể khiến cựu Tổng thống một lần nữa thay đổi lập trường theo hướng có lợi cho Ukraine.

Diệp Thảo/VOV.VN (biên dịch) Theo ABC News, Reuters, The Times

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/tong-thong-ukraine-muon-gi-tu-ong-trump-trong-cuoc-gap-rieng-sap-toi-post1124529.vov
Zalo