Tổng thống Trump tuyên bố sắp có thỏa thuận thương mại, nhưng đến bao giờ?
Theo CNN, Tổng thống Donald Trump, người được mệnh danh là chuyên gia đàm phán thương mại, đã tuyên bố suốt nhiều tuần qua rằng ít nhất một thỏa thuận thương mại sắp được công bố giữa Mỹ với một trong số hàng chục quốc gia đang đàm phán tích cực nhằm tránh các mức thuế trừng phạt.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng, Washington D.C.; cảng hàng hóa Long Beach ở California; sản xuất nhôm, thép tại Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN.
Trên chuyên cơ Không lực Một hôm 4/5, Tổng thống Trump nhấn mạnh rằng “rất có thể” các thỏa thuận thương mại sẽ được công bố trong tuần này. Ông cũng đã từng nói như vậy vào tuần trước và cả tuần trước nữa.
Ông Trump cũng tuyên bố rằng nhiều quốc gia kể cả đồng minh lẫn đối thủ đều đã “lừa đảo” nước Mỹ trong nhiều năm qua, và chỉ khi ông đạt được các điều khoản có lợi cho người dân Mỹ thì các thỏa thuận thương mại mới được ký kết. Theo ông Trump, quả bóng đang ở bên sân ông, không phải của các quốc gia khác.
“Chúng tôi đang đàm phán với nhiều quốc gia, nhưng cuối cùng tôi sẽ tự thiết lập các thỏa thuận của mình vì tôi là người định đoạt, họ không quyết định được, tôi mới là người quyết định”, ông nói với các phóng viên hôm 4/5.
“Đây không giống như một thỏa thuận lớn sẽ được ký kết. Trong một số trường hợp, chúng tôi sẽ ký, nhưng chúng tôi cũng không nhất thiết phải ký. Tôi sẽ đặt ra thỏa thuận, tôi sẽ đặt ra mức thuế quan”, ông nhấn mạnh thêm.
Triển vọng có thể đạt được một thỏa thuận - trong đó Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc được cho là những quốc gia có khả năng ký thỏa thuận với Mỹ sớm nhất - đã giúp khôi phục niềm tin trên thị trường tài chính Mỹ và thắp lên hy vọng rằng thế giới có thể tránh được kịch bản tồi tệ nhất bởi một cuộc chiến thương mại toàn cầu.
Tuy nhiên, khi thời gian trôi qua mà vẫn chưa có bất kỳ một thỏa thuận nào được đưa ra, chính quyền Tổng thống Trump đang có nguy cơ gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế, thậm chí có thể kéo theo suy thoái ở cả Mỹ lẫn mức độ toàn cầu. Cuộc chiến thuế quan của Mỹ đã khiến nền kinh tế nước này đang có những dấu hiệu chững lại. Báo cáo tuần trước về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho thấy nền kinh tế Mỹ đã có sự suy giảm đầu tiên kể từ đầu năm 2022, khi mà các doanh nghiệp đang cố gắng tích trữ hàng hóa nhằm tránh bị áp các mức thuế quan mới. Tuy nhiên, đó mới chỉ là quý đầu tiên, trước khi đòn thuế quan đối ứng của ông Trump được tung ra.
Tiến độ khá chậm trong việc đạt được bất kỳ thỏa thuận thương mại nào cũng đang mang đến sự thất vọng đối với hạ nhiệt căng thẳng với Trung Quốc. Với mức thuế ít nhất 145% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và mức thuế trả đũa 125% của Bắc Kinh với hàng hóa Mỹ, hoạt động thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới gần như đang rơi vào trạng thái tê liệt.
Các nhà phân tích nhận định rằng tình cảnh của nước Mỹ dường như chỉ còn cách vài ngày nữa là sẽ rơi vào tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng như thời kỳ đại dịch, dẫn đến giá cả leo thang và các kệ hàng trống rỗng.
Vẫn chưa xuất hiện bất kỳ một thỏa thuận rõ ràng nào
Tổng thống Trump từng nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ Time hồi tháng trước rằng ông đã thực hiện 200 thỏa thuận thương mại, sau đó lại nói rằng các thỏa thuận “sắp hoàn tất”. Các quan chức chính quyền Mỹ cũng khẳng định họ đang trong giai đoạn đàm phán thương mại nâng cao với hơn một tá các quốc gia.
Tuy nhiên, bất chấp lời lẽ hoa mỹ của chính quyền rằng họ đang trong quá trình đàm phán thương mại nâng cao với hơn một chục quốc gia, các thỏa thuận thương mại thực tế sẽ phải mất rất nhiều thời gian - thường là nhiều năm - để hoàn thiện. Những thỏa thuận này thường rất phức tạp, liên quan đến nhiều vấn đề rất chi tiết liên quan đến từng loại hàng hóa và các rào cản phi thuế quan. Các thỏa thuận cũng thường gắn liền với các yếu tố liên quan đến chính trị, vì mỗi quốc gia đều cố gắng bảo vệ các nhóm cử tri có lợi ích đặc thù.
Thay vào đó, bất kỳ “thỏa thuận” nào mà chính quyền Tổng thống Trump có thể đạt được – nếu có – nhiều khả năng sẽ chỉ là bản ghi nhớ (MOU). Điều đó có thể dẫn đến mức thuế thấp hơn đối với hàng hóa của một quốc gia cụ thể trong ngắn hạn, nhưng có lẽ sẽ khó mang lại nhiều lợi ích kinh tế đáng kể trong một thời gian dài.
Nguyên nhân của sự gấp gáp này là do Tổng thống Trump đã tự đặt ra một mốc thời hạn rất ngắn. Các mức thuế đối ứng có hiệu lực từ ngày 7/4 áp dụng với hàng chục quốc gia và được tạm hoãn trong 90 ngày kể từ ngày 9/4. Điều đó có nghĩa là đồng hồ sẽ điểm vào ngày 8/7 – khi các mức thuế quan cao ngất ngưởng lên tới 50% sẽ được tái áp dụng.
“Việc tạm hoãn thuế trong 90 ngày – hiện đã trôi qua khoảng 25% – không đủ thời gian để tiến hành các cuộc đàm phán qua lại vốn thường kéo dài hàng tháng, nếu không muốn nói là hàng năm”, ông Jacob Jensen, chuyên gia phân tích chính sách thương mại tại Viện Chính sách Hành động Mỹ, nhận định.
“Có sự khác biệt lớn giữa một thỏa thuận thương mại chính thức bằng văn bản và những cam kết miệng về việc mua thêm hàng hóa của Mỹ. Bởi vì, một bên có giá trị kinh tế lâu dài, còn bên còn lại có thể bị lờ đi bất cứ lúc nào”, ông cho biết thêm.
Tổng thống Trump từng tuyên bố ông sẽ không gia hạn việc hoãn thuế quan, thậm chí còn có thể sớm áp dụng một số mức thuế với các đối tác mà Mỹ không đạt được thỏa thuận, có thể trong vòng vài tuần tới.
“Đại diện Thương mại Mỹ khó có thể đàm phán tới 100 thỏa thuận thương mại riêng rẽ trong vòng 90 ngày, điều này buộc Tổng thống Trump phải sớm quyết định xem có nên tái áp thuế hay tiếp tục trì hoãn”, ông Jensen nói.
Và ngay cả khi các thỏa thuận được ký với tất cả các quốc gia, cũng không có gì đảm bảo Tổng thống Trump sẽ thực thi đúng những cam kết. Trước đó, trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump từng đóng vai trò chủ chốt trong việc đàm phán Hiệp định thương mại tự do USMCA với Canada và Mexico, nhưng sau đó chính ông lại từ bỏ điều này trong nhiệm kỳ thứ hai với việc áp mức thuế 25% lên một số mặt hàng từ hai nước láng giềng. Bằng cách áp dụng mức thuế quan đáng kể đối với hầu như tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, ông Trump cũng đã phá vỡ một số thỏa thuận thương mại hiện có với các đồng minh của mình.
Trung Quốc vẫn là mục tiêu chính của Tổng thống Trump
Bất kể Mỹ có đạt được bao nhiêu thỏa thuận với các đối tác thương mại đi nữa thì quốc gia quan trọng nhất mà nước này hướng tới vẫn là Trung Quốc. Và với tình hình hiện nay thì điều này dường như vẫn đang hoàn toàn bế tắc.
Theo phát biểu của chính ông Trump, mức thuế kỷ lục áp lên hàng hóa Trung Quốc đã khiến mọi hoạt động thương mại giữa hai nước ngưng trệ. Theo số liệu từ công ty giao nhận Flexport, số lượng tàu chở hàng từ Trung Quốc đến Mỹ đã giảm 60% trong tháng 4. JPMorgan ước tính lượng hàng nhập khẩu có nguồn gốc từ Trung Quốc vào Mỹ có thể giảm tới 80% trong nửa cuối năm nay.
Người tiêu dùng Mỹ được cho là nên chuẩn bị tinh thần cho các gián đoạn thương mại tương tự như giai đoạn đại dịch Covid-19, khi mà hàng hóa tích trữ trước thời điểm áp thuế bắt đầu cạn kiệt trong tuần tới – một vấn đề kéo theo giá cả tăng, thiếu hàng và kệ trống.
Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent nhiều lần thừa nhận mức thuế cao đối với Trung Quốc là “không bền vững”. Mới đây, ông Trump cũng nói rằng ông kỳ vọng các mức thuế sẽ được hạ để duy trì thương mại với Trung Quốc. Theo các chuyên gia phân tích, để nối lại hoạt động thương mại thực sự, mức thuế quan này phải giảm đáng kể và tối thiểu là một nửa. Nhưng ngay cả khi điều đó xảy ra, thiệt hại kinh tế của Mỹ cũng đã hiện hữu và nước Mỹ cần phải mất vài tuần hoặc vài tháng để hàng hóa được bổ sung trở lại trên các kệ hàng.
Bất chấp những cảnh báo ngày càng nghiêm trọng và tình hình kinh tế bất ổn, hai nước dường như vẫn chưa tiến gần đến một thỏa thuận. Trung Quốc đã nhiều lần phủ nhận tuyên bố của ông Trump rằng họ đang đàm phán. Bộ trưởng Tài chính Bessent cho biết có thể mất hai đến ba năm để bình thường hóa thương mại với Trung Quốc.
Tuy nhiên gần đây, một số dầu hiệu về việc khôi phục quan hệ thương mại giữa hai nước đã bắt đầu xuất hiện. Vào tuần trước, Trung Quốc cho biết đang “đánh giá” các đề xuất từ phía Mỹ để bắt đầu đàm phán thương mại - một sự thay đổi nhẹ về giọng điệu có thể mở ra cánh cửa cho đàm phán. Vào cuối tuần trước, Tổng thống Trump cũng nhấn mạnh thuế quan đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào Mỹ cuối cùng sẽ được hạ xuống.
“Đến một lúc nào đó, tôi sẽ hạ thuế vì nếu không, bạn sẽ không bao giờ có thể kinh doanh với họ. Họ rất muốn kinh doanh… nền kinh tế của họ đang sụp đổ”, ông Trump phát biểu trong một cuộc phỏng vấn tại chương trình “Meet the Press with Kristen Welker” của NBC.