Tổng thống Pháp trì hoãn kế hoạch cải cách hưu trí và những tác động
Sau rất nhiều tranh cãi và làn sóng phản đối mạnh mẽ của các nghiệp đoàn, mới nhất, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, chính phủ nước này sẽ hoãn việc trình bày các kế hoạch cải cách hưu trí - vốn sẽ đến hạn vào ngày 15/12.
Dự kiến, kế hoạch sẽ được công bố cụ thể vào tháng 1/2023, sau khi tiến hành thêm các cuộc tham vấn và thương lượng nhằm tìm ra giải pháp khả thi cho kế hoạch tham vọng cải cách hệ thống hưu trí tốn kém và phức tạp của Pháp. Đây là một cam kết bầu cử quan trọng của ông Macron khi lên nắm quyền năm 2017. Tuy nhiên, mục tiêu này của Tổng thống Macron vẫn đang vấp phải rất nhiều khó khăn và thách thức trong nhiệm kỳ 2.
Lý do trì hoãn việc công bố chi tiết kế hoạch cải cách hưu trí
Trong thông báo về việc hoãn công bố chi tiết kế hoạch cải cách hưu trí của mình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có đề cập đến một số lý do chính. Lý do đầu tiên, theo ông Macron, đó là trong thời gian từ ngày 01/12 đến 08/12, có rất nhiều cuộc bầu cử nghề nghiệp được tiến hành trong lĩnh vực hành chính công, khiến các tổ chức công đoàn phải tập trung vận động cho các cuộc bầu cử này, qua đó, chưa có đủ thời gian cần thiết để thảo luận, đàm phán các chi tiết cuối cùng của kế hoạch cải cách hưu trí với chính phủ Pháp.
Nguyên nhân thứ hai, được ông Macron cũng như nhiều đồng minh chính trị của Tổng thống Emmanuel Macron nhắc đến, đó là việc một số đảng phái chính trị lớn tại Pháp vừa có sự thay đổi lãnh đạo, như việc ông Eric Ciotti được bầu làm Chủ tịch mới của đảng cánh hữu “Những người Cộng hòa” (LR) hôm 11/12, hay bà Marine Tondelier được bầu làm Thư ký toàn quốc của đảng Sinh thái (EELV).
Do đó, Tổng thống Pháp có thể muốn có thêm thời gian để thảo luận với lãnh đạo mới của các đảng phái này nhằm tìm kiếm thêm sự ủng hộ trong một số chủ đề quan trọng của kế hoạch cải cách hưu trí.
Một nguyên nhân thứ ba, đến từ phát biểu của nữ Thủ tướng Pháp, Elisabeth Borne, đó là việc một số đối tác xã hội của chính phủ Pháp, tức là các công đoàn lao động hay nghiệp đoàn giới chủ, muốn có thêm một số thảo luận sâu hơn về một số chủ đề thiết yếu như hệ sự cân bằng của hệ thống hưu trí hay cách thức tính toán độ tuổi về hưu…
Tổng thể thì đây là 3 lý do mà phía chính quyền của ông Macron đưa ra nhằm giải thích cho việc trì hoãn công bố chi tiết kế hoạch cải cách hưu trí dự tính vào ngày 15/12/2022 và lùi việc công bố này đến ngày 10/01/2023.
Tuy nhiên, các giải thích này từ phía Tổng thống Macron không thuyết phục được các phe phái đối lập cũng như giới phân tích. Lãnh đạo nhiều đảng đối lập cho rằng nguyên nhân chính khiến ông Macron lùi thời hạn công bố kế hoạch cải cách hưu trí là do lo ngại sự bất mãn của dân chúng Pháp sẽ gia tăng trong kỳ nghỉ quan trọng nhất trong năm là Giáng sinh và Năm mới, sẽ bắt đầu vào cuối tuần này.
Kế hoạch cải cách hưu trí vốn đã gây ra rất nhiều tranh cãi và phản đối trong xã hội Pháp từ vài năm nay nên nếu được công bố vào thời điểm này, các công đoàn có thể sẽ tổ chức đình công quy mô lớn trong những ngày tới, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc di chuyển của người dân Pháp trong dịp nghỉ lễ quan trọng nhất năm, qua đó sẽ càng khiến sự ủng hộ của dân chúng với kế hoạch cải cách hưu trí sụt giảm.
Một số giả thuyết khác cũng được nhắc đến, đó là việc giữa Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Elisabeth Borne có bất đồng hay việc ông Macron muốn tìm kiếm một sự thỏa hiệp với Chủ tịch mới của đảng “Những người Cộng hòa” là ông Eric Ciotti để qua đó giúp kế hoạch cải cách hưu trí được thông qua một cách thuận lợi hơn tại Quốc hội Pháp thay vì việc phải tìm cách đi đường vòng qua Thượng viện.
Dự báo những điều chỉnh của ông Macron
Cải cách hưu trí là một trong những kế hoạch tranh cử quan trọng nhất được ông Macron đưa ra khi ra tranh cử Tổng thống Pháp vào năm 2017. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau khi lên nắm quyền, ông Emmanuel Macron đã phải đối mặt với các cuộc bạo động xã hội nghiêm trọng nhất tại Pháp trong nhiều thập kỷ qua do phong trào “Áo vàng” gây ra vào cuối năm 2018.
Sự xuất hiện của phong trào “Áo vàng” là một thể hiện đỉnh điểm của những bất mãn xã hội bị tích tụ trong nhiều năm tại Pháp. Do đó, khi phong trào “Áo Vàng” tạm lắng, ông Macron cũng không thể mạo hiểm tiến hành cải cách hưu trí, vốn luôn là một chủ đề gây ra rất nhiều tranh cãi và chia rẽ trong xã hội Pháp. Đến đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 ập đến, kéo dài hết năm 2021, và đến đầu năm 2022 là xung đột Nga-Ukraine, đẩy nước Pháp và châu Âu vào một cuộc khủng hoảng lớn về địa chính trị, về năng lượng.
Do đó, có thể nói là trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Macron chưa khi nào thực sự có một thời điểm thích hợp để thúc đẩy cải cách hưu trí bằng mọi giá. Việc ông Macron quyết tâm khởi động lại kế hoạch này cách đây vài tháng, sau khi tái cử, cũng được xem là một bất ngờ, dù sau đó giới phân tích cũng lý giải rằng ông Emmanuel Macron quyết tâm thực hiện kế hoạch này trong nhiệm kỳ cuối bất chấp việc sẽ bị dân chúng Pháp phản đối, vì cải cách hưu trí có thể sẽ được xem như là một di sản chính trị lớn nhất với ông Macron.
Tổng thống Pháp cũng đã có một số động thái mềm mỏng hơn khi khởi động lại kế hoạch cải cách hưu trí, thể hiện rõ nhất ở việc lắng nghe nhiều hơn từ các đồng minh chính trị, từ các công đoàn, nghiệp đoàn giới chủ và thậm chí từ cả các đảng đối lập. Ví dụ điển hình là hồi tháng 09/2022, ông Macron đã chấp nhận đề nghị từ ông Francois Bayrou, đồng minh chính trị và là lãnh đạo đảng trung hữu “Phong trào Dân chủ” MoDem về việc kéo dài thời gian đàm phán, thảo luận với các đối tác xã hội, các đảng phái về kế hoạch cải cách hưu trí thêm 2 tháng, đến tháng 11/2022 nhằm có các thỏa hiệp đầy đủ hơn.
Tuy nhiên, về tổng thể, theo nhận định của giới quan sát hay chỉ trích từ các đối tác xã hội thì Tổng thống Emmanuel Macron vẫn giữ quan điểm rất cứng rắn trong nhiều chủ đề của cải cách hưu trí, đặc biệt là việc quy định độ tuổi về hưu là 65 tuổi.
Hiện nay, do chi tiết của kế hoạch cải cách hưu trí chưa được công bố nên không thể biết liệu chính quyền của ông Macron có chấp nhận nhiều nhượng bộ hơn trước hay không nhưng qua việc ông Macron bất ngờ hoãn việc công bố kế hoạch cải cách hưu trí đến sau kỳ nghỉ cuối năm thì có thể thấy, Tổng thống Pháp đã có ý thức và lo ngại nhiều hơn đến thái độ của dân chúng cũng như các đảng phái đối lập, tương đối khác so với nhiệm kỳ đầu tiên. Tất nhiên điều này cũng xuất phát từ một thực tế, đó là sau kỳ bầu cử Quốc hội tháng 06/2022, liên đảng của ông Macron đã không còn giữ được đa số tại Quốc hội Pháp nên sẽ bắt buộc phải chấp nhận nhiều thỏa hiệp hơn trước để có thể điều hành chính phủ một cách suôn xẻ.
Khó khăn đối với nước Pháp
Hệ thống hưu trí hiện nay của Pháp cực kỳ phức tạp. Nói chính xác hơn thì đây là một tập hợp của hơn 40 chế độ hưu trí khác nhau, chứ không phải là một hệ thống phổ quát. Về cơ bản thì có 3 chế độ lớn, gồm: chế độ hưu trí chung và quỹ tương trợ tuổi già do nhà nước quản lý; chế độ hưu trí cơ bản của các lao động làm việc trong lĩnh vực tư; và chế độ hưu trí bổ sung, tức các quỹ hưu trí đặc thù cho một số lao động các ngành nghề (như Agirc-Arrco dành cho công chức). Rất nhiều ngành nghề của Pháp có chế độ hưu trí riêng biệt, với rất nhiều ưu ái, đặc quyền, như các lao động làm việc trong ngành đường sắt…
Tham vọng ban đầu của Tổng thống Macron là thống nhất tất cả các chế độ hưu trí này vào trong một hệ thống phổ quát, qua đó xóa bỏ được rất nhiều quỹ hưu trí vốn trong tình trạng thâm hụt triền miên suốt nhiều năm qua. Một ví dụ là Quỹ hưu trí quốc gia dành cho công chức các chính quyền địa phương (CNRACL), một quỹ lớn tại Pháp hiện thâm hụt 1,2 tỷ euro vào năm 2021 và sẽ thâm hụt 3,5 tỷ euro vào năm 2025. Con số chính xác của rất nhiều quỹ hưu trí khác rất khó nắm bắt nên vì thế, các tính toán đưa ra không phải lúc nào cũng chính xác.
Con số thâm hụt 17 tỷ đưa ra trong năm 2021 đã có sự khác biệt lớn so với hiện tại bởi kết thúc năm 2021, nhờ đà phục hồi kinh tế sau Covid-19, có một số quỹ hưu trí đã cắt giảm được đà thâm hụt. Tuy nhiên, triển vọng kinh tế năm 2022 cũng như các năm tiếp theo tương đối bi quan do tác động của nhiều cuộc khủng hoảng lớn nên đà thâm hụt của các quỹ hưu trí tại Pháp có thể sẽ gia tăng trở lại.
Về cơ bản, theo các báo cáo của Hội đồng định hướng hưu trí Pháp (COR) thì nhu cầu bù đắp thâm hụt tài chính cho các quỹ hưu trí tại Pháp sẽ còn kéo dài đến tận những năm 2040. Đó chính là lí do mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kiên quyết thực thi cải cách hưu trí, với trọng tâm là tăng tuổi về hưu, tức bắt người dân Pháp phải làm việc lâu hơn, đóng góp nhiều hơn, bởi theo ông Macron đó là cách duy nhất để tránh cho hệ thống hưu trí Pháp sụp đổ./.