Tổng thống Pháp Macron tiếp tục tham vấn các đảng để phá thế bế tắc chính trị

Trọng tâm chính trong các cuộc tiếp xúc giữa ông Macron với lãnh đạo các chính đảng tại Pháp là tìm ra giải pháp thoát khỏi thế bế tắc chính trị hiện nay.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp tục gặp gỡ lãnh đạo các chính đảng tại Pháp nhằm tìm giải pháp phá vỡ thế bế tắc chính trị trên chính trường Pháp sau khi liên đảng ủng hộ ông Macron không giành được đa số tuyệt đối trong cuộc bầu cử Quốc hội Pháp hôm 19/06, khiến nước Pháp đứng trước nguy cơ tê liệt chính trị.

Ông Macron gặp bà Marine Le Pen trong ngay 21/06. Anh: Reuters

Ông Macron gặp bà Marine Le Pen trong ngay 21/06. Anh: Reuters

Trong ngày 21/06, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lần lượt tiếp Chủ tịch các đảng thuộc phe đối lập như đảng “Những người Cộng hòa” (LR), đảng Xã hội (PS), đảng Cộng sản (PCF) và đảng “Tập hợp quốc gia”, cũng như có cuộc làm việc với lãnh đạo đảng đồng minh “Phong trào Dân chủ” - MoDem. Dự kiến, trong ngày 22/06, Tổng thống Pháp sẽ có các cuộc tham vấn tiếp theo với lãnh đạo các đảng phái khác như đảng “Nước Pháp bất khuất” ( LFI) hay đảng Sinh thái (EELV).

Trọng tâm chính trong các cuộc tiếp xúc giữa ông Macron với lãnh đạo các chính đảng tại Pháp là tìm ra giải pháp thoát khỏi thế bế tắc chính trị hiện nay trên chính trường Pháp sau khi liên đảng ủng hộ ông Macron thất bại trong việc giành đa số tuyệt đối tại Quốc hội, khiến nước Pháp đối mặt với nguy cơ tê liệt chính trị vì các quyết sách cải cách lớn của chính phủ Pháp có thể bị cản trở bởi các đảng đối lập tại Quốc hội.

Tuy nhiên, đã không có bất cứ cam kết hay thỏa thuận nào được đưa ra sau các cuộc gặp của ông Macron với lãnh đạo các đảng. Phát biểu trên truyền thông Pháp, Chủ tịch đảng “Những người Cộng hòa” (LR), ông Christian Jacob khẳng định đảng của ông kiên định đứng về phía đối lập với ông Macron và chính phủ Pháp, dù sẽ không tìm cách làm tê liệt hệ thống chính trị.

Bí thư thứ nhất đảng “Xã hội” (PS), ông Olivier Faure thì thừa nhận vào thời điểm hiện nay ông không nhận thấy Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có một hướng đi khả quan nào. Trong khi đó, đối thủ chính trị lớn nhất của ông Macron là bà Marine Le Pen, Chủ tịch đảng “Tập hợp quốc gia” thì cho biết, ông Macron đã tỏ ra lắng nghe trong cuộc làm việc nhưng không chắc Tổng thống Pháp có chấp nhận thay đổi hay không.

Một kịch bản đang được đề cập đến là việc thành lập chính phủ đoàn kết quốc gia, tức bao gồm các thành viên đến từ nhiều đảng phái khác nhau. Bí thư toàn quốc đảng Cộng sản Pháp (PCF), ông Fabien Roussel tối ngày 21/06 cho biết, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đề cập đến khả năng này trong cuộc làm việc. Tuy nhiên, lãnh đạo một số đảng phái khác đã ngay lập tức phủ nhận khả năng này, đồng thời cho rằng đây là chiến thuật của ông Macron nhằm đổ lỗi cho một số đảng đối lập về việc đưa nước Pháp vào thế bế tắc chính trị.

Một số thành viên chủ chốt trong liên minh ủng hộ ông Macron cũng không tán thành ý tưởng này. Chủ tịch đảng “Phong trào Dân chủ” (MoDem), ông Francois Bayrou, một đồng minh chính trị lâu năm của ông Macron sáng ngày 22/06 nhận định sẽ không có chính phủ đoàn kết quốc gia và nước Pháp hiện đang trong tình huống “không thể điều hành”. Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp, ông Clément Beaune cũng đánh giá, ít có khả năng nước Pháp lập được một chính phủ đoàn kết quốc gia.

“Một sự tập hợp, một sự đồng thuận về mặt chính trị, tức là các đảng phái có quan điểm khác nhau nhưng có thể làm việc trên một nền tảng chung, điều này thì tôi tin. Và tôi nghĩ rằng trong Quốc hội Pháp chúng tôi có thể làm việc với một số nghị sĩ mang tính xây dựng ở cánh tả hay cánh hữu. Nhưng một chính phủ đoàn kết quốc gia, nơi tất cả mọi người cùng làm việc mà không có khác biệt về chính trị tại Quốc hội thì thành thật mà nói, tôi rất ít tin tưởng”, ông Clément Beaune nói.

Trong lúc này, bên cạnh các nỗ lực tham vấn với các đảng phái để tìm lối thoát cho khủng hoảng, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng phải xử lý nhiều vấn đề hóc búa khác. Trong ngày 21/06, nữ Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne đã đệ đơn từ chức lên ông Macron nhưng bị bác bỏ vì ông Macron cho rằng chính phủ Pháp cần tiếp tục hoạt động trong thời điểm này. Theo giới quan sát, ông Macron cần bà Elisabeth Borne tại vị để có thêm thời gian tìm kiếm các giải pháp khác, mặc dù sức ép từ chức với bà Borne là rất lớn, từ cả phía các đảng đối lập lẫn trong nội bộ đảng của ông Macron.

Ngoài vấn đề này, liên đảng của ông Macron cũng đang phải đấu tranh cho chức Chủ tịch Quốc hội Pháp, hiện đang bỏ trống sau khi Chủ tịch Quốc hội khóa trước là ông Richard Ferrand, đồng minh chính trị thân cận của ông Macron, thất bại trong cuộc bầu cử vừa qua. Thời gian cũng là một sức ép khác với Tổng thống Pháp bởi từ ngày mai, 23/06, ông Emmanuel Macron sẽ vắng mặt ít nhất 1 tuần do phải tham dự liên tiếp các hội nghị quốc tế quan trọng là Thượng đỉnh EU tại Brussels, Thượng đỉnh G7 tại Đức và Thượng đỉnh NATO tại Madrid, Tây Ban Nha./.

Quang Dũng/VOV-Paris

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/tong-thong-phap-macron-tiep-tuc-tham-van-cac-dang-de-pha-the-be-tac-chinh-tri-post951991.vov
Zalo