Tổng thống Nga Putin sốc trước phát biểu của bà Angela Merkel
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông cảm thấy 'thất vọng' trước những bình luận gần đây của cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel liên quan đến các thỏa thuận Minsk - lộ trình hòa bình hiện không còn tồn tại ở Ukraine.
“Có thể nói gì về điều này?”, ông Putin cho biết trong cuộc họp báo hôm 9/12, nói thêm rằng ông bị sốc khi nghe lời thú nhận này từ cựu lãnh đạo Đức vì vốn tin rằng các đối tác của Nga ở Berlin “đối xử với chúng tôi bằng sự chân thành”.
Theo nhà lãnh đạo Nga, phát biểu của bà Merkel một lần nữa chứng minh rằng việc tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine là quyết định đúng đắn.
“Hóa ra, không ai có ý định thực hiện bất kỳ phần nào của thỏa thuận Minsk”, ông Putin nói, nhắc lại rằng cựu Tổng thống Ukraine Pyotr Poroshenko gần đây cũng thừa nhận ông không có ý định tuân thủ các thỏa thuận khi ông ký chúng vào năm 2014 và 2015.
“Tôi đã nghĩ rằng những nước khác tham gia thỏa thuận này ít nhất cũng trung thực, nhưng không, hóa ra họ cũng đang nói dối chúng tôi, chỉ muốn bơm vũ khí cho Ukraine và chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc xung đột quân sự. Thành thật mà nói, có vẻ như chúng ta đã nhận ra quá muộn. Có lẽ chúng tôi nên bắt đầu chiến dịch quân sự sớm hơn, nhưng chúng tôi đã hy vọng rằng có thể giải quyết nó trong khuôn khổ các thỏa thuận Minsk.”
Tổng thống Vladimir Putin cho biết lời thừa nhận của bà Merkel đặt ra một câu hỏi quan trọng về lòng tin. “Lòng tin đã gần như bằng 0, nhưng sau những tuyên bố như vậy, làm sao chúng ta có thể thương lượng? Chúng tôi có thể thực hiện thỏa thuận với mọi người không? Và đâu là sự đảm bảo?”, ông Putin hỏi, đồng thời thừa nhận rằng cuối cùng sẽ phải đạt được một số thỏa thuận.
Bình luận của ông Putin được đưa ra sau cuộc phỏng vấn của cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel với tờ Die Zeit hôm thứ Tư, trong đó bà cho biết mục đích thực sự của các thỏa thuận Minsk 2014-2015 là trì hoãn thời gian và cho phép Kiev xây dựng tiềm lực quân sự cho một cuộc đối đầu trong tương lai với Nga.
Thỏa thuận Minsk - do Đức và Pháp làm trung gian - được ký kết lần đầu tiên vào năm 2014 sau khi Tổng thống Ukraine khi đó là Viktor Yanukovich bị lật đổ. Ukraine lúc này rơi vào cuộc xung đột giữa chính phủ hậu đảo chính ở Kiev với các vùng Donetsk và Lugansk. Hai khu vực Donbass sau đó tuyên bố độc lập khỏi Ukraine.
Thỏa thuận Minsk được xây dựng để trao cho các vùng Donetsk và Lugansk cơ chế đặc biệt trong nhà nước Ukraine. Tuy nhiên, việc triển khai thỏa thuận đã bị đình trệ – điều mà Mátxcơva liên tục đổ lỗi cho Kiev.
Vào tháng 2, Điện Kremlin công nhận các nước cộng hòa tự xưng Donbass là các quốc gia độc lập và yêu cầu Ukraine chính thức tuyên bố là một quốc gia trung lập, sẽ không bao giờ tham gia bất kỳ khối quân sự phương Tây nào. Ngày 24/2, Nga khai màn chiến dịch quân sự ở Ukraine với lý do Kiev không thực hiện Thỏa thuận Minsk. Vào thời điểm đó, Tổng thống Putin đã nói về sự cần thiết phải bảo vệ cộng đồng nói tiếng Nga ở Donbass.
Tháng 10, bốn vùng lãnh thổ trước đây của Ukraine là Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk, cũng như các Vùng Kherson và Zaporozhye, đã được sáp nhập vào Nga sau các cuộc trưng cầu dân ý. Kiev tuyên bố không công nhận kết quả này.