Tổng thống Nga nêu bi kịch Ukraine hiện nay, 'nghi ngờ' tính hợp pháp của chính phủ ở Kiev

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 28/5 cho rằng cần phân tích sâu về tính hợp pháp của chính phủ Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. (Nguồn: Reuters)

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. (Nguồn: Reuters)

Ông Putin giải thích, Hiến pháp Ukraine quy định việc kéo dài quyền lực của Verkhovna Rada (Quốc hội) song không đề cập đến việc kéo dài quyền lực của tổng thống.

Cụ thể, Hiến pháp không quy định bầu cử tổng thống sẽ kéo dài nếu không được tổ chức do tình trạng thiết quân luật. Hiến pháp Ukraine quy định việc chuyển giao quyền lực tối cao cho Chủ tịch Quốc hội trong trường hợp thiết quân luật. Như vậy, theo ông Putin, cơ quan có thẩm quyền hợp pháp hiện nay ở Ukraine là Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội.

Tổng thống Putin cũng nói ông nhớ đến Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg với tư cách Thủ tướng Na Uy, khi ông này “không mắc chứng mất trí nhớ”.

Tổng thống Putin lưu ý rằng, ông Stoltenberg, mặc dù trên danh nghĩa là dân sự, đứng đầu một tổ chức chính trị-quân sự phải hiểu rằng không thể sử dụng vũ khí chính xác tầm xa nếu không có phương tiện trinh sát trên vũ trụ.

Trước đó, người đứng đầu NATO đã lưu ý rằng, “Ukraine có quyền” tấn công các mục tiêu quân sự không chỉ trên chiến tuyến mà còn “trong lãnh thổ Nga”. Nhà lãnh đạo Nga cho rằng, ông Stoltenberg đang nói về các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga.

* Cũng trong ngày 28/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, người Ba Lan sẽ không rời Ukraine nếu binh sĩ nước này được triển khai ở Ukraine với tư cách một đội quân.

Ông Putin nói trong buổi họp báo sau chuyến thăm Uzbekistan: “Chính quyền Ba Lan tuyên bố rằng, họ sẵn sàng cử các đội quân của mình (tới Ukraine). Chúng ta đã nghe thấy những người nói tiếng Ba Lan (ở Ukraine), ở đó có rất nhiều lính đánh thuê Ba Lan. Nếu một số đội quân các nước châu Âu đến cùng người Ba Lan, những người nước khác sẽ rời đi, những người Ba Lan thì không. Đây là điều hiển nhiên...”.

Tổng thống Nga Putin cũng cho rằng, chính quyền Ukraine không thương xót người dân, họ không coi người dân là của mình và không bảo vệ lợi ích của người dân nước này. Ông nêu rõ: “Đây là vấn đề và bi kịch của Ukraine hiện nay. Họ không coi những người này là của họ”.

* Trong khi trước đó, ngày 21/5, ông Volodymyr Zelensky cho biết, nhiệm kỳ Tổng thống của ông đã được gia hạn vì tình trạng thiết quân luật của quốc gia.

Ông Volodymyr Zelensky tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/5/2019. Hiến pháp Ukraine quy định nhiệm kỳ của Tổng thống là 5 năm, nghĩa là ngày 20/5/2024 là ngày cuối cùng ông Zelensky nắm quyền theo Hiến pháp. Vào ngày đầu tiên sau khi nhiệm kỳ Tổng thống kết thúc theo Hiến pháp Ukraine, ông Zelensky cho biết vẫn đang tiếp tục các công việc cần thiết.

Mặc dù vậy, vấn đề này đã gây chia rẽ trong dư luận Ukraine. Một bộ phận cho rằng ông Zelensky vẫn là Tổng thống vì chưa có Tổng thống mới đắc cử. Một bộ phận khác cho rằng, Hiến pháp Ukraine quy định nhiệm kỳ 5 năm của Tổng thống, chứ không liên quan đến việc bầu Tổng thống mới.

Bên cạnh đó, câu hỏi liệu ông Zelensky có thể tại vị sau tháng 5 hay không cũng đang được tranh luận ở Ukraine, mặc dù không quá rầm rộ.

Những người chỉ trích ông Zelensky cho rằng Hiến pháp không cho phép mở rộng quyền lực của ông theo thiết quân luật. Tuy nhiên, theo các luật sư, việc gia hạn như vậy là hợp pháp và phù hợp với Hiến pháp.

Theo trang Kyivindependent, tỷ lệ tán thành của ông Zelensky, đã giảm xuống, nhưng vẫn ở mức trên 50%.

(theo TASS)

Chu Văn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tong-thong-nga-neu-bi-kich-ukraine-hien-nay-nghi-ngo-tinh-hop-phap-cua-chinh-phu-o-kiev-272956.html
Zalo