Tổng thống Nga cam kết tiếp tục cung cấp khí đốt cho Slovakia

Ngày 10/1, Thủ tướng Slovakia Robert Fico cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cam kết rằng Gazprom - tập đoàn năng lượng lớn nhất của Nga - sẽ tìm giải pháp thay thế nhằm duy trì nguồn cung khí đốt cho Slovakia sau khi tuyến trung chuyển qua Ukraine chấm dứt.

Hệ thống đường ống dẫn khí đốt của Tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga. Ảnh: ITAR-TASS/TTXVN

Hệ thống đường ống dẫn khí đốt của Tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga. Ảnh: ITAR-TASS/TTXVN

Ngày 10/1, Thủ tướng Slovakia Robert Fico cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cam kết rằng Gazprom - tập đoàn năng lượng lớn nhất của Nga - sẽ tìm giải pháp thay thế nhằm duy trì nguồn cung khí đốt cho Slovakia sau khi tuyến trung chuyển qua Ukraine chấm dứt.

Trước đó ngày 22/12, Thủ tướng Fico đã có cuộc gặp với Tổng thống Putin tại Moskva để trao đổi về tình hình cung cấp khí đốt cũng như các diễn biến liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine, trong bối cảnh Kiev quyết định không gia hạn hợp đồng cho phép khí đốt Nga trung chuyển qua lãnh thổ Ukraine từ ngày 1/1/2025.

Ukraine - quốc gia đang đối mặt với cuộc xung đột kéo dài gần ba năm - tuyên bố không gia hạn thỏa thuận trung chuyển khí đốt nhằm cắt giảm nguồn thu từ phí trung chuyển cho Moskva. Chính quyền Kiev cho rằng nguồn tài chính này có thể được sử dụng để duy trì các hoạt động quân sự của Nga tại Ukraine.

Slovakia - một trong những quốc gia Trung Âu phụ thuộc lớn vào nguồn cung khí đốt từ Nga - bày tỏ lo ngại rằng việc chấm dứt tuyến trung chuyển qua Ukraine có thể làm gia tăng chi phí năng lượng. Thủ tướng Fico đã công khai chỉ trích quyết định của Kiev và cảnh báo về khả năng áp dụng các biện pháp đối phó nếu không tìm được giải pháp đảm bảo nguồn cung ổn định.

Phát biểu trước một ủy ban quốc hội, ông Fico cho biết đã thảo luận với Tổng thống Putin về hợp đồng giữa Slovakia và Gazprom, trong đó khẳng định Nga có trách nhiệm cung cấp khí đốt theo thỏa thuận. Ông cũng cho biết Slovakia có thể sử dụng tuyến vận chuyển khí đốt TurkStream qua Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù nguồn dự trữ hiện tại vẫn đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong nước.

Thủ tướng Slovakia cho hay Tổng thống Putin đã cam kết duy trì hợp đồng với Slovakia, dù công suất của hệ thống đường ống TurkStream và các tuyến kết nối vẫn còn hạn chế. Ông nhấn mạnh rằng Moskva sẽ tìm cách thực hiện các cam kết với đối tác Slovakia.

Một phần nguồn cung khí đốt có thể được chuyển qua Tây Âu thông qua mạng lưới kết nối của Slovakia với các quốc gia Trung và Tây Âu, mở ra khả năng tìm kiếm các nguồn cung thay thế ngoài Nga.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Ukraine đã bác bỏ những chỉ trích từ phía Slovakia, cho rằng vấn đề nằm ở chính sách năng lượng của Nga cũng như sự phụ thuộc vào Moskva của một số nước châu Âu. Kiev khẳng định quyết định chấm dứt trung chuyển khí đốt là một phần trong chiến lược cắt giảm các dòng tài chính có thể hỗ trợ Nga trong cuộc xung đột.

Liên minh châu Âu đã nhiều lần khẳng định việc ngừng trung chuyển khí đốt qua Ukraine không gây ra sự thiếu hụt nghiêm trọng về nguồn cung năng lượng tại khu vực. Các quốc gia thành viên EU đã chủ động tìm kiếm các nguồn cung thay thế từ Mỹ, Qatar, Algeria và Na Uy nhằm giảm sự phụ thuộc vào Nga.

Thủ tướng Fico cho rằng quyết định của Ukraine đã khiến châu Âu chịu thiệt hại hàng tỷ euro do giá khí đốt gia tăng. Ông dẫn chứng rằng năm 2023, tuyến trung chuyển Ukraine đã vận chuyển khoảng 13,5 tỷ mét khối khí đốt, trong đó Slovakia tiêu thụ khoảng 3 tỷ mét khối.

Slovakia đang đàm phán để duy trì trung chuyển khí đốt qua Ukraine bằng cách thay đổi chủ sở hữu khí đốt trước khi vào lãnh thổ Ukraine. Các phương án được xem xét bao gồm việc nhập khẩu thông qua Azerbaijan hoặc thông qua công ty năng lượng quốc gia Slovakia (SPP). Tuy nhiên, tại Hội nghị Thượng đỉnh EU hồi tháng 12, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã bác bỏ khả năng gia hạn thỏa thuận trung chuyển với Nga.

Mặc dù Slovakia đang tích cực tìm kiếm các giải pháp thay thế, tình hình địa chính trị khu vực tiếp tục đặt ra những thách thức đối với an ninh năng lượng của nước này cũng như của toàn châu Âu. Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng, vấn đề bảo đảm nguồn cung khí đốt vẫn là một nội dung quan trọng trong các cuộc đàm phán ngoại giao và chiến lược năng lượng của khu vực.

Hoàng Anh/Báo Tin tức (Theo TASS/bloomberg.com)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/tong-thong-nga-cam-ket-tiep-tuc-cung-cap-khi-dot-cho-slovakia-20250110215133407.htm
Zalo