Tổng thống Nam Phi nguy cơ lặp lại thảm họa ở Nhà Trắng như Tổng thống Ukraine Zelensky

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa có cuộc hội đàm quan trọng tại Nhà Trắng với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong ngày 21/4, một sự kiện chứa đựng nhiều rủi ro vì có thể giúp cải thiện hoặc làm xấu thêm mối quan hệ đang căng thẳng giữa hai nước.

Ông Ramaphosa hy vọng chuyến thăm của ông có thể chấm dứt căng thẳng ngoại giao khiến ông Trump hủy bỏ viện trợ và trục xuất đại sứ Nam Phi. Trong khi đó, nhiều ý kiến lo ngại cuộc gặp có thể đi chệch hướng, giống như cuộc cãi vã gay gắt giữa Tổng thống Trump, Phó Tổng thống JD Vance với Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky tại Phòng Bầu dục hồi tháng 2.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa. (Ảnh: AP)

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa. (Ảnh: AP)

Bên cạnh đó, đang có nhiều lo ngại rằng quốc gia châu Phi này sẽ mất một số đặc quyền thương mại với Mỹ khi mối quan hệ giữa hai nước trở nên tồi tệ.

Chuyến đi của Tổng thống Ramaphosa diễn ra chỉ hơn 1 tuần sau khi nhóm gồm 59 người Nam Phi da trắng đến Mỹ với quy chế tị nạn.

Ông Trump và tỷ phú Elon Musk – người sinh ra và lớn lên ở Nam Phi – cho rằng cộng đồng người da trắng ở Nam Phi đang bị đàn áp.

Ngày 20/5, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho biết ưu tiên tái định cư cho người Nam Phi da trắng là vấn đề liên quan đến lợi ích quốc gia của Mỹ.

Chính quyền của Tổng thống Trump chỉ trích gay gắt việc Nam Phi ban luật tịch thu đất đai từ đầu năm nay, nhằm xử lý vấn đề bất bình đẳng chủng tộc. Luật này cho phép Chính phủ Nam Phi tịch thu đất và phân phối lại, nhưng không có nghĩa vụ phải bồi thường nếu việc tịch thu được xác định là "công bằng, bình đẳng và vì lợi ích cộng đồng".

Trong giai đoạn chính quyền kỳ thị chủng tộc hồi những năm 1990, người Nam Phi da đen bị cưỡng chế tước đoạt đất đai để phục vụ cho người da trắng. Ba thập kỷ sau, khi chế độ phân biệt chủng tộc kết thúc, người da đen chiếm hơn 80% trong tổng số 63 triệu dân của đất nước nhưng chỉ sở hữu khoảng 4% đất tư nhân.

Tổng thống Trump tuyên bố đất đai thuộc về cộng đồng người da trắng thiểu số, khi cộng đồng này đang sở hữu 72% đất nông nghiệp của quốc gia. Nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng "một cuộc diệt chủng đang diễn ra" ở Nam Phi, và rằng "những người nông dân da trắng đang bị giết hại dã man", trong bối cảnh có những thông tin về các cuộc tấn công vào trang trại.

Chính quyền Nam Phi phản đối mạnh mẽ những cáo buộc đó, khẳng định không có bằng chứng nào về "cuộc diệt chủng người da trắng" ở nước này.

Ông Trump cũng không chấp thuận việc Nam Phi kiện Israel ra Tòa án Công lý quốc tế với cáo buộc diệt chủng ở Dải Gaza.

Văn phòng Tổng thống Ramaphosa cho biết ông sẽ "thảo luận các vấn đề song phương, khu vực và toàn cầu quan tâm" với Tổng thống Trump tại Nhà Trắng.

Các nhà phân tích cho rằng cuộc hội đàm có thể dẫn đến bước ngoặt cho mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước.

Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Nam Phi và quốc gia châu Phi này được hưởng lợi nhiều nhất từ một hiệp định thương mại của Mỹ, cho phép các nước ở vùng cận Sahara được miễn thuế khi đưa hàng vào thị trường Mỹ.

Nhà nghiên cứu người Nam Phi Neo Letswalo cho rằng cuộc hội đàm thành hay bại là do "chiến thuật đàm phán" của ông Ramaphosa.

Ông Letswalo so sánh cuộc gặp này với màn đấu khẩu tại Phòng Bầu dục giữa các nhà lãnh đạo Mỹ và ông Zelensky.

"Từ cuộc gặp của ông Zelensky, chúng ta biết rằng Phòng Bầu dục hiện tại hoặc ít nhất là trong 5 năm tới là một nơi khó khăn", ông Letswalo, cộng sự nghiên cứu tại Đại học Johannesburg nói với CNN.

Ông tin rằng Tổng thống Ramaphosa sẽ “giữ bình tĩnh để giải quyết một số hiểu lầm của các quan chức chính quyền Tổng thống Trump về Nam Phi".

Ông Christopher Afoke Isike, giáo sư về chính trị châu Phi và quan hệ quốc tế tại Đại học Pretoria, tin rằng ông Ramaphosa có thể vượt qua, nhờ kinh nghiệm của một tổng thống xuất thân là doanh nhân, giống như ông Trump.

Thu loan

Theo CNN

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tong-thong-nam-phi-nguy-co-lap-lai-tham-hoa-o-nha-trang-nhu-tong-thong-ukraine-zelensky-post1744378.tpo
Zalo