Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đàm phán với Canada và Mexico về thuế quan
Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo trong ngày 3/2, ông sẽ thảo luận với lãnh đạo Canada và Mexico về mức thuế trừng phạt mà ông đã áp dụng đối với cả hai nước này.
Phát biểu với báo giới khi về thủ đô Washington tối 2/2 sau một tuần ở Florida, Tổng thống Mỹ thông báo kế hoạch trên, đồng thời cho biết: "Tôi không mong đợi điều gì quá kịch tính".
Là người ủng hộ nhiệt thành việc áp dụng thuế quan, ông Trump luôn khẳng định rằng tác động của chúng sẽ do các nhà xuất khẩu nước ngoài chịu, mà không chuyển sang người tiêu dùng Mỹ.
Tuy nhiên cùng ngày, ông Trump cũng thừa nhận trên mạng xã hội Truth Social rằng người tiêu dùng Mỹ có thể chịu tác động của mức thuế 25%, song nhấn mạnh “điều đó sẽ đáng giá" để bảo vệ lợi ích của Mỹ.
Ông khẳng định: "Chúng ta sẽ ‘Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại’ và tất cả sẽ xứng đáng với cái giá phải trả".
Ông Trump cho biết: “Mỹ có thâm hụt thương mại lớn với Canada, Mexico và Trung Quốc (và hầu hết các quốc gia khác), nợ 36.000 tỉ USD".
Các thông báo về thuế quan đã khép lại tuần thứ hai đặc biệt trong nhiệm kỳ mới của ông Trump. Trung Quốc, Mexico và Canada là 3 đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ và tất cả đều tuyên bố sẽ trả đũa khi thuế quan có hiệu lực vào ngày 4/2.
Trong diễn biến mới nhất, ngày 2/2, Chính phủ liên bang Canada đã công bố danh sách đầy đủ các mặt hàng chịu thuế nhập khẩu trị giá 30 tỉ CAD (khoảng 21 tỉ USD) từ Mỹ.
Bộ Tài chính Canada cho biết giai đoạn đầu tiên trong phản ứng của nước này sẽ có hiệu lực vào ngày 4/2, khi các mức thuế của Mỹ được áp dụng. Theo thông cáo báo chí, danh sách này bao gồm các sản phẩm như đồ uống, mỹ phẩm và các sản phẩm giấy.
Thủ tướng Justin Trudeau đã thông báo Canada cũng có ý định áp thuế đối với một danh sách bổ sung các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ trị giá 125 tỉ CAD (85 tỉ USD).
Danh sách thứ hai sẽ được công bố trong những ngày tới, áp dụng cho các sản phẩm như xe chở khách, xe tải và xe buýt, các sản phẩm thép và nhôm, một số loại trái cây và rau quả, các sản phẩm hàng không vũ trụ, cũng như thịt bò, thịt lợn và các sản phẩm từ sữa.
Chính phủ Canada cũng đang khởi động một quy trình miễn giảm cho các doanh nghiệp Canada để yêu cầu được miễn trừ đặc biệt khỏi các mức thuế.
Thông cáo cho biết thêm rằng mọi lựa chọn vẫn còn trên bàn khi chính phủ cân nhắc các biện pháp bổ sung, bao gồm các lựa chọn phi thuế quan, nếu Washington tiếp tục áp dụng thuế quan vô lý đối với Canada.
Trong khi đó, ngày 2/2, Ủy ban châu Âu (EC) đã chỉ trích mức thuế quan mà Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt đối với Canada, Mexico và Trung Quốc, nhấn mạnh rằng chính sách này làm gián đoạn thương mại toàn cầu và gây hại cho tất cả mọi người, đồng thời khẳng định sẽ đáp trả nếu bị nhắm mục tiêu.
Người phát ngôn của Liên minh châu Âu (EU) cho biết: "EU lấy làm tiếc về quyết định áp thuế đối với Canada, Mexico và Trung Quốc của Mỹ".
Quan chức trên khẳng định: "Thuế quan gây gián đoạn kinh tế không cần thiết và đẩy lạm phát tăng cao, gây tổn hại cho tất cả các bên", đồng thời nhấn mạnh rằng thị trường mở và việc tôn trọng các quy tắc thương mại quốc tế đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và bền vững.
Đề cập đến ý định của Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế với các sản phẩm của EU, người phát ngôn cảnh báo: "EU sẽ phản ứng kiên quyết với bất kỳ đối tác thương mại nào áp đặt thuế quan một cách không công bằng hoặc tùy tiện đối với hàng hóa của EU".
Tại Đức, Thủ tướng Olaf Scholz nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu là "không chia cắt thế giới bằng nhiều rào cản thuế quan".
Về phần mình, Chủ tịch Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo Đức, ông Friedrich Merz nhấn mạnh: "Thuế quan chưa bao giờ là ý tưởng hay để giải quyết các xung đột chính sách thương mại", đồng thời cảnh báo về phản ứng dữ dội ở Mỹ vì chi phí nhập khẩu tăng sẽ thúc đẩy lạm phát và ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng Mỹ.
Trong khi đó, Chủ tịch Liên đoàn bán buôn, thương mại và dịch vụ Đức (BGA), ông Dirk Jandura cho rằng mức thuế mới của Mỹ là "một lời cảnh báo rõ ràng đối với EU," đồng thời nhấn mạnh rằng cả Đức và EU đều không nên thụ động.
Ông Jandura cũng lưu ý rằng việc áp thuế nhập khẩu sẽ gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng trong nước Mỹ. Ông nói: "Những người thua cuộc luôn là người tiêu dùng cuối cùng”.
Các công ty Đức cũng đang chuẩn bị đối phó với các tác động này, vì nhiều công ty cung cấp cho thị trường Mỹ từ Mexico, đặc biệt là trong ngành công nghiệp ôtô.
Trong diễn biến liên quan cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, ngày 2/2, người phát ngôn Bộ Công an Trung Quốc bày tỏ sự bất bình và kiên quyết phản đối Mỹ áp thuế 10% đối với các sản phẩm Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ với lý do liên quan đến fentanyl.