Tổng thống Mỹ Donald Trump ký hàng loạt sắc lệnh hành pháp
Ngày 20/1, chỉ vài giờ sau khi chính thức trở thành Tổng thống thứ 47 của Mỹ, ông Donald Trump đã ký hàng loạt sắc lệnh hành pháp nhằm hướng tới mục tiêu mà ông đã nêu ra trong bài phát biểu nhậm chức là một 'thời đại hoàng kim của nước Mỹ'.
Một trong những hành động đầu tiên mà ông Trump thực hiện trong ngày đầu nhiệm kỳ 2 của mình là ân xá cho hầu hết những người bị buộc tội trong vụ tấn công vào Điện Capitol ngày 6/1/2021. Tại Phòng Bầu dục ngày 20/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết lệnh ân xá của ông sẽ bao gồm "khoảng 1.500 người được ân xá toàn diện".
Trước đó, các công tố viên đã buộc tội hơn 1.580 người vì những hành động bị cáo buộc liên quan đến vụ bạo loạn Điện Capitol. Với động thái này của Tổng thống Trump, hậu quả pháp lý đối với gần như tất cả những người bị buộc tội sẽ bị xóa bỏ.
Đối với 14 người bao gồm lãnh đạo và thành viên của tổ chức Proud Boys và Oath Keepers bị kết án vì vai trò của họ trong vụ bạo loạn, những người này sẽ được giảm thời gian thụ án.
Quyền ân xá của tổng thống được nêu trong Hiến pháp Mỹ. Cụ thể, mục 2 của điều II nói rằng tổng thống có quyền “ban hành lệnh ân xá và hoãn thi hành án đối với các tội chống lại nước Mỹ, ngoại trừ trong các trường hợp luận tội”. Ngoài ra, quyền hạn của tổng thống chỉ áp dụng đối với các tội liên bang, không áp dụng đối với các tội ở tiểu bang.
Hoãn lệnh cấm TikTok
Như đã cam kết trước khi tái nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp ngày 20/1 nhằm gia hạn thời gian thêm 75 ngày cho công ty mẹ của nền tảng TikTok tìm chủ sở hữu mới hoặc phải đối mặt với lệnh cấm tại Mỹ.
Sắc lệnh này chỉ đạo Bộ Tư pháp Mỹ không thực thi Đạo luật Ứng dụng do Đối thủ Nước ngoài Kiểm soát, được thông qua với sự ủng hộ rộng rãi của lưỡng đảng tại Quốc hội và được cựu Tổng thống Joe Biden ký vào tháng 4/2024. Đạo luật này vốn yêu cầu TikTok phải bị cấm tại Mỹ trước ngày 19/1 trừ khi bán cho người mua từ Mỹ hoặc một trong những đồng minh của Mỹ.
Trước khi ông Trump nhậm chức, TikTok đã tạm thời ngưng hoạt động đối với 170 triệu người dùng Mỹ trong khoảng 12 tiếng và sau đó hoạt động trở lại nhờ sắc lệnh hành pháp của Tổng thống. Tuy nhiên, số phận của nền tảng này tại Mỹ vẫn chưa rõ ràng.
Đảo ngược nhiều chính sách của chính quyền Tổng thống Joe Biden
Theo CNN, Tổng thống Donald Trump đã hủy bỏ 78 sắc lệnh hành pháp của ông Joe Biden, trong đó bao gồm nhiều sắc lệnh được ông ký vào ngày đầu tiên nhậm chức.
Các sắc lệnh bị hủy bỏ bao gồm sắc lệnh hành pháp yêu cầu các cơ quan liên bang mở rộng lệnh cấm phân biệt đối xử về giới tính và chấp thuận thêm các khuynh hướng tính dục và bản dạng giới khác, sắc lệnh yêu cầu những người được bổ nhiệm vào nhánh hành pháp phải ký cam kết về đạo đức, sắc lệnh cho phép người chuyển giới phục vụ trong quân đội Mỹ và sắc lệnh cấm gia hạn hợp đồng nhà tù tư nhân.
Các sắc lệnh khác ông Trump thu hồi còn bao gồm sắc lệnh loại bỏ Cuba khỏi danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố, sắc lệnh áp dụng lệnh trừng phạt đối với những người định cư Do Thái ở Bờ Tây do cáo buộc kích động bạo lực hồi tháng 2/2024 và sắc lệnh giám sát và quản lý các rủi ro của trí tuệ nhân tạo hồi năm 2023.
Nhập cư
Phần lớn chương trình nghị sự ngày đầu tiên của Tổng thống Donald Trump liên quan đến vấn đề nhập cư – một trọng tâm trong suốt chiến dịch tranh cử của ông. Sau khi nhậm chức, ông Trump đã ký lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia ở biên giới phía nam như đã cam kết, từ đó kích hoạt việc sử dụng các nguồn lực và nhân sự của Lầu Năm Góc để xây dựng bức tường ở biên giới.
Ông Trump còn ký sắc lệnh nhằm chấm dứt việc sử dụng một ứng dụng cho phép người di cư thông báo cho Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ rằng họ có ý định nhập cảnh vào Mỹ cũng như cho phép họ lên lịch hẹn để xin tị nạn.
Tổng thống Mỹ thứ 47 cũng ký sắc lệnh chấm dứt quyền công dân dựa trên nơi sinh, vốn được ghi trong Tu chính án số 14 của Hiến pháp Mỹ, theo đó sẽ không cấp quyền công dân cho những trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Mỹ nhưng cha mẹ không có tư cách công dân Mỹ.
Dừng việc tuyển dụng của chính phủ liên bang
Biên bản ghi nhớ của Nhà Trắng được CNN trích dẫn cho biết: “Là một phần của lệnh dừng này, không một vị trí dân sự liên bang nào còn trống vào buổi trưa ngày 20/1/2025 được tuyển dụng và không có vị trí mới nào được tạo ra ngoại trừ khi có quy định khác trong bản ghi nhớ này hoặc luật hiện hành khác”.
Sắc lệnh này miễn trừ các vị trí trong quân đội và các vị trí “liên quan đến thực thi nhập cư, an ninh quốc gia hoặc an toàn công cộng”. Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách Mỹ, sau khi tham vấn với Bộ Hiệu quả Chính phủ mới của ông Trump, sẽ cần đệ trình một kế hoạch trong vòng 90 ngày để giảm quy mô lực lượng lao động của chính phủ liên bang “thông qua cải thiện hiệu quả và giảm biên chế”.
Một hành động khác do ông Trump ký ngày 20/1 còn yêu cầu tất cả các bộ và cơ quan liên bang “thực hiện mọi bước cần thiết để chấm dứt các thỏa thuận làm việc từ xa và yêu cầu nhân viên quay trở lại làm việc trực tiếp tại các địa điểm làm việc tương ứng của họ trên cơ sở toàn thời gian, với điều kiện là người đứng đầu bộ và cơ quan sẽ đưa ra các miễn trừ mà họ cho là cần thiết”.
Môi trường, năng lượng và y tế
Ngay sau khi trở lại Nhà Trắng, ông Trump đã một lần nữa ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi thỏa thuận khí hậu Paris mà ông cáo buộc là “thiên vị”. Thỏa thuận này là một thỏa thuận giảm phát thải, trong đó gần 200 quốc gia đã cam kết giữ mức nóng lên toàn cầu dưới 2 độ C so với trước thời kỳ công nghiệp và nếu có thể, dưới 1,5 độ C.
Trước đó trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông Trump đã rút khỏi thỏa thuận này, nhưng ông Biden đã tái gia nhập thỏa thuận ngay sau khi nhậm chức.
Ngoài ra, ông Trump còn ký sắc lệnh tuyên bố "tình trạng khẩn cấp về năng lượng quốc gia" và hợp lý hóa các quy trình cấp phép và đánh giá môi trường mà chính quyền của ông cho là "gây gánh nặng không đáng có cho sản xuất và sử dụng năng lượng".
Ông cũng rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) với lý do tới từ việc “tổ chức này xử lý sai đại dịch Covid-19 phát sinh từ Vũ Hán, Trung Quốc và các cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu khác, không thông qua các cải cách cần thiết cấp bách và không chứng minh được sự độc lập khỏi ảnh hưởng chính trị không phù hợp của các quốc gia thành viên WHO".
Ngoài ra, sắc lệnh cũng cáo buộc WHO "tiếp tục yêu cầu Mỹ thanh toán một cách không công bằng và quá nặng nề".