Tổng thống Macron: Pháp sẽ hỗ trợ Việt Nam đào tạo nhân tài
Nói chuyện với sinh viên Việt Nam, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nêu ra các thách thức mà Việt Nam, Pháp và nhiều nước gặp phải, trong đó vấn đề lao động, việc làm.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng Phu nhân và Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân sáng nay đến thăm trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) - ngôi trường được thành lập và phát triển theo các hiệp định giữa Chính phủ hai nước.
Tổng thống Emmanuel Macron khẳng định, giáo dục là một trong những trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương hai nước. Trụ cột cho quan hệ này là trường USTH - ngôi trường đứng thứ 5 Việt Nam về công bố kết quả nghiên cứu khoa học, đồng thời có nhiều hợp tác với các viện, trường nghiên cứu hàng đầu của Pháp.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thăm trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron giao lưu với sinh viên Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội.
Hơn 15 nghìn kỹ sư, hơn 3 nghìn bác sĩ và hàng nghìn chuyên gia pháp luật của Việt Nam đã được đào tạo tại Pháp. Tổng thống dẫn chứng về giáo sư người Pháp gốc Việt Trần Thanh Vân - người có nhiều đóng góp cho khoa học và quan hệ Việt-Pháp.
Ông Emmanuel Macron vui mừng thông báo, hai nước sẽ ký kết một hiệp định mới về giáo dục nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác giữa hai quốc gia trong lĩnh vực này.
Thế giới đang trải qua nhiều biến động, chuyển đổi mạnh mẽ của nhân loại mà thế hệ của ông chưa từng gặp, Tổng thống nhấn mạnh, đó là về địa chính trị tạo ra thay đổi lớn về kinh tế, xã hội, những xung đột, cuộc chiến xảy ra trên nhiều khu vực.

Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ ở nhiều quốc gia bị đe dọa. Quy tắc, luật pháp hợp tác quốc tế không còn được tuân thủ như trước; tự do hàng hải, chủ quyền biển đang gây lo lắng cho nhiều quốc gia, tình hình thuế quan biến động.
Do đó, Tổng thống cho rằng mối liên kết giữa Việt Nam và Pháp, ASEAN và EU cần được quan tâm hơn bao giờ hết. Pháp và Việt Nam có những lợi ích chung trong thiết lập cân bằng về địa chính trị và hòa bình, đảm bảo an ninh.
"Trong bối cảnh đó, Việt Nam và Pháp cần phải theo đuổi mục tiêu chung thiết lập lại các mối quan hệ hợp tác vì hòa bình, vì thịnh vượng chung", ông Macron khẳng định.
Hai nước cần phát triển giáo dục, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, y tế, quốc phòng để giảm bớt sự phụ thuộc vào các quốc gia khác, khu vực khác, hướng tới tự do cho nhân loại; hướng tới sự thịnh vượng để chống lại biến đổi khí hậu, tránh mất cân bằng đa dạng sinh học…
Muốn thúc đẩy phát triển, Tổng thống Pháp cho rằng, thế hệ trẻ, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu Việt Nam cần giải quyết được những thách thức.
“Chúng ta phải làm sao vừa đảm bảo được kinh tế, vừa bảo vệ được hệ sinh thái, có mô hình phát triển kinh tế sạch, xanh và bền vững để đạt được trung hòa carbon vào năm 2050; hướng tới tiêu dùng sản xuất sạch hơn, xanh hơn, vì môi trường. Đây cũng là trọng tâm trong các nội dung hợp tác giữa Việt Nam và Pháp”, Tổng thống đặt vấn đề.
Tổng thống Pháp đề cập đến lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo; nhấn mạnh, trí tuệ nhân tạo có thể giúp con người đi nhanh hơn, mạnh hơn nhưng không thể thay thế được con người.

Tổng thống Pháp nêu những thách thức mà cả Việt Nam và Pháp phải đối mặt, nêu bật về tiềm năng, dư địa hợp tác hai nước.
Theo Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Việt Nam là một nền kinh tế lớn, đạt được những thành tựu tuyệt vời trong 30 năm qua. Tuy nhiên Việt Nam vẫn phải đối mặt với thách thức, trong đó quá phụ thuộc vào năng lượng than đá. Pháp muốn cùng hợp tác với Việt Nam để "phi carbon hóa nền kinh tế".
Thách thức thứ hai theo ông Macron, là Việt Nam phải thành công chuyển đổi được năng lượng khi vừa phát triển vừa phải đảm bảo hệ sinh thái. "Nếu chỉ lao theo kinh tế, bỏ rơi môi trường hoặc nếu chỉ chú trọng môi trường mà quên đi kinh tế đều không hợp lý. Chúng ta phải cân bằng được 2 mục tiêu này, cần nghiên cứu mô hình kinh tế sạch và xanh. Chúng tôi muốn làm điều này... Đây cũng là trọng tâm trong quan hệ hai nước", Tổng thống chia sẻ.
Về công nghệ, Tổng thống nêu về phát triển trí tuệ nhân tạo, những lợi ích nó mang lại "trí tuệ nhân tạo giúp ta đi nhanh hơn và mạnh hơn" tuy nhiên "không thể để nó thành mối đe dọa cho sự độc lập, tự chủ của con người".
Pháp muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo, công nghệ số, robot, tự động hóa. Việt Nam và Pháp cần chia sẻ tầm nhìn chung trong các lĩnh vực này.
Về nhân khẩu học, Tổng thống cho biết thế giới đang có khoảng 8 tỷ người đặt ra vấn đề về an ninh lương thực, sự mất cân đối về phân bố nhân khẩu, sự già hóa dân số... Một số nước ở châu Âu hay châu Á đang trong tình trạng già hóa dân số, Việt Nam là quốc gia dân số trẻ nhưng gặp thách thức trong lao động, việc làm.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cởi mở chia sẻ, trả lời những câu hỏi của các sinh viên, trí thức Việt Nam về chuyển đổi công nghệ, những kỹ năng phát triển cho người trẻ, hỗ trợ cho sinh viên du học tại Pháp, hợp tác trong lĩnh vực kiến trúc giữa Việt Nam và Pháp.
Theo Tổng thống cần chuyển đổi về giáo dục, đào tạo. Người trẻ không được đào tạo hay có tay nghề sẽ là mối đe dọa cho thị trường lao động quốc gia. "Pháp sẽ tiếp tục hỗ trợ đào tạo nhân tài cho Việt Nam ở bậc đại học, cử nhân, nghiên cứu", Tổng thống nêu rõ.