Tổng thống Iran kiên quyết nói 'không' với 3 việc liên quan Nga, Houthi và vũ khí hạt nhân
Ngày 16/9, trong một cuộc họp báo ở Tehran, Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian đã trả lời nhiều vấn đề liên quan các cáo buộc gửi vũ khí cho Nga và phong trào Houthi, cũng như chương trình hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo.
Hãng tin Reuters dẫn lời Tổng thống Masoud Pezeshkian khẳng định, chính phủ Iran không chuyển bất kỳ vũ khí nào cho Nga kể từ khi ông nhậm chức hồi tháng 8.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Mỹ và các đồng minh hồi tuần trước cáo buộc Tehran chuyển tên lửa đạn đạo cho Moscow để phục vụ cho xung đột ở Ukraine, đồng thời áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với cả Nga lẫn Iran.
Ngoài ra, nhà lãnh đạo nước Cộng hòa Hồi giáo cũng tuyên bố rằng, nước này không gửi tên lửa siêu thanh cho phong trào Houthi ở Yemen, một ngày sau khi phong trào này sử dụng tên lửa để tấn công vào lãnh thổ Israel gây ra nhiều thiệt hại vật chất và khiến một số người dân bị thương.
Liên quan chương trình hạt nhân, Tổng thống Pezeshkian quả quyết: “Chúng tôi đã nhiều lần nhấn mạnh rằng chúng tôi không tìm kiếm vũ khí hạt nhân. Mục tiêu của chúng tôi là đáp ứng các nhu cầu kỹ thuật và khoa học của mình”.
Thừa nhận Mỹ và các nước châu Âu đang gây áp lực nhằm hạn chế chương trình phát triển tên lửa của Iran, ông Pezeshkian vẫn nhấn mạnh quyền củng cố năng lực phòng thủ của nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Theo ông, Iran sẽ không bao giờ từ bỏ chương trình tên lửa của mình vì nước này cần duy trì khả năng răn đe như vậy để bảo vệ an ninh trong một khu vực mà Israel có thể “phóng tên lửa vào Gaza mỗi ngày”.
Iran cũng khẳng định vẫn cam kết tuân thủ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 - có tên gọi chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), song việc tiếp tục cam kết này phụ thuộc vào tình hình các bên ký kết khác có tôn trọng nghĩa vụ của họ hay không.
Nhà lãnh đạo Iran bày tỏ: “Nếu Mỹ và một số nước châu Âu thực hiện các cam kết của họ, chúng tôi sẽ làm như vậy. Nếu họ không tuân thủ, chúng tôi cũng sẽ không thực hiện”.
Trong khuôn khổ của JCPOA ký năm 2015, Iran đồng ý hạn chế chương trình hạt nhân để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây. Tuy nhiên, thỏa thuận này đã bị đe dọa kể từ khi nước Washington đơn phương rút khỏi thỏa thuận vào năm 2018 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Tehran.
Các nỗ lực khôi phục thỏa thuận hạt nhân đã bị đình trệ kể từ tháng 8/2022, mặc dù nhiều vòng đàm phán đã được tổ chức tại Vienna (Áo). Giữa lúc căng thẳng vẫn tiếp diễn, cộng đồng quốc tế tiếp tục theo dõi chặt chẽ các hoạt động hạt nhân của Iran.
Về vấn đề này, người đứng đầu chính quyền Iran tuyên bố, nước này có thể đàm phán trực tiếp với Mỹ nếu Washington chứng minh trên thực tế rằng, họ không có thái độ thù địch với nước Cộng hòa Hồi giáo.