Tổng Kiểm toán Nhà nước lý giải 'kiểm toán nhiều nhưng chỉ phát hiện 1 vụ tham nhũng'

Chiều 23/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2024 và kế hoạch kiểm toán năm 2025 của Kiểm toán nhà nước (KTNN).

Cần làm rõ thêm kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán

Tại phiên họp, ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho hay, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua hoạt động kiểm toán và phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ KTNN tiếp tục được Ban cán sự, Đảng ủy, Tổng KTNN tăng cường và tập trung tổ chức thực hiện, đạt kết quả khả quan.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh phát biểu tại cuộc họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh phát biểu tại cuộc họp.

Tuy nhiên, với quy mô, phạm vi kiểm toán khá rộng, nhưng kết quả kiểm toán phòng, chống tham nhũng, KTNN mới chỉ kiến nghị xem xét chỉ đạo 1 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật là chưa tương xứng.

Về vấn đề trên, theo bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, thời gian qua KTNN đã thực hiện nhiệm vụ quyền hạn hết sức nỗ lực cố gắng đạt được nhiều kết quả.

Tuy nhiên, trong các lần KTNN báo cáo Quốc hội thì đại biểu Quốc hội rất quan tâm kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán được đến đâu. Có năm được cao, có năm được thấp.

Theo đánh giá của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, đa số ý kiến cho rằng, so với kết quả thực hiện cùng kỳ năm 2023, việc thực hiện kiến nghị xử lý tài chính, kiến nghị khác giảm cả về quy mô. Tỷ trọng thực hiện kiến nghị về xử lý văn bản rất thấp, đạt 6,06%.

Từ đó, bà Nga đề nghị làm rõ thêm kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga.

Bà Nga cũng đề nghị, nêu rõ cơ quan, đơn vị nào chưa thực hiện đầy đủ kịp thời các kiến nghị của kiểm toán; làm rõ nguyên nhân việc chậm thực hiện các kiến nghị của kiểm toán.

"Chúng ta đã ban hành Pháp lệnh về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN. Do đó, cần báo cáo kết quả thực hiện Pháp lệnh này đã thực hiện như thế nào", bà Nga nói.

Cũng theo bà Nga, qua phát hiện xử lý trong nội bộ, thời gian qua không phát hiện ra vụ tiêu cực, tham nhũng nào trong hoạt động kiểm toán là đáng hoan nghênh. Nhưng KTNN với trách nhiệm là cơ quan liên quan đến phòng chống tham nhũng, tiêu cực thì thời gian qua mới kiến nghị xem xét chỉ đạo 1 vụ việc có vi phạm pháp luật.

"So với các đơn vị được kiểm toán rất lớn mà phát hiện ra 1 vụ thì cần làm rõ lý do vì sao chỉ có 1 vụ?", bà Nga đặt vấn đề.

"Hậu kiểm toán" là vấn đề quan trọng nhất

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, cần làm rõ nguyên nhân trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong chậm thực hiện kiến nghị của kiểm toán.

Vấn đề quan trọng nhất của kiểm toán là khi ra kết luận rồi thì bộ, ngành địa phương phải nghiêm túc thực hiện, báo cáo đúng theo quy định của Luật KTNN, giải quyết "hậu kiểm toán" là vấn đề quan trọng nhất.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Về kiểm toán trong năm 2025, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát kế hoạch kiểm toán lựa chọn nội dung có trọng tâm, trọng điểm, kiểm toán "trúng" và "đúng", cắt giảm các nhiệm vụ không thực sự cần thiết, trùng lặp với kế hoạch thanh tra, làm sao để không trùng, dẫm chân lên nhau.

Tập trung kiểm toán các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm có khối lượng thực hiện giải ngân lớn. Ví dụ xây dựng đường, cầu, các công trình lớn phải thường xuyên theo dõi kiểm toán khối lượng, thanh quyết toán.

"Có nhà vào ở 10 năm rồi mà chưa thanh quyết toán. Tiền ứng thì rất hăng hái, nhưng khi xài rồi, thanh toán lại rất chậm. Tình trạng này ở các bộ, ngành địa phương thì làm sao kiểm toán có nhắc nhở", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ và đề nghị làm rõ hiệu quả đầu tư kinh doanh vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn.

Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn.

Giải trình thêm, Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn cho biết, hết sức quan tâm đến phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Ngành đã đưa ra tiêu chí đạo đức công vụ là số 1, luôn thực hiện phòng chống tham nhũng trong nội bộ ngành.

Các vụ việc chuyển cho cơ quan điều tra ít thì bản chất của kiểm toán là phòng ngừa và ngăn chặn với thời gian 45 ngày trên cơ sở hồ sơ các đơn vị cung cấp thì có phân tích rủi ro.

"Chúng tôi là "nguyên liệu đầu vào" cho các cơ quan điều tra đánh giá. Hàng năm đã cung cấp hơn 400 tài liệu, và năm 2023 cung cấp hơn 800 tài liệu cho Ủy ban Kiểm tra và cơ quan điều tra.

Trong quá trình kiểm toán, không chờ kết thúc mà khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tham nhũng tiêu cực rõ ràng thì chuyển ngay cho các cơ quan chức năng", ông Tuấn cho hay.

Phùng Đô

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tong-kiem-toan-nha-nuoc-ly-giai-kiem-toan-nhieu-nhung-chi-phat-hien-1-vu-tham-nhung-192240923192540586.htm
Zalo