Tổng kết Dự án hỗ trợ kỹ thuật Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh năm 2024
- Sáng 18/9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết Dự án tăng cường hỗ trợ kỹ thuật Phòng, chống HIV/AIDS (Dự án EPIC) năm 2024 (tính theo năm tài chính 1/10/2023 đến 30/9/2024).
Tại Lạng Sơn, Dự án EPIC được triển khai tại 6 cơ sở điều trị HIV/AIDS gồm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh và 5 trung tâm y tế huyện (Tràng Định, Văn Lãng, Lộc Bình, Hữu Lũng, Cao Lộc) với các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật như: nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc, điều trị HIV/AIDS; điều trị dự phòng lao và điều trị lao/HIV; tư vấn xét nghiệm HIV và kết nối điều trị ARV; tìm ca tại cộng đồng và cơ sở y tế; theo dõi - Đánh giá - Giám sát; can thiệp giảm tác hại; điều trị Methadone.
Theo báo cáo, từ ngày 1/10/2023 đến ngày 30/9/2024, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã giám sát, hỗ trợ kỹ thuật được 24 buổi về công tác điều trị ARV và các hoạt động dự phòng; đảm bảo cung cấp các dịch vụ chăm sóc, điều trị, dự phòng trong phòng, chống HIV/AIDS.
Nhờ đó, một số chỉ tiêu của dự án đã đạt và vượt so với kế hoạch. Cụ thể, toàn tỉnh có 820 bệnh nhân đang điều trị ARV, trong đó có 17 bệnh nhân bỏ điều trị, tử vong, chiếm tỷ lệ 2,07% (chỉ tiêu dưới 5%); 99,04% bệnh nhân được xét nghiệm có tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế (chỉ tiêu từ 95% trở lên); 98,64% bệnh nhân hoàn thành điều trị lao tiềm ẩn (chỉ tiêu từ 95% trở lên)...
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận kết quả, khó khăn tồn tại và dự kiến một số nội dung hoạt động hỗ trợ kỹ thuật năm 2025 như: tổ chức họp định kỳ với các cơ sở điều trị rà soát số liệu, thảo luận các vấn đề và tìm giải pháp; đào tạo, tập huấn, cập nhật kiến thức, nâng cao kỹ năng các lĩnh vực về điều trị, hoạt động dự phòng; nghiên cứu tham mưu bổ sung kinh phí hoạt động; hỗ trợ cơ sở điều trị HIV, cơ sở dự phòng nâng cao chất lượng, dịch vụ chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân HIV và dự phòng cho cộng đồng; đảm bảo chất lượng số liệu để sử dụng theo dõi, đánh giá chương trình, xác định nhu cầu hỗ trợ kỹ thuật…