Tổng Giám đốc WTO sẽ tại vị trong nhiệm kỳ hai?
Hãng tin Anh Reuters dẫn hai nguồn tin thân cận cho biết, không có ứng cử viên nào khác tranh cử chức Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) với bà Ngozi Okonjo-Iweala. Tuy nhiên, ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng đồng nghĩa với việc tái bổ nhiệm bà cho nhiệm kỳ thứ hai vẫn chưa chắc chắn.
Bà Okonjo-Iweala, cựu Bộ trưởng Tài chính Nigeria, người đã làm nên lịch sử khi trở thành nữ Tổng Giám đốc đầu tiên của WTO và nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ các thành viên của tổ chức này, đã tuyên bố tái tranh cử vào tháng 9/2024 với mục tiêu hoàn thành "những việc còn dang dở".
Năm 2020, chính quyền của Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Donald Trump đã tìm cách ngăn cản nhiệm kỳ đầu tiên của bà. Phải đến khi Tổng thống Joe Biden kế nhiệm ông Trump, bà mới nhận được sự ủng hộ của Mỹ.
Những người theo dõi WTO cho rằng tổ chức này có thể sẽ phải đối mặt với một giai đoạn bất ổn dưới thời của ông Trump, người đã cam kết sẽ áp thuế 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu và đánh thuế quan cao hơn đối với các quốc gia như Trung Quốc. Bà Okonjo-Iweala từng nhận định các đề xuất về thuế quan của ông Trump sẽ tạo ra kịch bản "cùng thua" cho các bên và có thể làm đảo lộn hệ thống thương mại.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình (2017-2021), ông Trump đã làm tê liệt cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO bằng cách ngăn chặn việc bổ nhiệm thẩm phán – một tình trạng vẫn tiếp diễn cho đến hiện tại, và ban hành thuế đối với các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ.
Ông Carlos Vejar, cựu cố vấn cho phái đoàn thường trực của Mexico (Mê-hi-cô) tại WTO, nhận định rằng trong nhiệm kỳ tới của mình, ông Trump có thể sẽ “phớt lờ” WTO, thay vào đó, ông sẽ tập trung vào việc đưa hoạt động sản xuất trở lại Mỹ và đẩy mạnh các biện pháp chống lại hàng nhập khẩu, đặc biệt là trong các ngành nhạy cảm.
Hiện tại, tâm lý bi quan đang bao trùm WTO khi một cuộc họp cấp bộ trưởng ở Abu Dhabi không có đột phá nào về nông nghiệp, thủy sản và các vấn đề quan trọng khác. Theo quy định của WTO, một quy tắc thương mại mới chỉ được thông qua khi nhận được sự đồng thuận của tất cả 166 thành viên WTO. Quy định này là yếu tố đã làm đổ vỡ nhiều cuộc đàm phán trong suốt 30 năm tồn tại của tổ chức này.