Tổng giám đốc MIC: 'Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ không còn chạy đua về phí'

Theo Tổng giám đốc MIC Đinh Như Tuynh, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ đang chuyển hướng từ cạnh tranh về phí sang nâng cao chất lượng dịch vụ và tối ưu trải nghiệm khách hàng. Doanh nghiệp có hệ sinh thái mạnh, ứng dụng công nghệ vượt trội và tiềm lực tài chính vững chắc sẽ chiếm ưu thế trong cuộc đua giành thị phần.

MIC đặt mục tiêu tăng trưởng 75% bất chấp năm 2024 đầy thách thức

Ngày 31/3, Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIG, mã: MIC) đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên năm 2025. Khi được cổ đông hỏi về việc lợi nhuận năm 2024 không đạt kế hoạch nhưng công ty vẫn mạnh dạn đặt mục tiêu tăng trưởng 75% trong năm 2025, Chủ tịch HĐQT MIC Uông Đông Hưng chia sẻ rằng năm 2024 là một năm đầy biến động đối với ngành bảo hiểm phi nhân thọ.

Ông nhấn mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng từ siêu bão Yagi đã đẩy các doanh nghiệp bảo hiểm vào thế khó, buộc họ phải chi trả mức bồi thường cao chưa từng có, gây sức ép lên lợi nhuận toàn ngành. Dù đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 440 tỷ đồng, MIC chỉ đạt 308 tỷ đồng, giảm 12,5% so với năm 2023 và hoàn thành 70% kế hoạch. Tỷ lệ chi phí kết hợp (Combined Ratio) cũng leo lên 103,6%, phản ánh áp lực chi phí mà doanh nghiệp phải gánh chịu.

Làm rõ hơn về tác động của bão Yagi, Tổng giám đốc MIC Đinh Như Tuynh cho biết trong năm 2024, công ty ghi nhận gần 1.900 vụ tổn thất với tổng số tiền bồi thường ước tính hơn 500 tỷ đồng. Lãnh đạo ngân hàng thông tin, toàn bộ hồ sơ bồi thường sẽ được xử lý xong trước tháng 6/2025, đồng thời tiết lộ khoản chi phí bồi thường này đã ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận năm 2024, làm giảm hơn 100 tỷ đồng.

Về nguyên nhân tỷ lệ chi phí kết hợp tăng cao dù chi phí quản lý và bán hàng không gia tăng (báo cáo tài chính năm 2024), ông Tuynh cho biết điều này chủ yếu đến từ thay đổi quy định về trích lập dự phòng. Trong năm 2024, MIC đã phải tăng quỹ dự phòng thêm 158 tỷ đồng, khiến chi phí kế toán bị đẩy lên cao hơn so với thực tế. Nếu loại trừ yếu tố này, tỷ lệ chi phí kết hợp của MIC chỉ còn 96,3%.

Tương tự, tỷ lệ bồi thường trong năm 2024 giảm cũng có nguyên nhân từ việc MIC sử dụng hơn 112 tỷ đồng từ quỹ dự phòng thiên tai để hỗ trợ chi trả. "Nếu không có khoản dự phòng này, tỷ lệ bồi thường thực tế có thể lên đến 35,9%," ông Tuynh cho biết.

Bước sang năm 2025, với kỳ vọng nền kinh tế khởi sắc khi Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP tối thiểu 8% và doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ được dự báo tăng 10%, MIC đặt kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng với lợi nhuận trước thuế đạt gần 540 tỷ đồng, tăng trưởng 75% so với năm trước. Bên cạnh đó, doanh thu bảo hiểm dự kiến tăng tối thiểu 25%, giúp MIC tiếp tục giữ vững vị thế trong Top 4 thị phần ngành bảo hiểm phi nhân thọ.

Cổ đông MIC thực hiện quyền biểu quyết tại đại hội. Ảnh: Thu Trang/Mekong ASEAN

Cổ đông MIC thực hiện quyền biểu quyết tại đại hội. Ảnh: Thu Trang/Mekong ASEAN

Bảo hiểm phi nhân thọ: Hệ sinh thái rộng, công nghệ mạnh sẽ dẫn đầu

Trả lời về triển vọng thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, Tổng giám đốc MIC Đinh Như Tuynh nhận định rằng doanh thu phí bảo hiểm năm 2025 dự kiến sẽ tăng khoảng 10%. Trong giai đoạn 5 năm tới, ngành này có thể duy trì mức tăng trưởng trung bình từ 10-13%/năm với dư địa phát triển đầy hứa hẹn.

Lý giải về động lực tăng trưởng này, ông Tuynh cho rằng, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng do tỷ lệ tham gia bảo hiểm thấp hơn so với mặt bằng chung của ASEAN, trong khi thu nhập người dân ngày càng cải thiện. Bên cạnh đó, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng ổn định cũng thúc đẩy nhu cầu bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm tài sản kỹ thuật nhờ các dự án đầu tư công mở rộng, cũng như bảo hiểm tài sản, con người và hàng hóa khi dòng vốn FDI đổ vào mạnh mẽ. Ngoài ra, quá trình chuyển đổi số và hệ thống pháp lý ngày càng hoàn thiện đang góp phần nâng cao tính minh bạch, tạo điều kiện cho ngành bảo hiểm phát triển bền vững.

Tuy nhiên, cạnh tranh trong ngành cũng ngày càng khốc liệt. Hiện Việt Nam đang có 33 công ty bảo hiểm phi nhân thọ đang hoạt động và sẽ có thêm một thành viên mới gia nhập thị trường trong năm 2024. Theo ông Tuynh, sự cạnh tranh đang dần dịch chuyển từ cuộc đua về phí sang nâng cao chất lượng dịch vụ và tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng trong chuỗi dịch vụ bảo hiểm. Đồng thời, hệ thống pháp lý hoàn thiện hơn cũng là tiền đề giúp thị trường hoạt động minh bạch và rõ ràng hơn.

"Những doanh nghiệp có lợi thế tích hợp hệ sinh thái lớn, có nền tảng công nghệ vững chắc và tiềm lực tài chính mạnh sẽ có nhiều cơ hội gia tăng thị phần. Ngược lại, các công ty có danh mục sản phẩm kém đa dạng, tập trung vào các sản phẩm có chi phí bán hàng và bồi thường cao, cũng như thiếu sự đầu tư vào công nghệ, sẽ đối mặt với nguy cơ thu hẹp thị phần," Tổng giám đốc MIC nhận định.

Thay đổi nhân sự cấp cao tại MIC

Tại đại hội, một trong những nội dung trọng tâm được trình lên cổ đông là việc miễn nhiệm 3 thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT) nhiệm kỳ 2022 - 2027, gồm ông Uông Đông Hưng - Chủ tịch HĐQT, bà Nguyễn Thị Thủy, thành viên ban điều hành MB và bà Ngô Bích Ngọc, thành viên chuyên trách.

Việc miễn nhiệm này được thực hiện theo nguyện vọng cá nhân của các thành viên và theo thông báo từ MB về việc đề cử nhân sự tham gia HĐQT MIC trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ.

Sau khi miễn nhiệm, HĐQT MIC chỉ còn lại 2 thành viên là ông Đinh Như Tuynh - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc MIC và ông Đặng Quốc Tiến - thành viên độc lập.

Để kiện toàn bộ máy lãnh đạo, đại hội đã bầu bổ sung 3 thành viên HĐQT mới gồm ông Trần Minh Đạt, bà Vũ Thái Huyền và ông Chu Hải Công. Cả ba đều là những cán bộ lãnh đạo lâu năm từ Ngân hàng Quân đội (MB) và trúng cử với tỷ lệ thống nhất cao.

Chân dung các ứng viên vị trí HĐQT tại MIC. Ảnh: Thu Trang/Mekong ASEAN

Chân dung các ứng viên vị trí HĐQT tại MIC. Ảnh: Thu Trang/Mekong ASEAN

Bên cạnh đó, cổ đông MIC cũng đã thông qua quyết định miễn nhiệm hai thành viên Ban Kiểm soát là bà Bùi Thị Hồng Thúy và bà Hoàng Thị Tuyết Mai. Đồng thời, đại hội đã bầu bổ sung hai nhân sự mới vào ban kiểm soát là bà Lê Thị Thu Trang - Phó phòng quản lý công ty thành viên, khối đầu tư MB và bà Nguyễn Thị Tươi - chuyên gia kiểm toán MB.

Kết thúc đại hội, tất cả tờ trình đều được thông qua.

Cũng trong ngày hôm nay (31/3) Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) đã chính thức chấp thuận niêm yết bổ sung 25,9 triệu cổ phiếu MIG. Sau đợt phát hành này, tổng số lượng cổ phiếu MIG đang lưu hành trên HoSE tăng từ 172,7 triệu lên 198,6 triệu đơn vị, qua đó vốn điều lệ của MIC tăng lên 1.986 tỷ đồng

Thu Trang

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/tong-giam-doc-mic-thi-truong-bao-hiem-phi-nhan-tho-khong-con-chay-dua-ve-phi-39854.html
Zalo