Tổng dư nợ cho vay đạt 16.471 tỷ đồng
Tháng 11/2024, doanh số cho vay đạt 2.550 tỷ đồng; doanh số thu nợ đạt 2.374 tỷ đồng. 11 tháng năm 2024, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 16.471 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm, (dư nợ ngắn hạn 6.235 tỷ đồng, giảm 2,7%; dư nợ trung - dài hạn 10.236 tỷ đồng, tăng 8,5%).
Nợ xấu 179,2 tỷ đồng, tăng 63,6 tỷ đồng so với đầu năm, chiếm 1,09% trên tổng dư nợ. Nợ xấu tăng do khách hàng gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, không có nguồn tài chính trả nợ đến hạn dẫn tới các khoản vay bị chuyển nhóm nợ cao hơn theo quy định; một số khoản nợ xấu, khách hàng đã đồng ý phương án xử lý tài sản nhưng tài sản vẫn chưa bán được; một số khoản nợ xấu lớn có tài sản đảm bảo nhưng khách hàng không hợp tác, bỏ trốn khỏi địa phương. Các ngân hàng tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, xử lý và kiểm soát nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ trên địa bàn tỉnh luôn được kiểm soát dưới 2%.
Dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh (gồm cả Ngân hàng Chính sách xã hội) đạt 8.200 tỷ đồng, tăng 0,65% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ tín dụng nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP tại các ngân hàng thương mại đạt 3.815 tỷ đồng, giảm 10,5% so với đầu năm.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 334 doanh nghiệp và 23 hợp tác xã có dư nợ 4.800 tỷ đồng tại các ngân hàng thương mại, tăng 7,1%. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đạt 4.391 tỷ đồng, tăng 13,1% so với đầu năm. Dư nợ tập trung ở một số chương trình: Cho vay giải quyết việc làm, hộ nghèo, hộ cận nghèo…
11 tháng, tổng nguồn vốn quản lý và huy độngtrên địa bàn tỉnh đạt 32.460 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm.