Tổng doanh thu từ hoạt động vận tải tại Hà Nội 10 tháng tăng 13%

Tổng doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ và bưu chính chuyển phát tháng 10 của Hà Nội ước đạt 19,1 nghìn tỷ đồng, tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 14% so với cùng kỳ năm trước.

Xe vận tải hành khách tại Bến xe Giáp Bát, Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Xe vận tải hành khách tại Bến xe Giáp Bát, Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Theo Cục Thống kê thành phố Hà Nội, tính chung 10 tháng năm 2024, tổng doanh thu ước đạt 181,6 nghìn tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước; số lượt hành khách vận chuyển đạt 349,6 triệu lượt người, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước; số lượt hành khách luân chuyển đạt 10,4 tỷ lượt người, tăng 12,8%; doanh thu đạt 18,5 nghìn tỷ đồng, tăng 16,3%.

Đối với vận tải hàng hóa, khối lượng hàng hóa vận chuyển 10 tháng đạt 1,4 tỷ tấn, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 130,6 tỷ tấn, tăng 12,6%; doanh thu đạt 76,5 nghìn tỷ đồng, tăng 14,3%.

Doanh thu dịch vụ bưu chính chuyển phát tháng 10 ước tính đạt 1,2 nghìn tỷ đồng, tăng 2% so với tháng trước và tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2024, doanh thu đạt 11 nghìn tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Hà Nội, với vị trí là Thủ đô, không chỉ là trung tâm chính trị, văn hóa mà còn là một trong những trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước. Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng và gia tăng dân số, việc phát triển hệ thống vận tải nói chung và vận tải hành khách trở thành một yếu tố then chốt để đảm bảo sự phát triển bền vững của thành phố. Việc giao thương hàng hóa từ các nước trên thế giới, các tỉnh thành đến Hà Nội và ngược lại ngày càng trở nên sôi động và không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày.

Thời gian qua, Bộ Chính trị, Trung ương, Quốc hội và Thành ủy Hà Nội đã có rất nhiều Nghị Quyết, Chỉ thị, cơ chế chính sách, định hướng quy hoạch phát triển vùng Thủ đô và thành phố Hà Nội nói chung, cũng như phát triển cơ sở hạ tầng giao thông nói riêng; trong đó, Hà Nội đã, đang và sẽ được tập trung ưu tiên rất nhiều tuyến đường huyết mạch kết nối liên vùng với các tỉnh phía Bắc và sông Hồng. Gần đây nhất là đang đẩy nhanh tiến độ đường vành đai 4 – vùng Thủ đô và đang tiến tới trong tương lai xây dựng đường vành đai 5.

Cạnh đó, thành phố Hà Nội đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống giao thông công cộng, bao gồm xe buýt, tàu điện ngầm và các phương tiện vận tải khác. Dự án tàu điện ngầm Cát Linh - Hà Đông; Nhổn – Ga Hà Nội là một ví dụ điển hình, hứa hẹn giảm tải cho hệ thống giao thông đường bộ và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân di chuyển.

Việc phát triển vận tải hành khách không chỉ giúp giảm ùn tắc mà còn góp phần giảm ô nhiễm môi trường. Các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt và tàu điện ngầm có khả năng vận chuyển số lượng lớn hành khách, từ đó giảm số lượng xe cá nhân lưu thông trên đường.

Chính quyền thành phố cũng đã triển khai nhiều chương trình khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, như giảm giá vé, cải thiện chất lượng dịch vụ và tăng cường an ninh, an toàn cho hành khách.

Trong tương lai, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh phát triển hệ thống vận tải hành khách, hướng tới một thành phố thông minh và bền vững. Việc áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý giao thông, phát triển các ứng dụng di động hỗ trợ người dân trong việc tìm kiếm và sử dụng dịch vụ vận tải sẽ là những bước đi quan trọng.

Nhờ được đầu tư hệ thống hạ tầng nên việc vận chuyến hàng hóa nói chung và vận chuyển hành khách nói riêng trên địa bàn đang có nhiều thuận tiện và phát triển mạnh trong tương lai. Bên cạnh đó, hệ thống vận tải tư nhân cũng đang phát triển mạnh mẽ, nhiều hãng xe tải chở hàng, nhiều hãng xe du lịch và taxi hoạt động góp phần rất lớn giúp người dân kết nối đi lại đến Hà Nội và các tỉnh một cách rất thuận tiện, nhanh chóng với giá thành cạnh tranh rẻ.

Nguyễn Văn Cảnh/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tong-doanh-thu-tu-hoat-dong-van-tai-tai-ha-noi-10-thang-tang-13/352605.html
Zalo