Tổng cục Thống kê lý giải nguyên nhân số doanh nghiệp rút khỏi thị trường gia tăng

Theo Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ thể hiện sự vận động bình thường theo xu hướng chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, đây cũng là tín hiệu cảnh báo cần tiếp tục nghiên cứu, có giải pháp căn cơ.

Trong tháng 1/2025, có 10,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 6,6% so với tháng 12/2024 nhưng giảm 30,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, có hơn 58,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 8,1% so với cùng kỳ.

Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 1/2025.

Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 1/2025.

Tổng cục Thống kê nhận định, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường giảm trong khi số doanh nghiệp rút lui tăng cao là do tháng 1/2025 trùng với thời điểm Tết Nguyên đán Ất Tỵ.

“Đây là tình trạng có tính mùa vụ, nhiều doanh nghiệp không lựa chọn đăng ký thành lập vào thời điểm đầu năm tài chính và trước Tết Nguyên đán do đặc thù của hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp lựa chọn thời điểm này để tạm ngừng hoạt động và tiến hành sắp xếp, tổ chức lại hoạt động hoặc chuyển đổi sang ngành nghề, lĩnh vực khác".

Bên cạnh đó, theo quy luật khách quan của nền kinh tế thị trường, luôn có một tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, phá sản do tính cạnh tranh, sự đào thải, thanh lọc tất yếu trong thị trường. Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, Việt Nam có nền kinh tế mở, nhiều triển vọng, khoa học công nghệ không ngừng phát triển thì sức ép đối với doanh nghiệp càng lớn, tính cạnh tranh, thanh lọc càng thể hiện rõ rệt.

Tổng cục Thống kê đánh giá, tình trạng rút lui này cho thấy sự linh hoạt, nhạy bén của các doanh nghiệp trong việc nhanh chóng thay đổi mô hình hoạt động để đáp ứng các yêu cầu mới của thị trường. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp phát triển những ý tưởng kinh doanh mới chất lượng hơn, nâng cao sức cạnh tranh và sự phát triển của thị trường.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thống kê cũng đề cập đến những nguyên nhân khách quan về bối cảnh kinh tế thế giới và năng lực nội tại của doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam.

Theo đánh giá, môi trường kinh doanh hiện nay còn nhiều thách thức. Những rào cản về ngành nghề, điều kiện kinh doanh đang cản trở hoạt động và làm tăng chi phí tuân thủ, làm giảm động lực đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.

Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong tháng một năm nay tăng so với cùng kỳ năm trước là tín hiệu cảnh báo, đòi hỏi cần tiếp tục nghiên cứu, có giải pháp căn cơ.

Để tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, Tổng cục Thống kê kiến nghị triển khai một số giải pháp đồng bộ.

Trong đó, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng; đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định, cam kết với các đối tác tiềm năng để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng; đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ một số ngành có thể bị tác động do ảnh hưởng của kinh tế thế giới như: da giày, dệt may, sản xuất và chế biến gỗ…

Kích cầu đầu tư công, đặc biệt đầu tư vào các dự án sắp hoàn thành, dự án có quy mô lớn, có tiềm năng góp phần trực tiếp duy trì và mở rộng năng lực sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế sẽ giúp kích thích các doanh nghiệp gia nhập thị trường.

Tổng cục Thống kê cũng kiến nghị xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên các ngành, lĩnh vực mới, công nghệ cao như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, internet vạn vật…; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và áp dụng các mô hình chuyển đổi xanh, kinh doanh bền vững.

Đỗ Kiều

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/tong-cuc-thong-ke-ly-giai-nguyen-nhan-so-doanh-nghiep-rut-khoi-thi-truong-gia-tang-1104863.html
Zalo